Cụ ông 70 tuổi vẫn chở vợ 72 tuổi đi dạo
Trong câu chuyện với chúng tôi trong căn nhà biệt thự từ thời Pháp tại ngõ Liên Trì (Hà Nội), ông Nguyễn Quý Thép rất tự hào chỉ lên những bức ảnh chụp của cha mẹ mình cách đây đã nhiều năm được treo trang trọng.
Theo ông Thép, vì bố ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi nên việc chọn vợ cũng là do ông nội nhờ người mai mối giúp.
Khi cưới, do bố ông vẫn đi hoạt động nên nhà nội phải nhờ người đóng giả chú rể đến đón mẹ ông về. 5 năm liền, mẹ ông đã một mình phụng dưỡng bố mẹ chồng, nhất là bố chồng ốm đau, bệnh tật mà chưa hề một lần biết đến mặt chồng.
"Cho tới mãi sau này, khi bố tôi trở về, gia đình đoàn tụ thì mẹ mới bắt đầu có hạnh phúc làm vợ”, ông Thép chia sẻ.
Cũng theo ông Thép, xét ở nhiều góc độ thì câu chuyện tình giữa bố mẹ ông được coi là "đôi đũa lệch".
Bố ông khi còn trẻ là một thanh niên Hà Nội, điển trai, tao nhã và được học hành tử tế. Rất nhiều cô gái con của các gia đình giàu có lúc đó yêu ông.
Trong khi đó, mẹ ông lại là một người nông dân chính hiệu và bà còn mù chữ.
"Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy ông chê bà dù chỉ một lần. Ông đã từng nói, bà lấy ông dù không biết mặt chồng mà vẫn chăm sóc, phụng dưỡng gia đình chồng hết mực nên ông rất thương bà.
Và tình thương đó đã biến thành tình yêu thực sự. Ở nhà, bà luôn là nội tướng của ông", ông Thép kể.
Còn theo ông Nguyễn Quý Điện, anh ông Thép, bố ông luôn tôn trọng sự sắp đặt nhà cửa của vợ. Bà nấu gì là vui vẻ ăn món đó.
Lương hàng tháng được bao nhiêu bố ông đều đưa cả cho mẹ để rồi thi thoảng bố lại xin mẹ 1 hào cắt tóc, 2 hào sửa xe. Mỗi khi định làm gì ông lại “có lời” với bà, cho dù đa phần bà đều nghe lời chồng vì không hiểu nhiều chuyện.
Cho đến lúc về già, cụ ông và cụ bà còn nổi tiếng khắp phố Liên Trì vì “tình cảm”.
Ông thường đèo bà trên chiếc xe đạp cũ. Cho tới cái lần ông làm ngã bà vì quá yếu, các con phải “giấu xe” đi ông mới chấp nhận là không "sánh bước" lai bà trên xe đạp để dạo phố nữa.
Và trong tâm trí của cả ông Điện và ông Thép giờ đây lại hiển hiện về hình ảnh người cha thường xuyên vắng nhà và việc dạy, nuôi dưỡng các con đều do phần nhiều một tay mẹ lo.
"Tuy thất học nhưng người mẹ lại thuộc truyền khẩu rất nhiều thơ, truyện cổ. Bà có cách dạy con rất hay. Đó là cố gắng gần gũi con nhất có thể. Tối nào, mẹ cũng ngủ với các con", ông Thép kể.
Đi đâu cũng mang theo ảnh cha mẹ
Vào những năm giữa 90, khi đã dọn ra ở riêng nhưng nhận thấy sức khỏe của bố mẹ giảm sút, ông Thép, khi đó đã bàn với vợ để anh dọn đến chăm sóc bố mẹ.
Và từ đó liên tục suốt 4 năm trời, khi bố lâm bệnh nặng ông đã cùng với mẹ và các anh chị em chăm sóc cha. Bản thân gần như ăn ngủ luôn trong bệnh viện.
Khi đó, cứ sáng ra, ông lại đến trường đại học để làm luận văn thạc sỹ, chiều đi dạy thêm tới đêm và sau đó lại đến thẳng viện.
Bệnh viện đông, có giường chiếu không có, ông liền kê luôn mấy chiếc lót ghế xuống sàn nhà.
Sau khi cha qua đời, mẹ ông gần như suy sụp. Bà bị tai biến nặng, nằm liệt giường suốt 4 năm. Bà không nói được nên phải có người cảm nhận từng thay đổi nhỏ của bà để kịp thời gọi cấp cứu.
Ông quyết định nằm ngủ chung giường để theo dõi tình hình sức khỏe và tiện chăm sóc mẹ, lấy những thứ khi bà cần.
“Tôi nằm bên và theo dõi mọi biến chuyển dù nhỏ của mẹ. Mẹ tôi bị tai biến, gần như không còn nhận ra sự vật xung quanh, thế nhưng, riêng với các con thì bà không bao giờ lẫn.
Bà nằm im, thậm chí tay còn đập xuống giường như thể muốn nhích người vào trong để con nằm cho rộng”, ông Thép nhớ lại.
Sau khi mẹ qua đời vào năm 2004, ông Thép mới trở về với gia đình nhỏ của mình.
Nhưng, sáng nào, bản thân ông ông và tuần nào ông cũng cùng vợ con về lại nhà xưa.
Có một điều đặc biệt hơn, là dù có quên bất cứ thứ gì nhưng trong người ông có một thứ không bao giờ quên, đó là tấm di ảnh chụp chung của cha mẹ, dù đã mờ vì ảnh chụp đen trắng trải qua nhiều năm.
"Đó là kỷ vật mãi mãi không bao giờ tôi có thể rời xa, dù có đi bất cứ đâu", ông Thép bày tỏ.
Đã qua nhiều cái Tết, bốn anh em Sắt, Điện, Nước, Thép và các chị em gái tự sum họp bên nhau khi không còn cha mẹ.
Nhưng kỷ niệm về cha mẹ, những câu chuyện về bài học làm người, tình đoàn kết, thương yêu nhau mà cha mẹ đã truyền lại vẫn được các ông dạy dỗ đến các con cháu để sự tiếp nối đó mãi truyền xa.