Chuyện làng Ka Tăng nuôi “người rừng”

Lâm Hưng Thơ |

Gia đình liên tiếp gặp biến cố, chị Tuân bỗng dưng lẩn thẩn, không nói năng gì rồi trốn biệt vào rừng. Mỗi lúc nhớ người, Tuân gùi một bó cỏ dại về làng, rồi lại bỏ chạy vào rừng mà không người dân nào níu giữ được. Thương xót cho số phận của người phụ nữ này, người dân ở khóm Ka Tăng thay phiên nhau “mật phục” quyết tìm được nơi “ẩn náu” của “người rừng”.

Bằng tấm lòng nhân hậu của mình, họ thuyết phục Tuân trở về. Rồi họ dựng nhà, nuôi nấng, chăm sóc “người rừng” như một đứa con hai tuổi…

Ăn lá, ngủ cây suốt 3 năm

Hơn 3 năm trước, người dân ở khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chứng kiến cảnh người thân của chị Hồ Thị Tuân (SN 1983, trú tại khóm Ka Tăng) lần lượt qua đời.

Thế rồi Tuân trở nên lầm lũi, không nói năng gì, bỏ đi biệt tăm. Tuân chạy vào rừng, lội qua 3 con suối cách bản Ka Tăng chừng 5 cây số rồi chọn một cây lớn ở vách núi dựng đứng để ở.

Tài sản Tuân đem theo mình chỉ có cái nồi méo mó và một rựa leng (rựa cùn) cùng mớ áo quần rách rưới.

Suốt ngày, Tuân ngồi thu mình trong chòi nhỏ giữa rừng. Đến bữa, Tuân hái lá cây, cỏ dại để ăn và nước suối để uống.

Mưa cũng như nắng, Tuân sống giữa trời đất, tách biệt với thế giới bên ngoài và dường như quên đi cuộc sống cũ ở bản làng.

Lâu ngày, người dân ở bản Ka Tăng không còn nhớ đến Tuân nữa. Người già ở bản đoán già đoán non rằng Tuân đã sang bên đất Lào và lập gia đình ở đó.

Nhưng rồi, Tuân lại trở về, trên lưng là một gùi cỏ dại với vẻ nhếch nhác, lạ lẫm.

Những phụ nữ từng quen Tuân ở bản Ka Tăng góp tiền lại, mua giúp gùi cỏ dại của Tuân để lấy cớ hỏi thăm. Nhưng Tuân không nói năng, rồi lại trốn biệt vào rừng…

"Người rừng" Hồ Thị Tuân (thứ 2, từ phải sang) tò mò với cái tủ gỗ đựng gia vị và thức ăn mà mọi người tặng. 

Nhiều lần như thế, những phụ nữ ở bản Ka Tăng nghĩ đến khả năng Tuân đang sống khổ sở ở đâu đó trong cánh rừng già.

Thế là họ lên đường, sục sạo khắp các con suối. Mãi đến mấy ngày sau, họ mới phát hiện Tuân đang nằm co ro trong căn chòi rách nát được dựng trên một cây rừng ẩm ướt.

Nhìn thấy Tuân, trong tiết trời mùa đông ở biên giới kèm những cơn mưa rừng lạnh thấu xương, những người phụ nữ ở bản Ka Tăng nghẹn ngào.

Họ trở về bản, gặp già làng và chính quyền trình bày hoàn cảnh éo le của “người rừng”.

“Nếu không đưa về, mưa rét thế này Tuân sẽ chết mất” - suy nghĩ này khiến mọi người quyết tâm hơn, mặc dù họ biết rằng, việc giúp đỡ Tuân là cả một chặng đường dài.

Phá chòi, dựng nhà cho “người rừng”

Nhận được sự đồng cảm của các cấp chính quyền, chị em phụ nữ ở khóm Ka Tăng lên kế hoạch đón “người rừng” trở về.

“Việc làm đầu tiên là mượn miếng đất cạnh suối Ka Tăng để dựng nhà cho Tuân” - ý kiến này của chị Phạm Thị Lan - Chi hội phó Hội phụ nữ thị trấn Ka Tăng - được mọi người ủng hộ.

Công việc gấp rút triển khai, chị em ở hội phụ nữ khóm vận đồng bà con ủng hộ được hơn 1 triệu đồng, gỗ và mái tôn được bà con đóng góp.

Thế rồi, tháng 9.2014, cả khóm Ka Tăng tập trung ở gần suối, dựng nhà cho “người rừng”.

Hôm dựng nhà cho Tuân trời mưa, nền đất trở nên nhão nhoẹt. Nhưng việc ai nấy làm, thanh niên cưa xẻ gỗ, phụ nữ vận chuyển vật liệu và “hậu cần”.

Chỉ một ngày, ngôi nhà tình nghĩa - là nơi ở của “người rừng” - được dựng lên rất vững chãi, sạch sẽ.

Cùng thời gian này, chị Phạm Thị Lan, Hồ Thị Nhung, Đào Thị Thiệp băng vào rừng, đến nơi ở của Tuân để thuyết phục cô trở về, nhưng Tuân không nói năng gì, chỉ cúi đầu.

Chị Nhung và chị Thiệp hướng dẫn cho "người rừng" (ngồi giữa) cách làm món cá nướng. 

Cả ba chị thống nhất phá căn chòi, rồi “áp tải” Tuân trở về làng. Đôi chân trần của Tuân đã quá quen với cuộc sống trong rừng, nên Tuân chạy mất hút.

Đuổi theo Tuân qua những đoạn đường rừng, những người phụ nữ này bật khóc, phần sợ Tuân trốn, phần đuối sức, bất lực.

Nhưng “người rừng” bất ngờ chậm chân lại, họ đuổi theo kịp rồi dẫn Tuân về hướng bản Ka Tăng. Tuân không nói được, chỉ gật đầu và im lặng khi nghe mọi người khuyên nhủ.

Lội đến con suối thứ 3, Tuân được các chị giúp tắm rửa, cắt tóc và thay áo quần mới.

“Người rừng” trở về, cả khóm Ka Tăng ai cũng vui mừng, nhưng mọi người không ùa ra đón, sợ Tuân hoảng hốt bỏ chạy về rừng. Trong căn nhà bên dòng suối nhỏ, mọi thứ đã gọn gàng, tinh tươm.

Các vật dụng trong nhà khá đầy đủ, chăn màn, áo quần đều do người dân tự đem đến. “Người rừng” bước vào nhà, ánh mắt vô cảm, hiền lành đến ngờ nghệch.

“Nhà của Tuân đây”, chị Lan nói. Nhưng Tuân chỉ đứng vậy, không dám đụng vào bất cứ thứ gì, cúi nhìn xuống nền nhà và im lặng.

Đưa được “người rừng” trở về với cộng đồng đã là một thành công lớn của những phụ nữ ở bản Ka Tăng.

Nhưng để giữ “người rừng” ở lại thì chỉ có những tấm lòng nhân hậu, cao cả của những phụ nữ Vân Kiều này mới làm được…

Tấm lòng cao cả của 5 nữ phu xe

Bản Ka Tăng ở cạnh đường xuyên Á và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, bản nghèo với phần lớn là người đồng bào Vân Kiều sinh sống.

Những phụ nữ ở bản chủ yếu tham gia đội kéo xe chở hàng qua lại cửa khẩu để mưu sinh. Lam lũ, chịu khó, thật thà là những điểm dễ nhận thấy ở những người phụ nữ Vân Kiều này.

Hàng ngày, từ 7h sáng cho đến tối, phụ nữ ở đây lại kéo xe ra cửa khẩu. Khi có người thuê chở hàng, họ quằn lưng kéo từ cửa khẩu Lao Bảo sang cửa khẩu Đensavan (Lào) hoặc theo hướng ngược lại.

Vất vả là thế, nhưng khi thấy hoàn cảnh của “người rừng”, họ không khoanh tay đứng nhìn. Ngoài 3 chị trực tiếp vào rừng đưa Tuân về, còn có chị Lê Thị Hiệp và Hồ Thị Hạnh cùng chăm sóc cho Tuân.

Bộ đội biên phòng và phụ nữ ở khóm Ka Tăng làm vườn rau cho "người rừng". 

Chiều muộn, xong chuyến xe chở chuối nặng nhọc, chị Nhung tạt vào chợ mua ít thức ăn đưa về gia đình mình, rồi ghé sang nhà “người rừng”.

Chị nhận trách nhiệm hướng dẫn cho Tuân tắm, giặt, vệ sinh cá nhân. Tuân đang xem mấy đứa nhỏ đùa nghịch ở cạnh suối, nghe tiếng xe máy của chị Nhung là chạy ù vào nhà, cầm sẵn áo quần đợi.

“Thành thói quen rồi, cứ đến giờ là Tuân đợi chúng tôi đến”, chị Nhung nói. Dẫn Tuân ra bờ suối, chị Nhung kỳ cọ, tắm giặt, gội đầu cho Tuân.

Trông Tuân rất hiền, mái tóc lúc ở rừng dài và rối bù giờ được chải chuốt, cắt ngắn nên đã “thời trang” hơn rất nhiều.

Ánh mắt lẩn thẩn, vô hồn mỗi lúc gặp các chị trong đội kéo xe giờ cũng đã ánh lên niềm vui.

Thỉnh thoảng, Tuân vẫn chân trần đi dọc bờ suối, nhưng vào nhà lại xỏ ngay đôi dép vì thấy các chị đến thăm.

Đến bữa ăn, chị Thiệp và chị Lan lại thay phiên nhau làm đầu bếp cho “người rừng”. Lúc mới về nhà này, vẫn thói quen cũ, Tuân lang thang đi kiếm cỏ dại và lá sắn mang về ăn.

Nhưng tập miết thành quen, Tuân ăn món ăn các chị nấu và gật đầu khen ngon. “5 chị em chúng tôi đóng góp mỗi người một ít để mua gạo và thức ăn cho Tuân.

Tuân chưa ý thức được gì cả, nhưng tiến bộ thấy rõ, biết nghe lời”, chị Lan vui mừng nói.

Tuân được đưa về với xã hội, ngoài tấm lòng của chị em phụ nữ ở khóm Ka Tăng, thì Hội phụ nữ thị trấn Lao Bảo cũng đóng góp một phần không nhỏ.

Hội phụ nữ đã hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm nhằm giảm bớt gánh nặng cho các chị em ở chi hội. “Chúng tôi đánh giá cao việc làm của chi hội phụ nữ thị trấn Ka Tăng.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các chị em ở thị trấn quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như chị Tuân”, chị Võ Thị Thúy - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn Lao Bảo - cho biết.

Đã 4 tháng kể từ ngày “người rừng” trở về với cộng đồng, nhưng Tuân vẫn chưa nói được.

Nhưng hôm vừa rồi, khi cán bộ ở thị trấn Lao Bảo và các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo đến thăm, tặng quà, đúng lúc chị Lan vừa chuẩn bị xong bữa cơm cho Tuân.

Khi mọi người chào ra về, Tuân cất lời: “Xà ơn” (tiếng Vân Kiều, có nghĩa là cảm ơn).

Lúc đó, trong khóe mắt của 5 người phụ nữ nhân hậu bỗng rưng rưng nước mắt. Họ vui vì “người rừng” mà họ chăm bẵm bấy lâu nay, được họ xem như đứa trẻ 2 tuổi, giờ đã biết nói “cảm ơn”.

Để giúp chị Hồ Thị Tuân hòa nhập với cuộc sống, trước mắt 5 người phụ nữ ở khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sẽ nhận đỡ đầu, chăm sóc và hỗ trợ.

Đến khi thích nghi với cuộc sống, chị Tuân sẽ được kết nạp vào đội xe kéo của khóm Ka Tăng để làm việc và tự nuôi sống mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại