Chuyện thẩm phán khấn cây đa có 'vong hồn người chết'

Trước giờ xử án, những vị thẩm phán áo đỏ của chế độ cũ thường thắp nhang khấn nguyện trước cội đa già 4 gốc linh thiêng, nằm phía bên kia đường của tòa thượng thẩm.

Gốc đa thiêng “ám” dinh thống đốc

Cội đa 4 gốc này nằm giữa một công viên nhỏ đối diện tòa án nhân dân và Bảo tàng Cách mạng TP.HCM. Xưa kia, khu vực này được gọi là “tam giác quỷ” của Sài Gòn, bao gồm tòa thượng thẩm và tối cao pháp viện (nay là Tòa án nhân dân TP.HCM), khám lớn Sài Gòn (Thư viện Khoa học Tổng hợp) và dinh thống đốc Nam Kỳ (Bảo tàng cách mạng).

Chính vì thế, gốc cổ đa đã không ít lần chứng kiến cảnh trảm quyết đẫm máu giữa đường và trở thành chứng nhân lịch sử khi qua bao nhiêu đổi thay của thế sự.

Theo ghi chép của học giả Trương Vĩnh Ký về Sài Gòn, khu “tam giác quỷ” xưa kia có thể nói là “đất của đa” với sự tồn tại của “chợ Cây Da còm” (người phương Nam xưa gọi cây đa là cây da). Sở dĩ chợ có tên gọi như vậy vì nơi đây có một cây đa thân khòm xuống sát đất, cành lá còng queo.

Vào những năm 1885-1886, người Pháp giải tỏa chợ, chặt hết các gốc đa để dành đất xây dựng dinh thống đốc Nam kỳ và khám lớn Sài Gòn.

Những gốc đa ngáng đường đều bị chặt sạch, nhưng không hiểu sao cây đa 4 gốc nằm đối diện dinh thống đốc vẫn được giữ lại. Lúc bấy giờ, dân Sài Gòn râm ran đồn rằng đây là gốc đa linh thiêng. Và những chuyện huyền bí về cây đa già bắt đầu được thêu dệt.

Người ta đồn cây đa có linh hồn người chết “hộ thể”, trú ngụ rất nhiều vong linh vất vưởng không nơi nương tựa. Chính vì thế, quân Pháp không thể động vào gốc cây linh thiêng dù chỉ là một chiếc lá hay cọng rễ khẳng khiu.

Người ta còn kể về những đêm âm u tịch mịch, hàng chục chiếc bóng trắng hiện về quẩn quanh gốc đa oán khóc.

Do nằm trực diện với Dinh thống đốc Nam Kỳ, nên dân Sài Gòn còn đồn rằng, chính cây đa đã “ám” nơi đây, khiến không có thống đốc nào trú ngụ được tại dinh lâu dài. Tin đồn này bắt nguồn từ việc dinh thống đốc Nam kỳ kể từ khi được đưa vào sử dụng liên tục bị đổi chủ.

Cụ thể, ngày 9.3.1945 Thống đốc người Pháp Ernest Thimothée Hoeffel bị Nhật bắt. Sau đó, Nhật giao tòa nhà cho thống đốc Yoshio Minoda làm dinh thự. Nhưng chỉ vài tháng sau, Yoshio đã phải giao lại dinh thự cho ông Nguyễn Văn Sâm làm dinh khâm sai đại thần Nam bộ. Khâm sai Sâm chỉ ở được đúng 11 ngày thì Việt Minh cướp chính quyền Trần Trọng Kim (ngày 25.8.1945), bắt giam Nguyễn Văn Sâm và đổng lý Hồ Văn Ngà ngay trong dinh.

Sau hàng loạt lần dinh thống đốc bị đổi chủ, cội da già mang tiếng là "ám dinh".

Hàng loạt vụ bắt bớ các thống đốc tại dinh đã khiến tin đồn về cây đa 4 gốc linh thiêng càng rầm rộ hơn. Nghe tin gốc đa linh thiêng, những kẻ cầu cơ thường bí mật vác lư hương, bàn ông thiên đến gốc gây này xin quỷ hiện để cho “số”. 

Những cái bóng lén lút đi cầu cơ về khuya, làm lính gác dinh thống đốc tưởng nhầm là ma lại càng tô đậm thêm phần huyền bí cho cây đa 4 gốc.

“Nhà xác” lộ thiên

Giải thích về câu chuyện truyền miệng cây đa 4 gốc có vong linh người chết “hộ thể”, cụ Nguyễn Hữu Thanh ngụ đường Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1 kể: “Gia đình tôi mấy đời làm nghề buôn bán, hồi đó ba tôi còn sống, cũng hay kể về chuyện cội da 4 gốc ở chợ Cây Da xưa. Ba tôi nói, khi còn tồn tại chợ Cây Da còm, người ta thường kéo xác người chết đường, chết chợ không ai nhận, đặt dưới cây da 4 gốc này để chờ những người có lòng thiện nguyện bỏ tiền ra mai táng giúp. Bởi vậy, ba hay nói chỗ đó là nhà xác lộ thiên, nên gốc da này linh lắm”.

Không có bất cứ tài liệu nào viết về cây đa 4 gốc là “nhà xác” lộ thiên, nhưng người phương Nam xưa, khi gặp người chết bờ chết bụi, vẫn thường đưa xác về những sạp chợ, để lúc chợ đông, có người phát hiện ra mà thương tình chôn giúp.

Ngoài ra, do cây đa 4 gốc nằm gần khám lớn Sài Gòn, bao lần chứng kiến cảnh trảm quyết công khai máu đỏ ướt đẫm đường, nên cội đa già bị gán những câu chuyện huyền linh về vong hồn người chết cũng không có gì là quá lạ.

Cây cổ da 4 gốc đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến cảnh trảm quyết tù nhân từ khám lớn Sài Gòn.

Thậm chí, người ta còn truyền miệng là những vị thẩm phán áo đỏ trong tòa thượng thẩm trước khi xử án còn lén ra cây đa 4 gốc để khấn nguyện cho phiên tòa được êm xuôi. Thẩm phán các tòa cấp dưới ở chế độ cũ mặc áo đen, riêng thẩm phán tòa thượng thẩm mỗi khi xử án phải mặc áo đỏ. Bởi thế, bóng áo đỏ khấn nguyện dưới gốc cây đa già cũng trở thành một câu chuyện khá đặc trưng khi kể về chế độ cũ.

Và khi 1 trong 8 giám sát viên tại tòa thượng thẩm và tối cao pháp viện của chế độ cũ bị ám sát thì chuyện linh thiêng về gốc cổ đa lại càng được thêu dệt dày hơn.

Cái chết bí ẩn của giám sát viên Nguyễn Văn Bông (giáo sư trường Luật Sài Gòn mà nay là Đại học Kinh tế) đến giờ vẫn chưa có lời đáp về thủ phạm. Nhưng người ta đồn rằng, ông Bông vốn kịch liệt phản đối việc thẩm phán thắp nhang khấn cây đa trước giờ xử vì nó chứng tỏ một nền luật pháp không công minh.

Và hẳn nhiên, khi ông Bông bị ám sát bằng lựu đạn thì những kẻ trước giờ vốn không ưa sự phản đối của ông với sự linh thiêng của cây đa già lại có dịp thêu dệt rằng ông Bông đã bị cây đa “trừng phạt”.

Cho đến tận bây giờ, cây đa cổ 4 gốc vẫn sừng sững xanh tươi giữa lòng thành phố. Hàng mấy trăm năm qua, nó đã chứng kiến nơi này từ Gia Định thành Sài Gòn và giờ là thành phố Hồ Chí Minh sôi động.

Cây cổ đa 4 gốc, với những câu chuyện huyền linh gắn liền với hàng loạt dữ kiện lịch sử của dân tộc đã trở thành điểm nhấn hoài cổ đầy thú vị của thành phố này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại