Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Ảnh:AFP.
Bà nói nước Mỹ lo ngại rằng các vụ việc gần đây trên Biển Đông "đe dọa nền hòa bình và ổn định - điều mà dựa vào đó khu vực châu Á Thái Bình Dương đã được xây dựng và phát triển".
Bà Clinton đưa ra những lời phát biểu trên tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nơi quy tụ bộ trưởng và quan chức an ninh của các nước Đông Nam Á và nhiều cường quốc trong khu vực.
"Những vụ việc như vậy đe dọa an ninh trên biển, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại tự do hàng hải, và de dọa tự do lưu thông thương mại và phát triển kinh tế hợp pháp".
Trong dự thảo phát biểu trước các bộ trưởng tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo các bên liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không nên dùng vũ lực để khẳng định tuyên bố của mình.
"Mỗi bên nên tuân thủ các cam kết về việc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trong khu vực ... phù hợp với luật pháp quốc tế, để giải quyết các tranh chấp thông qua những biện pháp hòa bình, không de dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực",AFPdẫn lời bà Clinton.
Biển Đông là nơi có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau giữa Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Philippines và Malaysia. Trên biển có rất nhiều đảo lớn nhỏ, đáng kể nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vùng biển này được cho là giàu tài nguyên, là nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng nối Đông Á với châu Âu và Trung Đông.
Trong những tháng gần đây tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn trước do tàu thuyền của Trung Quốc quấy phá hoạt động của tàu Việt Nam trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Philippines cũng tố cáo tàu Trung Quốc xâm phạm vùng nước mà Manila tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đáp lại tất cả những cáo buộc này bằng tuyên bố muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhưng vẫn duy trì đòi hỏi của họ về chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển, điều không được các bên liên quan chấp nhận.
Trong tuần, Trung Quốc và ASEAN đã thỏa thuận những biện pháp hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông ra đời năm 2002. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, tiến tới việc hình thành bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn đối với các bên nhằm duy trì hòa bình ổn định.
Chính quyền cũng như nhiều nghị sĩ quốc hội Mỹ tỏ rõ sự quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Tuy nhiên Bắc Kinh duy trì quan điểm muốn giải quyết vấn đề một cách trực tiếp với mỗi bên trong tranh chấp. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Mỹ không nên can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên Mỹ vẫn luôn khẳng định sự hiện diện và vai trò của họ trong khu vực.
Cũng tại diễn đàn an ninh ARF năm ngoái ở Hà Nội, bà Clinton gây chú ý khi công bố một cách mạnh mẽ quan điểm của Mỹ, nhấn mạnh rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong chuyến công du tới Bali, Indonesia lần này, Clinton tham dự các cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN, diễn đàn an ninh khu vực, gặp song phương với một số đồng nghiệp - trong đó có Việt Nam - và tham gia công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á của các nguyên thủ.
Năm nay lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Nga - hai cường quốc nhận lời mời năm ngoái - tham gia chính thức Hội nghị cấp cao Đông Á. Sự tham gia này cho thấy vị thế ngày càng tăng của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN (AMM 44) và các hội nghị liên quan đang diễn ra trong một tuần tại nước chủ tịch hiệp hội Indonesia. ARF là một trong số các sự kiên liên quan đó, quy tụ bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN, 10 bên đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu , Ấn Độ, Nga, cùng các nước Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Mông Cổ, Timor Leste, Papua New Guinea và Triều Tiên.
Theo Dân trí