Chuyện về vị thành hoàng làng 2 lần bị hậu nhân… phế truất

Thôn Yên Nam ở phía nam xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa những ngày này… không có lấy một chút yên ổn.

Thành hoàng làng đã rõ…

Yên Nam là làng ven biển, cộng đồng dân cư sống hòa thuận, chung lưng đấu cật chống chọi với thiên nhiên bão gió, hàng ngày ra khơi đánh cá mưu sinh. Cuộc sống tuy nghèo nhưng đầm ấm, đoàn kết. Nghè (miếu thờ thần) của làng là nơi cố kết sức mạnh cộng đồng, nơi dân làng gửi gắm niềm tin và những ước mơ đời thường.

Nghè được gọi là “Nghè Yên Nam” gắn liền với tên làng. Trong nghè, vị thần thành hoàng được nhân dân tôn thờ xưa nay là Đông Hải đại vương Nguyễn Phục – một vị Đốc lương quan thời Vua Lê Thánh Tông.

Ngoài Đông Hải đại vương, trong nghè còn thờ Đông Giang đại vương – một vị thần sông địa phương. Nghè được nhân dân xây dựng từ xa xưa nhưng qua thời gian, chiến tranh và nhận thức sai lầm của giai đoạn lịch sử mà đã trở thành phế tích.

Năm 1995, đông đảo nhân dân làm nghề đi biển ở làng đóng góp xây dựng lại nghè. Từ đó, ngoài việc thờ phụng 2 vị thánh bảo hộ dân làng trên, trong nghè còn được phối thờ các vị thủy tổ các dòng họ ở làng, đứng đầu là thủy tổ họ Viên Đình, tiếp đến là thủy tổ họ Lê rồi đến họ Trần, họ Phạm…

Những họ nào đã đến đây sống được 5 đời đều được đưa vị thủy tổ vào nghè thờ bên cạnh 2 vị phúc thần. Hàng năm, làng mở lễ hội vào 15 tháng 2 âm lịch. Con dân trong làng không kể họ nào cùng đoàn kết một lòng thành tâm sửa soạn lễ vật dâng cúng thần hoàng và các vị tiên tổ.

Đảo lộn thánh thần vì “nhà khoa học đoán mò”

Đầu năm 1998, chuyên viên của Sở Văn hóa -Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL Thanh Hóa) là ông Nguyễn Đăng Ngân đã về địa phương nghiên cứu lập hồ sơ lý lịch di tích.

Lý lịch di tích đã dẫn rất nhiều sử liệu, nhưng điều quan trọng nhất về vị thần được thờ thì vị chuyên viên này lại “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi cho rằng vị chủ thần nghè Yên Nam là Hoàng giáp Lê Nhân Tế - một nhân vật lịch sử thời Vua Lê Hiến Tông (1497-1505), còn Đông Hải đại vương được phối thờ.

Vậy là, Đông Hải đại vương đang là vị thần thành hoàng làng, vị chủ thần của nghè đã bị chuyên viên khoa học của Sở … giáng xuống hàng thứ hai. Lý giải cho việc này, vị chuyên viên không dựa vào bất cứ nguồn tài liệu khoa học nào mà chỉ “đoán mò lịch sử” khi cho rằng: “Rất có thể” Lê Nhân Tế đứng ra lập đền thờ Nguyễn Phục vì hai vị này làm quan cách nhau có một triều đại; rồi “hai ông này có khi đã biết đến nhau hoặc đã biết tiếng nhau nên việc Lê Nhân Tế lập đền thờ Nguyễn Phục là rất có thể xảy ra”…

Với hàng loạt ”quan điểm lịch sử đoán mò” đó, vị chuyên đã khảo tả nghè Yên Nam, rồi sau đó ấn định đây là “đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế” dù “không thấy tư liệu nào ghi một cách cụ thể về ông (Lê Nhân Tế) được thờ ở đấy”. Ấy vậy, vị chuyên viên này vẫn lập hồ sơ “Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế” rồi đề nghị cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa.

Về việc này, ông Trần Văn Mừng (làng Yên Nam) nói: “Tôi không hiểu vị cán bộ sở làm khoa học kiểu gì mà lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia như thế. Hoàng giáp Lê Nhân Tế được dòng họ Lê thờ ở nhà thờ dòng họ cơ mà, sao lại bảo thờ ở nghè?”.

Cấp nhầm bằng công nhận di tích

Trên cơ sở hồ sơ di tích do ông Ngân lập, ngày 23.3.1999, Sở VH-TT tỉnh ra quyết định công nhận đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngay sau khi được công nhận, nhân dân đã rất bất bình, vì nghè của họ tên là nghè Yên Nam chứ không phải đền Lê Nhân Tế.

Bức xúc lên đến tột đỉnh khi năm 2009, Sở VH-TT-DL quyết định cấp 82 triệu đồng để tu bổ di tích đền thờ Lê Nhân Tế, thực chất là nghè, đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Dân làng đã quyết không nhận số tiền trên.

Năm 2011, UBND xã Quảng Hải có tờ trình đề nghị xác minh lại thần tích của nghè Yên Nam. Ngay sau đó, Sở VH-TT-DL kết luận, ông Nguyễn Đăng Ngân đã nhầm khi lập hồ sơ di tích.

Theo đó, “hiện ở thôn 8 (làng Yên Nam), cùng một địa bàn dân cư có 2 khu vực thờ tự: Nghè Yên Nam và đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế của dòng họ lập”, kết luận ghi rõ: “Nghè Yên Nam là nơi thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục, các ông tổ của các dòng họ Viên, họ Lê… (tiền hiền khai canh); đền thờ Lê Nhân Tế là nơi thờ nhân vật lịch sử Lê Nhân Tế”… Quyết định công nhân di tích đền thờ Lê Nhân Tế được công nhận năm 1999 cũng phải thu hồi do… cấp nhầm.

Sửa cái sai này bằng một cái sai khác

Để sửa sai, ngoài việc thu hồi bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Sở VH-TT-DL giao Ban Quản lý di tích và danh thắng cử cán bộ xuống điều tra, nghiên cứu lập lại hồ sơ di tích cho cả đền thờ Hoàng giáp Lê Nhân Tế và nghè Yên Nam. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, cả 2 di tích trên đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Sẽ là hòa cả làng khi cả 2 di tích đều được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nếu người lập hồ sơ di tích nghè Yên Nam không tiếp tục mắc sai lầm như vị tiền nhiệm. Trong hồ sơ khoa học do bà Trịnh Thị Hường – chuyên viên Ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa lập chỉ ghi trong nghè thờ các vị: Đông Hải đại vương Nguyễn Phục, thủy tổ họ Viên và thủy tổ họ Lê.

Bà Hường không đả động gì đến việc các dòng họ khác cũng được đưa ông tổ họ mình vào phối thờ. Nghiêm trọng hơn, trong biên bản họp đại diện nhân dân thôn 8 ngày 16.2.2012 do thư ký Viên Đình Trung lập; trưởng thôn Viên Đình Cường, cụ đại diện Viên Đình Diện ký, có ghi: “Nghè làng Yên Nam thờ các vị: 1. Đông Hải đại vương; 2. Thành hoàng làng Viên Đình Chất”. Không hiểu dựa vào căn cứ khoa học nào mà TS.Phạm Văn Tuấn – Trưởng ban QLDT&DT Thanh Hóa và các cán bộ cùng đi lại ký xác nhận?

Lý lịch di tích do bà Hường lập, đặc biệt biên bản họp thôn với chữ ký của ông tiến sĩ, trưởng ban cấp tỉnh là nguyên nhân gây bất ổn trong đời sống dân cư, đang dần phá hủy mối liên kết cộng đồng, cộng cảm giữa dân làng. Họ Viên Đình từ ngày có biên bản này thì nghiễm nhiên cho rằng ông tổ họ - cụ Viên Đình Chất là thành hoàng làng. Như vậy là một lần nữa, vị thần thành hoàng thực sự - ngài Đông Hải đại vương Nguyễn Phục lại bị… mất chức.

Xin hãy trả lại tên cho nghè

Với dân số chiếm quá nửa dân làng, cán bộ thôn đến cán bộ xã chiếm đến hơn 80% là người dòng họ Viên Đình, mọi việc tế tự ở nghè làng Yên Nam giờ đây chỉ do một tay con cháu họ Viên Đình làm.

“Từ xưa dân làng chúng tôi không kể dòng họ nào cũng đều đoàn kết thờ thần Đông Hải che chở cho dân biển, góp công của dựng lại đền, giờ lại trở thành nơi thờ thủy tổ họ Viên, các họ khác có muốn vào nghè thờ cũng không được”, một vị cao niên nói.

Từ chuyện vị trí thờ trong đền dẫn đến chuyện mâu thuẫn trong làng ngày càng cao độ. Họ Viên Đình một phe, các họ khác trong làng một phe. Họp chi bộ cũng thành họp cuộc tranh luận giữa các dòng họ. Đi ăn cưới, người họ Viên Đình và các họ khác không ngồi cùng với nhau; bà Viên Thị Quyển khuyên ông chú họ Viên Đình Xương nên trả lại nghè cho dân làng liền bị ông dọa đuổi khỏi dòng họ…

“Chúng tôi lo lắm, đời chúng tôi chẳng còn bao nhiêu, nếu để chuyện này kéo dài sẽ gây hậu quả khôn lường về sau”, ông Trần Văn Mừng, ông Lê Văn Dự, ông Lê Văn Khuyến và rất nhiều người dân cùng chung lo lắng.

Trao đổi với PV Lao Động & Đời sống, TS Phạm Văn Tuấn – Trưởng ban QLDT-DT Thanh Hóa (Sở VHTTDL) xác nhận có một số thiếu sót và cho rằng sẽ bổ sung vào hồ sơ vì “chuyện bổ sung nội dung vào hồ sơ di tích là bình thường”.

Có thể, với các nhà quản lý văn hóa, chuyện bổ sung hồ sơ di tích là bình thường, việc ai là thành hoàng không phải là vấn đề thời sự, nhưng những rạn nứt, căng thẳng, mâu thuẫn bắt nguồn từ sự can thiệp thiếu chuyên nghiệp của họ gây ra rõ ràng là việc không bình thường một chút nào.

Số tiền hơn 80 triệu được cấp theo quyết định nhầm cho đền thờ Lê Nhân Tế đã không được nhân dân chấp nhận giờ nó đang ở đâu cũng chưa ai rõ. UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản thu hồi số tiền này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại