Chuyện về những người… sợ Tết

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Người ta có câu: vui như Tết, nhưng với một số người, Tết đến không hẳn là vui, mà còn là nỗi lo, nỗi buồn và cả sự tủi thân bởi cuộc sống cơ cực, thiếu thốn. Họ là những người nghèo, những người phải bỏ quê để lên thành thị làm thuê làm mướn...

Xuân này con về, mẹ ở đâu…

Bước vào khu xóm trọ lụp xụp ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), đập vào tai chúng tôi là tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa lời bài hát với những ca từ không thể não nề hơn: “Xuân này con về, mẹ ở đâu? Quê nghèo xuân về, mưa hắt hiu…”. Trong phòng trọ, một gã trai đen đúa, gầy còm đang nằm dài trên giường, mắt đăm chiêu nhìn lên trần nhà.

Gã trai đó là Lê Thanh Tùng, 21 tuổi, quê xã Hoằng Thái, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Học xong cấp ba, thi không đỗ đại học, Tùng bỏ quê ra Hà Nội làm nghề đánh giày, tính đến nay đã được ba năm. Ba năm lang thang trên các ngả đường của phố phường Hà Nội, đủ để cho Tùng thấm vị đời.

Cuối năm, trong khi mọi người hối hả về quê để đoàn tụ cùng với gia đình và đón Tết với người thân thì ở đâu đó, trên phố phường Hà Nội vẫn còn những người đánh giày nán ở lại. Với họ, cái Tết có hay không chính là nhờ những ngày cuối năm như thế này.
Cuối năm, trong khi mọi người hối hả về quê để đoàn tụ cùng với gia đình và đón Tết với người thân thì ở đâu đó, trên phố phường Hà Nội vẫn còn những người đánh giày nán ở lại. Với họ, cái Tết có hay không chính là nhờ những ngày cuối năm như thế này.

Tùng cho biết, hôm nay trời mưa nên không đi làm. Mưa thì không ai cà phê vỉa hè, không ai ngồi ngoài trời đọc báo cả, nên chẳng có ai đánh giày. Có đi làm cũng mất công. Phòng trọ lèo tèo chỉ dăm ba bộ quần áo, vài đôi dép tông, còn lại là đồ nghề đánh giày.

Tùng bảo: “Hai thằng bạn cùng phòng (cũng làm nghề đánh giày) đã bỏ về quê từ hai hôm trước, giờ chỉ còn lại mình em. Một mình chán quá nên bật nhạc lên nghe. Nhớ nhà quá anh ạ, cuối năm Tết đến rồi càng thấy nhớ da diết…”.

Tùng cho biết chỉ 1 – 2 hôm nữa cũng sẽ về quê. Về lý do về muộn, Tùng giải thích: “Ai làm nghề đánh giày cũng biết rằng cuối năm, đặc biệt là những ngày sát với Tết chính là cơ hội kiếm tiền của dân đánh giày.

Vào những ngày này, số lượng khách có nhu cầu đánh giày rất nhiều, ai cũng muốn năm mới có đôi giày sạch sẽ để chơi xuân. Thu nhập từ làm 3 ngày cuối năm bằng làm cả năm anh ạ”.

Cũng theo Tùng, mẹ Tùng bị bệnh nặng vừa qua đời vào hồi tháng Năm, giờ nhà chỉ còn bố và hai em đang đi học, đứa lớn học lớp 10, đứa bé học lớp 7 nên Tùng trở thành trụ cột chính trong gia đình.

“Nhiều lúc cũng nhớ nhà, nhớ quê lắm chứ nhưng đâu thể về quê với hai bàn tay trắng được, cuộc sống mà anh. Dù sao cũng cố gắng kiếm cho hai đứa em cái Tết.

Năm nay mẹ em không còn nữa, thiếu đi người mẹ, nhà cửa chắc lom nhom lắm, cảm giác buồn ghê lắm anh ạ. Người ta nói đến Tết thì vui, còn như em thì…”, Tùng cười, giọng buồn buồn.

Tết đến từ những viên than…

Không làm nghề đánh giày nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Huấn (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Huê (30 tuổi) quê ở thôn Lương Phúc, xã Việt Long (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng phải về quê ăn Tết muộn.

