Kẻ thứ ba hồi sinh từ cõi tử
Mối tình tay ba kể trên nay chỉ còn lại người được cho là tình địch vẫn còn sống. Bà tên là Trương Thị Quy, năm ngay gần 60 tuổi hiện đang sinh sống tại Nông trường Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp bà, đó là một người phụ nữ thật thà, có gương mặt lam lũ và đôi mắt buồn ngấn nước; điều này trái ngược hoàn toàn với dung nhan của người bị mang danh tình địch trong cuộc tình dậy sóng một thuở. Bà gượng cười để bắt đầu câu chuyện đời mình bằng câu nói: điều mà người đời nói về chuyên tình cảm 3 người là đúng, nhưng chưa đủ!
Bà bảo, bà là người thứ 3 bất đắc dĩ. Là một người mà có lẽ số phận sinh ra để xen vào cuộc đời ông Nguyễn Như Liên – người là ân nhân cứu sống bà, hồi sinh bà từ cõi chết trở về. Chuyện thì dài, nhưng trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông nên phận bà mới điêu đứng, nhiều khi khốn đốn vì miệng đời.
Năm ấy, bà mới ngoài 20 tuổi, bị ung thư vú. Những năm 70 của thế kỷ XX, điều kiện tiếp xúc với y học còn hạn chế nên khi cơ thể có những biểu hiện mỏi mệt, khó ở, bà mới phát hiện ra bệnh. Bên ngực trái của bà xuất hiện những cục sần nổi lên cứng nhắc, đau tức. Càng về sau, bà càng yếu, bản thân và gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất.
Nhưng đúng lúc nguy khốn ấy, người con gái mang trong mình bệnh trọng gặp được người lính quân y nay đã phục viên. Ông là Nguyễn Như Liên, sinh tại Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Ông vốn là một người lính quân y tham gia khóa học đầu tiên về đào tạo Đông y cho quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay ông tập kết ra Bắc và nhận công tác tại Nông trường Thống Nhất (hiện là Nông trường Sao Vàng – PV).
Tình cờ đi công tác qua xã nhà bà Quy, biết bệnh tình của bà, ông tới thăm khám. Với kinh nghiệm y học của mình, ông nhận thấy khả năng bản thân có thể cứu sống cho cô gái nên đã khuyên gia đình chuyển người bệnh xuống nhà ông để tiện điều trị, bên cạnh bà Quy khi đó có một người trong gia đình đi theo chăm sóc.
Kết hợp chữa trị theo cả Đông và Tây y: uống thuốc Tây đặc trị, bấm huyệt, châm cứu, uống lá đu đủ sắc đặc, ăn kiêng một số loại thực phẩm..., đợi khi các khối u teo nhỏ lại, chính tay ông Liên mổ cắt chúng ra khỏi cơ thể bà. Sau một thời gian tiếp tục điều trị và hồi sức kéo dài, cuối cùng bà đã chiến thắng căn bệnh quái ác, dù một bên ngực gần như bị cắt bỏ.
Trong những ngày tháng ở nhà ông, bà Quy đã gặp người vợ xinh đẹp của ông. Hai vợ chồng ông Liên sinh được một người con gái đặt tên là Bạch Tuyết. Hầu như không ai biết tên thật của vợ ông Liên vì quen gọi bà là mẹ Bạch Tuyết mà thôi. Thương tình người con gái đang xuân sắc mà mắc bệnh trọng, bà lo từng miếng ăn, cái mặc và phụ chồng chăm sóc người bệnh.
Bà đâu ngờ, chính người mang ơn mình sau này đã trở thành người đối trọng với bà trong chuyện tình cảm. Nhớ lại chuyện đã qua, gương mặt bà Quy thêm phần rầu rĩ. Bà bảo thật tâm chưa bao giờ muốn xen vào hạnh phúc gia đình ông, nhưng lòng cảm mến, tâm lý mang ơn cộng thêm sự ngưỡng mộ con người y đức đã cứu sống mình, hình ảnh ông dần lớn lên trong bà.
Bà chỉ biết một lòng một dạ suy nghĩ về ông, muốn được dùng cả cuộc đời mình để đền đáp lại ông. Bà đã trở thành một người thứ 3 bất đắc dĩ với suy nghĩ như thế.
Cuộc nhượng chồng đẫm nước mắt
Sự nhạy cảm của người vợ, của người phụ nữ giúp cho mẹ Bạch Tuyết đủ hiểu được cảm tình mà bà Quy dành cho chồng mình. Với tình cảm chị em đã có sau bao nhiêu ngày tháng chăm sóc cô gái vượt qua bạo bệnh, bà thực lòng khuyên nhủ, mong cô đi tìm hạnh phúc riêng cho chính mình.
Ngay cả chồng bà, người lính thật thà tốt bụng năm xưa chẳng hề run sợ khi đối diện với kẻ thù nơi chiến trường hiểm ác, nhưng giờ đây cũng lấy làm bối rối. Ông từ chối tấm chân tình của bà Quy bởi ông rất mực thương vợ, yêu con. Bà Quy không giận vợ chồng ông, điều đó càng làm bà thêm yêu mến sự thủy chung, sắc son mà hai người họ dành cho nhau.
Bà Quy bảo, chính bản thân bà lúc đó cũng không hiểu sao như ăn phải bùa mê, trong thâm tâm của bà chỉ có tình cảm dành cho ông Liên, và mong muốn duy nhất là được ở cạnh ông, thân phận gì bà cũng can tâm.
Thấy bà Quy chẳng hề có ý định thay đổi, lòng thương, tình cảm tốt đẹp trước kia mà mẹ Bạch Tuyết dành cho bà Quy cũng phai nhạt dần. Có những lúc cơn ghen nổi lên, bà cũng tìm đến tận nhà bà Quy để ba mặt một lời. Nhưng càng như lửa đổ thêm dầu, tình địch của mẹ Bạch Tuyết chỉ nước mắt ngắn nước mắt dài xin bà cho ở bên người chồng.
Lời qua tiếng lại, những cuộc khẩu chiến và cả những giọt nước mắt của hai người phụ nữ khiến xóm làng không khỏi chú ý. Đa số ai cũng thương thì ít mà giận bà Quy thì nhiều, họ cho rằng bà nên nghe lời người vợ đi tìm hạnh phúc mới cho mình thì sẽ tốt hơn.
Còn riêng bà Quy, bà nói đã xác định tình cảm bà dành cho ông là thật, nếu không được nên duyên cùng ông thì kiếp này, bà ở vậy. Ở làng quê yên tĩnh nghèo nàn thuở đó, câu chuyện ghen tuông của bà trở thành một đề tài nóng, như tâm điểm của dư luận.
Bà Quy ngắm kỉ vật của chồng.
Nhưng điều chẳng thể ai ngờ tới là từ những cơn ghen của hai người phụ nữ lại có kết cục như tình chị em nhà Thúy Vân – Thúy Kiều. Mối nhân duyên với ông Liên cuối cùng được mẹ Bạch Tuyết nhượng lại cho bà Quy, nhưng đó là một cuộc nhượng chồng cho tình địch đầy cảm động, đẫm nước mắt.
Mẹ Bạch Tuyết bị ung thư di căn dạ dày. Sau mọi nỗ lực cứu chữa của người chồng, hai vợ chồng cùng đành bất lực với biến chứng của căn bệnh quái ác. Cứu được người đời nhưng không cứu được vợ mình, ông Liên vô cùng đau xót. Một lần nữa, hai người phụ nữ trước kia lại chăm nhau, chỉ có điều vị trí người bệnh nay đã đổi.
Bà Quy không nề hà về những cọ xát trước kia, chỉ mong những tháng ngày cuối đời mẹ Bạch Tuyết sống thanh thản. Thời điểm đó, bà Quy cũng đang được gia đình mai mối cho một đám, vì gia đình không thể chịu nổi những điều tai tiếng. Nhưng trước lúc lâm chung, mẹ Bạch Tuyết với những giọt nước mắt héo hon, mặn chát đưa đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương nắm lấy tay bà nhắn nhủ:
Bà Quy bảo, suốt cuộc đời này, bà không thể nào quên được khoảnh khắc đó. Mẹ Bạch Tuyết dùng chút sức lực còn lại để nắm tay bà, ánh mắt chân thành pha chút hoảng loạn. Được chính người đã từng ghét bỏ mình một thuở gọi là Dì như máu mủ, nước mắt bà vỡ òa trên khuôn mặt. Bà nức nở nhận lời.
Hơn 20 năm bà Quy chung sống cùng ông Liên, chưa bao giờ hàng xóm nghe thấy một tiếng cãi vã, Bạch Tuyết lớn lên xem bà như mẹ đẻ. Hai ông bà có chung một người con trai giờ đây đã lớn khôn. Sau trận tai biến mạch máu não thì ông Liên cũng đã theo mẹ Bạch Tuyết về nơi suối vàng.
Những khi nhớ ông, bà lấy xấp ảnh hoặc giấy khen thời kháng chiến của ông ra xem lại. Bà cười buồn: “Đến cuối đời thì ông ấy vẫn rất mực yêu thương người vợ trước của mình, vẫn đi theo bà ấy. Nhưng có lẽ vì vậy mà tôi thêm yêu quý ông, còn phần tôi cuối cùng được làm vợ ông coi như toại nguyện.”