Nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa
Là con gái thứ hai trong gia đình có truyền thống về y học, ngay từ nhỏ, bà đã được nghe bố (là ông Bạch Quốc Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ) kể những câu chuyện về bệnh nhân mà ông trực tiếp điều trị.
Vốn tính tò mò, bà chăm chú nghe, học thuộc rồi đặt câu hỏi cho bố. Thế nhưng, năm 1972, bà thi đậu vào khoa chế tạo máy trường Đại học Bách khoa, với mơ ước trở thành một kỹ sư chế tạo máy. Nhưng nghe lời khuyên của bố, bà chuyển sang học đại học y Hà Nội. “Lúc đó, tôi cũng không suy nghĩ gì, chỉ nghe theo ý của bố mẹ thôi. Không ngờ, đó lại lại bước ngặt lớn dẫn tôi sang lĩnh vực y học”, bà Hòa chia sẻ.
Sau 6 năm miệt mài đèn sách, năm 1978, bà tốt nghiệp và được phân công về công tác tại khoa Huyết học, Truyền máu của bệnh viện Bạch Mai (nay là viện Huyết học - Truyền máu TƯ).
PGS.TS Bạch Khánh Hòa tâm sự: “Đây là công việc âm thầm, lặng lẽ 'thấy tên nhưng không thấy người', bởi suốt ngày làm trong phòng thí nghiệm. Công trình đầu tiên được tôi thực hiện vào năm 1980 mang tên 'Nghiên cứu về rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ, về thai dị tật và những hậu quả sau chiến tranh chống Mỹ'.
Để phát hiện rất sớm hiện tượng bất thường của thai nhi, phải tiến hành nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm định lượng α phetoprotein.
Đến năm 2001, tôi tham gia đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu đioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần minh chứng hậu quả lâu dài của chất đioxin do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Công trình này của tôi sau đó đã được giải 3, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2011”.
Năm 1990, PGS.TS Bạch Khánh Hòa đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ với đề tài “Góp phần tìm hiểu hệ kháng nguyên bạch cầu ở Việt nam, kỹ thuật phát hiện và ứng dụng”.
Trước đó, Việt Nam chưa từng thực hiện ca cấy ghép nào thành công, bởi những ca như ghép thận dù thực hiện, nhưng quả thận của người cho bị cơ thể bệnh nhân đào thải.
Từ kết quả đó, đến năm 1991, bà trực tiếp lựa chọn người cho và người nhận thận để tiến hành thành công ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam tại bệnh viện Quân y.
Từ đó đến nay, bà thường xuyên tham gia hỗ trợ các bệnh viện như bệnh viện Việt - Đức, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương… triển khai công tác ghép thận, gan và đặc biệt là ghép tủy mang cho bệnh nhân với tỉ lệ thành công khá cao.
Thầy thuốc của những nạn nhân nhiễm điôxin
Do đặc thù công việc, bà thường xuyên phải xa nhà, đi tới những vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Bà phải chịu muôn vàn khổ cực, thậm chí phải đối mặt với cả cái chết.
PGS.TS Bạch Khánh Hòa kể: “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đi nghiên cứu ở Quy Nhơn về vấn đề đioxin. Ngày đó đi lại còn khó khăn, phải đi bộ hàng chục km vào các xã, các bản để lấy mẫu đất, nước và sinh vật. Hàng quán rất ít, phải mang theo cơm nắm, củ khoai, củ sắn để ăn đường.
Khi đó, chất đioxin còn rất nhiều, có những quả chuối bị ảnh hưởng quả to như bắp đùi, rồi những quả dại bên đường to hơn bình thường rất nhiều, nhưng mà không dám ăn, nhiều hôm phải nhịn đói. Đến khi đi ngủ, phải trải nilon ra vệ đường hoặc gốc cây nghỉ tạm. Chuyện bị muỗi, vắt đốt là chuyện nhiều như cơm bữa”.
“Có lần, khi vào Đà Nẵng để thực hiện dự án về tồn dư chất đioxin, tôi cùng một người dân địa phương đào lấy đất ở độ sâu khoảng 1m ở khu vực sân bay để lấy mẫu xét nghiệm.
Khi đào đến độ sâu khoảng 50cm, chiếc xẻng đụng vào vật cứng nghe tiếng “keng”. Tôi và người dân được phen hết hồn, bởi vật đó là quả bom còn sót lại sau chiến tranh”, PGS.TS Bạch Khánh Hòa kể.
Sau lần “hút chết” đó, bà càng hiểu và thông cảm với cuộc sống của người dân nơi chiến tranh đi qua và quyết góp sức mình để giúp đỡ người dân. “Dù khó khăn như vậy, nhưng tôi không bao giờ nản. Bởi công việc của tôi giúp rất bệnh nhân có cơ hội được sống”, PGS.TS Bạch Khánh Hòa chia sẻ.