Kinh tế ở quê khó khăn nên cách đây 5 năm, anh Huấn đưa cả gia đình xuống nội thành Hà Nội để làm thuê. Ban đầu thì làm xe ôm, sau anh xin được một chân làm than tổ ong ở ngõ 298 Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì bỏ hẳn xe ôm mà chuyển sang làm than.

Xưởng làm than trong ngõ 298 Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), nơi vợ chồng anh Huấn - chị Huê làm.
Xưởng làm than trong ngõ 298 Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), nơi vợ chồng anh Huấn - chị Huê làm.

Hằng ngày, anh làm ở xưởng than từ 6 giờ sáng đến tận tối mịt mới về. Chồng làm xưởng than còn vợ - chị Huê thì đạp xe chở than đi giao cho các quán ăn, các gia đình đã đặt trước.

Công việc vất vả và bận rộn nên anh chị không có nhiều thời gian để chăm sóc cho các con. Gia đình anh Huấn thuê một phòng trọ nhỏ trong xóm trọ sinh viên. Hằng ngày, khi bố mẹ dậy đi làm thì con anh – cháu Nguyễn Quốc Khánh – cũng dậy đi học.

Hằng ngày, vợ chồng anh Huấn làm ở xưởng than từ 6 giờ sáng cho đến khi tối mịt mới về nhà.
Hằng ngày, vợ chồng anh Huấn làm ở xưởng than từ 6 giờ sáng cho đến khi tối mịt mới về nhà.

“Con người ta thì sáng sáng đến trường đi học bố mẹ đưa đi, trưa hay chiều tan học thì bố mẹ lại đón về, còn con mình thì không ai đưa đón cả, ngày nào cũng đi bộ gần 2 cây số để đến trường.

Trưa tan học thì tự về, tự nấu cơm ăn rồi đi học buổi chiều. Nhiều lúc nghĩ thấy thương con nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh cả thôi”, chị Huê nói giọng như khóc.

Không có bố mẹ chăm sóc, cháu Khánh - con anh chị Huấn - Huê phải
Không có bố mẹ chăm sóc, cháu Khánh - con anh chị Huấn - Huê phải "tự chăm sóc" chính mình (Ảnh: Đi học về, Khánh tự nấu cơm để ăn).

Nhưng bù lại hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh Huấn vẫn có niềm vui và có thứ để đáng tự hào đó là dù mới học lớp Ba nhưng cả ba năm liền con anh chị đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và tỏ ra rất ngoan, nghe lời bố mẹ.

Chị Huê tâm sự: “Mỗi lần đi họp phụ huynh nghe cô giáo chủ nhiệm nói về con mình cũng vui chú ạ. Con người ta thì học thêm học nếm, bố mẹ đưa đi đón về, rồi thuê gia sư kèm cặp, con nhà mình thì tất cả đều tự học. May sao cháu nó ngoan và cũng chăm học”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn đã rèn luyện cho chú bé mới 8 tuổi này một lối sống tự lập.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn đã rèn luyện cho chú bé mới 8 tuổi này một lối sống tự lập.

Cũng theo chị Huê, 5 năm qua, chưa bao giờ vợ chồng anh chị về quê ăn Tết sớm, tất cả đều cứ phải sáng ngày 30 mới về. Năm nay tháng thiếu nên chắc phải 29 mới về quê được.

Cuối năm, việc nhiều. Hàng quán và nhà nào cũng đặt hàng mua than trong Tết vì không muốn ra năm mua than theo quan niệm sẽ bị đen. Cuối năm việc nhiều, thu nhập cũng khá nên anh chị phải tranh thủ làm thêm.

Chị Huê kể: “Nhà có còn ai đâu, còn mỗi hai ông bà già. Các cụ cũng đau yếu suốt. Nhà tôi hoàn cảnh khó khăn, lại neo người, tất cả chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền công từ làm than và chở than.

Về sớm thì biết xoay xở đâu ra tiền mà tiêu Tết. Nghỉ muộn một chút, ở lại làm thêm mấy ngày còn kiếm được đồng ra đồng vào…”.

“Chả nhẽ vợ chồng đi làm thuê biền biệt cả năm mà khi về lại không mua được cho ông bà ở quê đồng quà tấm bánh hay mua cho con bộ quần áo mới để mặc ngày Tết. Mình thì thế nào cũng được nhưng người già và trẻ con thì dễ tủi thân lắm chú ạ”, chị Huê cười gượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại