Chuyện lạ về cái ao không ai có thể lặn tới đáy

Quang Chiến |

(Soha.vn) - Sau nhiều lần ngụp dưới ao tìm xác cô gái, đám thợ lặn bó tay và bảo nhau: “Cái ao này rất lạ, lặn xuống bao nhiêu cũng không tới đáy”.

Những câu chuyện huyền bí về ao "mắt rồng"

Ao "mắt rồng" thuộc địa phận thôn Chúng Pả, xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) gắn với những câu chuyện nhuốm màu huyền bí của người dân vùng biên viễn. Nhiều người dân hiếu kỳ từ các tỉnh thành trên cả nước đã vượt hàng trăm km đường xá hiểm trở đến tìm hiểu về ao.

Theo chân anh cán bộ trẻ tên Cừ Mí Sính, chúng tôi đã tìm đến để mục sở thị ao "mắt rồng”. Ao rộng chừng một mẫu, ngự ngay dưới chân dãy núi đá sừng sững liên hoàn.

Trao đổi với chúng tôi quanh những câu chuyện về ao "mắt rồng", cụ Cử Xìa Ria (80 tuổi, thôn Chúng Pả) nói: “ Cái ao này tiếng Mông gọi là Pà Rà. Ao có lâu lắm rồi, từ khi sinh ra cho đến nay tôi chưa thấy ao này cạn nước bao giờ. Theo các cụ xưa truyền lại thì đáy ao có long mạch thông ngầm vào trong lòng mấy dãy núi phía trên nên không bao giờ cạn nước…”.

Hẳn vậy mà dù ngự ở địa hình có độ cao gần 1.500m so mực nước biển này, với xung quanh toàn đá xù xì, ngay cả giữa mùa khô khát, nứt nẻ…thì ao "mắt rồng” vẫn mênh mông nước.

Ao mắt rồng nhìn từ trên cao.

Cũng theo cụ Cử Xìa Ria, gia phả của họ tộc ông còn chép lại câu chuyện về vùng đất này như sau: Xưa kia, ngoài con rồng ở làng Chúng Pả của xã Phố Cáo (hiện nay) thì còn 2 con rồng khác, một ở xã Phố Bảng, một ở Lô Lô Chải và Thèn Tả (Lũng Cú, Đồng Văn). Con rồng ở Phố Cáo và rồng Phố Bảng thì ở gần dậu, tính tình xung khắc nên thường xuyên tranh giành thạch giới, không bên nào nhượng bên nào. Kết quả của những trận quyết chiến liên miên, rồng ở làng Chúng Pả bị đả trọng thương và rơi xuống chân dãy núi đầu làng. Vì thế nên hiện nay phía trên vách núi gần đó vẫn còn in những hàng sọc ngang đều nhau màu đỏ nhìn rất kì dị, đó là vết máu của rồng Chúng Pả.

Những sọc ngang xen viền đỏ trên lưng núi được cho là vết tích của rồng Chúng Pả, xã Phố Cáo. (Anh: Quang Chiến)

Ông Cử Mí Sùng (74 tuổi, thôn Chúng Pả) cũng kể cho chúng tôi lại nghe được những xuất tích thú vị về ao "mắt rồng". Ngày nọ, có một cô gái trẻ ra ao rửa ráy không may đã sảy chân, ngã xuống ao. Nhiều ngày sau vẫn không ai tìm thấy xác cô gái, thương con tột độ, người nhà đã thuê đủ các tay thợ lặn giỏi nhất vùng về ngụp lặn ngày đêm tìm kiếm. Cuối cùng, đám thợ lặn đành bó tay ra về. Hỏi tại sao, họ chỉ bảo: Cái ao này rất lạ, lặn xuống bao nhiêu cũng không tới đáy”. Sự việc này khiến dân làng Chúng Pả hoang mang.

Sợ tai ương tiếp tục ập đến, người làng đã họp bàn và mời hơn chục người Tày “cao tay” yểm bùa ở Yên Minh (Hà Giang) lên trấn yểm. Đám người Tày bảo giữa ao có một cái hố rất sâu, lặn xuống mấy cũng không chạm được đáy. Người lặn giỏi nhất sau một hồi ngụp lặn thì phải chồi lên mặt nước gấp gáp, hai tai ù tê đi vì áp lực của độ sâu. Sau cùng, họ đã phải dùng đến 9 cái chậu sắt rộng 3 - 4 thước để bịt cái hố ở đáy ao lại. Sau khi xong việc trở về, toán người yểm bùa còn dặn dân làng xung quanh không được tắm giặt, hay dùng nước ao để làm thịt súc vật, làm vậy bùa yểm sẽ bị phá, nước sẽ phun lên trào ra xung quanh hại làng. Từ đó, câu chuyện ao "mắt rồng" được người đời truyền miệng lại như truyền thuyết đầy màu huyền bí.

Vị trí hố sâu được người Tày yểm bùa bằng 9 cái chậu sắt được đánh dấu bằng tảng đá giữa ao.

Ao là một bên mắt của rồng?

Từ bao đời nay ao "mắt rồng” không lúc nào cạn. Chỉ cách chừng 100m về hướng nam của ao vẫn hiện diện một cái ao nhỏ. Điều lạ lùng là về mùa khô cái ao nhỏ này cạn trơ đáy mặc dù nó nằm ở vị trí thấp hơn so với ao "mắt rồng”. Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi, các cụ cao niên cho hay đó là bên mắt bị thương của rồng. Có lẽ sau khi vận lộn, rống Chúng Pả đã bị mất đi một bên mắt, để lại bên mắt lành như một chứng tích, với mênh mông nước và để lại câu chuyện thực hư cho đời (?!).

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch xã Phố Cáo cho biết: “ Ao "mắt rồng" là một hiện tượng độc đáo của tự nhiên ở địa phương chúng tôi từ lâu. Những câu chuyện hư thực đồn đoán bên lề có thể chỉ là truyền miệng mang màu sắc li kì và chưa có bằng chứng khoa học nào kiểm chứng được. 

Bà Hiền cho biết thêm, hiện địa phương đang có kế hoạnh xây dựng kè xung quanh để bảo vệ ao "mắt rồng” và có thể qui hoạch nó thành một cái hồ làm nơi tham quan, ngắm cảnh, dự trữ nước ngọt cho xã.

Chủ tịch xã Phố Cáo Phạm Thị Hiền.

Cũng từ bao đời nay, ao "mắt rồng" là kho chứa nước ngọt dồi dào của dân làng. Đồng bào còn mạnh dạn đem thả cá,  đặc biệt cá được thả vào ao không ai chăm sóc mà lớn như thổi, khi bắt lên con nào con nấy béo mũm. Có con cá chép vàng ươm, dâu dài hàng phân được bà con dâng lên tế thần linh, sau đó chia đều số cá bắt được cho cả làng cùng ăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại