Người này chỉ cho cậu bé lên xe máy ngồi sau khi được một người đi đường khuyên giải.
Đoạn clip trên được đăng tải trên Facebook ngày 29.10. Theo thông tin từ nickname “Be…”, đoạn clip được quay trên một đoạn đường ở tỉnh Thái Nguyên.
Người đàn ông điều khiển xe máy trong clip là bố của cậu bé. Nguyên nhân dẫn tới sự việc được cho là do cậu bé bỏ nhà nhiều ngày đi chơi game.
Đoạn clip đã thu hút hơn 50 nghìn lượt xem và nhiều lời bình luận. Rất nhiều người dùng Facebook đã lên tiếng chỉ trích hành động xích con vào xe máy kéo trên đường của người bố.
“Cách tốt nhất là khi tìm được con là đưa về nhà dạy bảo. Đưa con đi bêu rếu giữa đường như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của nó.
Cách giáo dục con như trong clip là quá sai lầm”, nickname “Anh...” bình luận. Còn theo nickname “Cậu...”: “Con sai thì phải chỉ cho nó, không nên hạ thấp nhân phẩm của con như thế này”...
Cậu bé bị bố xích sau xe máy kéo trên đường. (Nguồn: Facebook)
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, phải trừng phạt như vậy để cậu bé sợ, không dám tiếp tục bỏ nhà đi chơi game.
“Ngày trước mình cũng thế. Bố thương em nên mới làm vậy để em sợ thôi, chứ bố mẹ nào chẳng xót con. Không làm như vậy thì sao thành người được”, nickname “Viet...” bình luận.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh clip bố xích con kéo trên đường.
Trao đổi với PV về đoạn clip nêu trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) cho rằng, trong trường hợp cậu bé trong đoạn clip chưa đủ 16 tuổi thì hành vi của người bố có dấu hiệu của tội làm nhục trẻ em theo quy định ở điểm 6, Điều 7 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
“Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các hành vi gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em sẽ bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.
Theo quan điểm cá nhân, hành vi của người bố trong đoạn clip là rất phản cảm, có nguy cơ ảnh hưởng tới tâm lý của cháu bé”, luật sư Tuấn Anh nói.
Ở góc độ tâm lý học, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng, việc phụ huynh đưa ra hình phạt một cách quá đáng hay bạo lực với con em không phải là cách giáo dục hiệu quả.
“Việc xúc phạm trẻ là vô tình thực hiện hành vi bạo lực một cách cho phép. Hơn nữa, đó là kiểu xúc phạm nhân phẩm trẻ, vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình và đặc biệt vi phạm quyền trẻ em...
Nhưng hành vi ấy không những gặp sự phản kháng quyết liệt của trẻ mà còn làm trẻ có thể có những phản ứng tiêu cực trong quá trình sống sau này.
Việc ứng xử với con cái là một nghệ thuật cần phải bắt đầu bằng những kỹ năng.
Ứng xử khi con có dấu hiệu không vâng lời, phạm lỗi và thậm chí nghiện game cần phải bắt đầu bằng sự ứng xử mang tính chất tôn trọng, tìm hiểu lý do và phương án xử lý.
Những nghiên cứu và cả thực tiễn cho thấy việc xử lý khi con nghiệm game và có những hành vi xấu hay thói quen tiêu cực cần bắt đầu từ việc cắt cơn tạm thời, điều chỉnh thói quen tiêu cực, hướng dẫn trẻ tạm chuyển sang một môi trường mới một thời gian và tăng cường vận động…”, PGS Sơn đưa ra lời khuyên.