Ký ức Trường Sa dội về
Mặc dù đã gần bước sang tuổi lục tuần nhưng bác sĩ Trần Văn Phụng (sinh năm 1957) trẻ hơn nhiều so với tuổi thực bởi tác phong quân đội nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Phụng cho biết chưa một ngày ông quên kí ức công tác ở Trường Sa.
Dưới hầm ngầm, trong ánh sáng leo lắt của bình ắcquy, ông đã mổ ruột thừa bằng những con dao lam. Trong cuộc điện thoại với chúng tôi, anh Đinh Quang Thế, trú tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, người đầu tiên được bác sĩ Phụng mổ ruột thừa bằng dao lam không khỏi xúc động kể lại: “Ai chứ bác sĩ Phụng thì cả đời này tôi không quên được.
Chính bác sĩ Phụng đã cứu mạng sống của tôi năm đó. Hơn 20 năm qua, tôi vẫn chưa có dịp ra Bắc thăm bác sĩ nên tôi thấy áy náy quá, nhưng nhất định tôi sẽ thu xếp ra thăm bác vào một ngày gần nhất có thể”.
Nhớ lại ca bệnh đầu tiên của mình thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ Phụng kể: “Tôi ra đảo Trường Sa Lớn nhận nhiệm vụ mới từ tháng 3/1988. Hôm ấy, ra tới đảo Trường Sa là 13h30 chiều và vẫn còn đang say sóng thì tới 20h tối, tôi tiếp nhận ca mổ đầu tiên cho chiến sĩ Đinh Quang Thế. Qua chẩn đoán, tôi biết anh này đau ruột thừa, cần phải mổ gấp, nếu chậm sẽ vỡ ruột, tử vong".
Nhưng nhìn lại đống thiết bị y tế, ông Phụng không tin vào mắt mình, lấy cái gì để mổ đây trong khi hầu hết các dụng cụ bị han gỉ, cũ rích do nhiễm mặn. Ông lục tìm thì chỉ còn mấy con dao lam là dùng được. Ông quyết định sẽ mổ ruột thừa cho chiến sĩ kia bằng dao lam và cho lưỡi dao vào nồi quân dụng đun sôi.
Ánh sáng làm việc trong hầm mổ là ánh sáng của đèn ắc quy 25W, chân tay bệnh nhân được cột chặt vào ghế và ca mổ bắt đầu. Khi tôi vừa mổ được một lúc, ghim xong các mạch máu thì điện tắt phụt.
"Cũng may là tôi vừa ghim xong mạch máu thì mất điện chứ không thì bệnh nhân sẽ mất máu mà chết. Trong tình huống nguy cấp, tôi huy động hết đèn pin của anh em trên đảo được gần 20 cái, soi rọi rồi mổ tiếp. Sau gần 10 ngày cắt chỉ, nghỉ ngơi, chiến sĩ đó đã quay về đơn vị công tác bình thường”, ông Phụng kể.
Khi vết mổ của chiến sĩ Thế chưa khô miệng thì bốn ngày sau, bác sĩ Phụng lại tiếp nhận ca mổ ruột thừa thứ hai là chiến sĩ Lưu Văn Thông, trú tại thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Vẫn trong căn hầm, vẫn dưới ánh sáng của đèn ắcquy, bác sĩ Phụng lại cột chân tay bệnh nhân vào chân bàn vì không có thuốc tê để giảm đau, sợ nạn nhân giãy giụa không tiến hành mổ được.
“Tôi đau đớn vô vùng nhưng may mắn có bác sĩ Phụng. Trong cơn đau, tôi thấy ruột mình ở bên ngoài da rồi tôi ngất đi không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, nghe bác sĩ Phụng tếu táo tôi mới biết mình vẫn còn sống. Bác sĩ nói tôi giãy khỏe quá nên chân tay mới xước xát như thế, giãy khỏe thế chứng tỏ sức khỏe tốt, tôi sẽ nhanh bình phục”, anh Thông cười nhớ lại.
Cũng như anh Thế, anh Thông chưa một lần ra Hà Nội thăm bác sĩ Phụng, nhưng những cuộc điện thoại hỏi han, cảm ơn của hai bệnh nhân vẫn diễn ra thường xuyên.
Đó là hai trường hợp mổ “bất đắc dĩ” trong cuộc đời làm nghề y mà bác sĩ Phụng nhớ mãi. Tuy nhiên còn một kỷ niệm đặc biệt mà không chiến sĩ nào thời đó có thể quên là việc bác sĩ Phụng sáng tạo ra chiếc ống thụt táo bón.
Bác sĩ Phụng kể: “Lần thứ hai, tôi ra công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Ở đó không có rau xanh, chiến sĩ của ta chủ yếu ăn thịt hộp, lương khô nên vấn đề táo bón thì ai cũng mắc. Nhiều chiến sĩ tâm sự với tôi rằng họ đọc hết một tờ báo mà vẫn chưa thể đi vệ sinh được…
Nghe tới đây, tôi trăn trở vô cùng. Thế là từ đó ý nghĩ “giải cứu” các chiến sĩ thường trực trong tôi. Tôi nghĩ đến một cái ống thụt, nhưng giữa biển lấy đâu ra ống thụt bây giờ. Bỗng một hôm, tôi nhặt được chiếc phao cứu sinh của Philippines trôi dạt vào bờ".
Ông nhặt lấy đem về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò - như van xe đạp bây giờ, làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần “giải cứu” sẽ cho 1 lít nước vào đó rồi trợ giúp các chiến sĩ. Sau đó, việc đi vệ sinh lại bình thường, các chiến sĩ khỏe khoắn trở lại để làm nhiệm vụ. Sau này, chiếc ống thụt đó được lưu trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, vùng 4 quân chủng hải quân.
3 lần cưới vợ “hụt” vì nhận công tác bất ngờ
Bác sĩ Trần Văn Phụng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Ân Thi, Hưng Yên đúng lúc cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra. 18 tuổi, Phụng lên đường nhập ngũ. Năm 1970, bác sĩ tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi được đơn vị cử đi học ngành y để phục vụ chiến sĩ.
Năm 1979, bác sĩ Phụng thi đỗ vào Học viện Quân y. Sau khi ra trường, ông về công tác ở Lữ đoàn bệnh xá 172 rồi về Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội đóng quân. Tại đây, bác sĩ Phụng đã quen người con gái tên Nguyễn Thị Hiền. Hai người nhanh chóng có tình cảm với nhau và có ý định tiến tới hôn nhân. Nhưng nhiều lần việc tổ chức đám cưới bị “hụt” vì chú rể đột ngột nhận công tác đặc biệt.
Nhớ lại những lần bị “cưới hụt”, chị Hiền bồi hồi: “Năm 1988, khi thiệp mời đã được chuẩn bị đâu ra đấy, anh Phụng đang trên đường mang xuống cơ quan dưới Quảng Ninh để mời dự đám cưới của chúng tôi thì nhận lệnh đi công tác Trường Sa. Cũng may là thiệp mời chưa kịp đưa tới ai. Đó là lần anh ấy công tác ở Trường Sa Lớn. Trước đó, cũng 2 lần chúng tôi hoãn cưới vì việc công tác dồn dập của anh ấy”.
Sau 18 tháng công tác, đám cưới của bác sĩ Phụng mới được tổ chức, nhưng đôi vợ chồng trẻ chưa kịp bén hơi nhau thì hai tháng sau ông Phụng lại nhận công tác ở đảo Sinh Tồn Đông. “Ngày trở về, tôi không cầm được nước mắt khi vợ tôi bế con ra đón từ đầu ngõ. Cô ấy đã hi sinh cho tôi quá nhiều".
"Những ngày tôi công tác xa nhà, một mình cô ấy mang nặng đẻ đau, chăm con rồi chăm lo cho bố mẹ hai bên. Chính vì vậy mà năm 1991, tôi quyết định xin phục viên gắn bó với dân làng, với gia đình, vợ con. Không phục vụ trong quân đội thì tôi phục vụ bà con nhân dân, đâu đâu cũng là nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân mà thôi”, bác sĩ Phụng nói.
Ông Phụng được bổ nhiệm làm Trạm trưởng trạm y tế xã Mễ Trì. Ngoài thời gian khám chữa bệnh tại trạm xá, ông còn mở phòng bệnh nhỏ tại nhà phục vụ người dân vào buổi tối.
Tâm sự với chúng tôi, chị Ngô Thị Nhàn ở làng Phú Đô cho biết: “Bác sĩ Phụng về làng đã lâu nên bà con ai có việc gì cũng đều đến nhờ bác ấy chữa trị. Bác ấy chuyên môn cao lại tận tình nên bà con làng trên xóm dưới ai cũng quý mến, nể phục. Nhiều người nghèo khó, bác ấy không lấy tiền chữa trị mà còn cho thêm thuốc để điều trị”.