Những tưởng cuộc đời của mỗi con người sẽ tuân theo quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” ấy thế mà có những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã phải vội vã đi về cõi chết vì những hủ tục hết sức vô lý.
Mặc dù Đảng và nhà nước ta rất tích cực trong công tác tuyên truyền vận động bà con vùng sâu vùng xa xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu nhưng sức mạnh vô hình của chúng vẫn tồn tại. Ở những vùng miền xa xôi, hủ tục đã trở thành cái cây bám rễ sâu vào tiềm thức của nhiều người cùng chung sống trong một cộng đồng.
Những đứa trẻ may mắn vượt qua thử thách tắm sông
Không ít sinh linh nhỏ bé phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt nếu muốn nhận được “tấm giấy thông hành” bước vào thế giới của loài người. Xin được nhắc tới hủ tục hãi hùng của người Đan Lai ở Nghệ An. Theo phong tục, mỗi lần sinh con, chỉ sau một ngày sản phụ sẽ mang ngay đứa con nhỏ xuống dòng sông Giăng nhúng xuống nước lạnh.
Người Đan Lai cho rằng, sông Giăng là nguồn sống của cả bộ tộc, vì vậy những đứa trẻ sinh ra đều phải được tắm dưới sông để sau này lớn lên chúng thích nghi được với môi trường tự nhiên. Nếu vượt qua được thử thách đầu tiên này nghĩa là ông trời đã ưng thuận sự có mặt của đứa bé.
Một điều đáng sợ hơn mùa đông ở đây lạnh đến tê người nhưng nếu vợ chồng nào sinh con mùa này vẫn phải theo tục nhúng con xuống sông tắm. Những đứa trẻ sinh vào mùa đông sau khi tắm dưới sông Giăng vì thế đều bị chết, đứa khỏe cũng bị viêm phổi dẫn đến bệnh tật, còi cọc.
Lại có những nơi, đứa trẻ sinh ra dù rất khỏe mạnh, không phải trải qua bất cứ thử thách nào nhưng một khi người mẹ mất đi, hay là trẻ sinh đôi thì mặc nhiên sẽ không có quyền được sống. Vì sao lại trớ trêu như vậy?
Cặp song sinh duy nhất ở xã Ia Bang được lớn lên cùng nhau
Theo quan niệm của đồng bào Bahnar, J’rai ở thôn Dơ Bang, tỉnh Gia Lai, người phụ nữ sinh đôi, sinh ba là một nỗi kinh hoàng. Họ cho rằng các cháu sinh đôi là do trời phạt, nghĩa là bị ma ám mới sinh nở như vậy, nếu còn sống thì sẽ làm khổ bố mẹ, dân làng… Do đó cháu bé ra đời đầu tiên trong đôi sẽ được giữ lại, bé thứ hai phải bị bỏ đi. Kết quả, nhiều đứa trẻ vừa mới sinh ra đã bị bỏ vào rừng hoặc bị chính ông, bà, cha đẻ của mình đem đi chôn sống ngoài rừng để con ma không biết cách quay về quấy phá.
Còn theo hủ tục của các tộc người thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên, khi sinh con, nếu người mẹ không may bị chết thì sẽ phải chôn đứa trẻ sơ sinh theo mẹ. Bởi nếu để cháu bé lại thì vừa không có sữa, không có người nuôi và đặc biệt là “hồn ma người mẹ sẽ về tìm con”, cháu bé sẽ là điềm gở mang đến nhiều điều xấu cho bản làng.
Cứ như thế biết bao em bé đã phải đi về với đất dù khát khao ánh nắng mặt trời, khát khao hương đất núi rừng ngay từ những tiếng khóc đầu tiên...
Những hủ tục khắc nghiệt từ ngàn đời nay đã trở thành cái vòng kim cô vây hãm cách suy nghĩ của người dân sống tại nhiều vùng đất. Đói nghèo, lạc hậu, ít học đã khiến bà con đồng bào dân tộc thiểu số “kiên trì” niềm tin vào những điều hết sức ngớ ngẩn và vô lý ấy.
Nghĩ về những sinh linh nhỏ bé vừa mới cất tiếng khóc chào đời đã bị vùi xuống đất sâu hay nằm bơ vơ giữa rừng xanh núi đỏ, lòng người không khỏi xót xa!
Nhật Ly