Về xã Nhân Thành hỏi thăm nhà bà Kỳ thì ai cũng biết. Họ bảo "nhà liệt sĩ Kỳ nằm ở đầu xóm Vĩnh Tiến. Liệt sĩ đang còn đi cấy khoẻ lắm".
Chúng tôi gặp bà Kỳ lúc bà đi cấy về, rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Bà cười chua chát, kể: Tôi sinh 1938, năm 17 tuổi đi dân công hoả tuyến, tải đạn, rồi làm đường cho bộ đội hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Những người cùng đi dân công hoả tuyến với tôi đều được nhận tiền chế độ, còn tôi không nhận được đồng nào, mà được phong “liệt sĩ”.
“Liệt sĩ”, nhưng tôi chẳng có tiền tuất và chế độ chi cả, chỉ thấy nhiều chuyện phiền toái. Vừa nói, bà vừa chạy vào nhà bê tấm huân chương treo trang trọng trên tường xuống. Chúng tôi đọc nội dung huân chương ghi rõ: “Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho Liệt sĩ Lê Thị Kỳ, nguyên quán ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hà Nội ngày 12 tháng 5 năm 2006”.
Bà Lê Thị Kỳ và Huân chương Kháng chiến mang tên mình
Ôm tấm huân chương, bà Kỳ kể: "Vào tháng 9-2006, anh cán bộ xã Nhân Thành đến đưa Huân chương Kháng chiến cho tôi. Thời tuổi trẻ cống hiến bây giờ được Nhà nước nhớ đến, tôi mừng rơi nước mắt. Nhưng chưa kịp vui thì hàng xóm và cả gia đình đều cười vì trong tấm Huân chương có chữ Liệt sĩ Lê Thị Kỳ. Chán hết chỗ nói”.
Xin giải oan
Ông Nguyễn Phong Sắc (chồng bà Kỳ) cho biết, khi nhận Huân chương Kháng chiến, ghi vợ ông là liệt sĩ, ông đã đi lên UBND xã hỏi thì cán bộ xã bảo không biết. Ông lên UBND huyện kêu, thì họ nói: “Người làm chế độ thưởng Huân chương - liệt sĩ cho bà Kỳ đã về hưu, đi tỉnh mà hỏi”.
Thế rồi, vợ chồng tôi lại lặn lội vào Vinh để gặp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh để hỏi chế độ thanh niên xung phong cho bà Kỳ. Sau đó, họ đưa cuốn danh sách các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có tên vợ tôi là bà Lê Thị Kỳ.
Tôi thắc mắc, vợ tôi còn sống sao lại có tên trong “danh sách liệt sĩ" thì ông cán bộ Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh nói: “Ông bà cứ về đi, yên tâm là chúng tôi sẽ trình lên cấp trên xem xét!". Vậy là từ đó đến nay, họ im luôn không đoái hoài đến".
Theo ông Nguyễn Phong Sắc, giấy tờ gửi về từ huyện Yên Thành cho biết bà Kỳ đã hy sinh anh dũng tại mặt trận giao thông vận tải cách đây hơn 50 năm. “Thời điểm đó, bà ấy đang sinh con” - ông Sắc khẳng định. Điều khiến ông Sắc phân vân nhất là: Có hay không sự giả mạo tên bà để người khác được hưởng tiền tuất. Hay có sự khuất tất gì? Mặt khác, việc người còn sống mà lại ghi là chết đối với người dân là điều tối kỵ. Chính điều này mà người thân trong gia đình bà Kỳ thường xảy ra mâu thuẫn.
Còn bà Kỳ thì nói: “Tôi không phải là liệt sĩ, xin Nhà nước hãy giải oan cho tôi. Để như thế này phiền toái lắm, giờ đi đâu, tôi cũng bị người ta nhạo báng là liệt sĩ Kỳ. Buồn lắm!".
Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Thị Thủy - Trưởng phòng Người có công - Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc Huân chương Kháng chiến hạng Ba cấp cho bà Kỳ ghi là liệt sĩ là do cơ quan Thi đua - Khen thưởng ghi nhầm. Sở sẽ có công văn gửi Ban Thi đua - Khen thưởng để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thu hồi huân chương đó và cấp đổi cho bà Kỳ Huân chương Kháng chiến hạng Ba khác. Chúng tôi khẳng định, không có việc chế độ tiền tuất bị thất thoát ở đây, mà chỉ là do nhầm lẫn thôi”?
Theo Tiến Dũng
Dân Việt