Chuyên gia lý giải việc hàng cây không mọc lá ở đường đẹp nhất VN

Hoàng Đan |

GS Đăng cho rằng, bản thân cây mỡ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải cây sống lâu đời, thích nghi với vùng đồng bằng như ở Hà Nội.

Nhiều nguyên nhân

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt cây mỡ được trồng thay thế những cây bị chặt hạ trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đang có biểu hiện bị chết khô.

Không ít cây khác lá đã héo hoặc không thể mọc lá, thậm chí có cây bị nứt dọc thân “ăn” vào cả lớp gỗ bên trong… 

Trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, ông đã đi ngang qua đường Nguyễn Chí Thanh và cảm thấy rất buồn khi thấy các cây mỡ mới được trồng khô, héo, không mọc lá.

"Trước đây cây tươi tốt như vậy nhưng giờ chặt đi, đưa các cây như thế vào đường Nguyễn Chí Thanh, tôi rất buồn, nhất là mấy hôm nắng vừa rồi đi nhìn thấy cây trơ trọi.

Về nguyên nhân tôi cũng chưa biết cụ thể họ trồng, lấy cây như thế nào nên chưa thể nói được nhưng rõ ràng loài cây đó không thích hợp với Hà Nội.

Sau 3 tháng trồng thay thế, hơn 100 cây trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vẫn trơ cành. Nhiều thân cây khô héo, nứt vỏ. Ảnh: Zing.

Sau 3 tháng trồng thay thế, hơn 100 cây trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vẫn trơ cành. Nhiều thân cây khô héo, nứt vỏ. Ảnh: Zing.vn.

Thêm đó, trồng vào dịp nắng nóng như thế này, cây lại còi cọc thì khả năng chết sẽ cao hơn.

Và cá nhân tôi cho rằng, đây sẽ lại là một bài học nữa cho Hà Nội trong việc trồng, thay thế cây xanh", GS Huỳnh nhận định.

Cùng quan điểm đó, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng, bản thân cây mỡ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải cây sống lâu đời, thích nghi với vùng đồng bằng như ở Hà Nội.

"Loài cây mỡ này thường sống trên sườn đồi chứ không thích nghi với vùng đồng bằng, cao, úng ngập nước như ở Hà Nội nên đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cây bị chết khô, không mọc lá.

Thứ nữa, ở đây phải xem quá trình đánh cây ở trên đồi có bảo đảm các rễ cái, rễ con còn đủ hay không và khi đưa về Hà Nội trồng thì giá để trồng có đủ, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây hay không?

Hay việc chăm sóc những ngày đầu ra sao... Thực, tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến cây mỡ này bị chết nên cần phải có sự đánh giá, xem xét, kiểm tra kỹ càng", GS Đăng nhấn mạnh.

GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho hay, ông chưa xuống tận nơi xem xét những cây mỡ bị chết này nhưng qua theo dõi thì có thể thấy, nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

"Ở đây, nhiều ý kiến cho rằng, cây mỡ không trồng được nhưng tôi cho rằng, chỉ là chưa trồng chứ không có nghĩa là không trồng được.

Cây mỡ này tán cũng đẹp và không lớn, gần như tán của cây thông. Tuy nhiên, ở đây, có thể do kỹ thuật trồng không đúng, không đảm bảo hoặc từ khi bứng cây đã có vấn đề nên cây mới bị chết như thế này.

Chưa kể đến việc, vừa qua, việc còn bọc nguyên cả nilon ở bầu đất khi trồng hay cắt hết lá đi, khiến cây không còn gì để quang hợp... cũng có khả năng dẫn đến cây chết.

Việc để cây chết, theo tôi cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị có liên quan", GS Khả bày tỏ.

Nên trồng cây gì thay thế?

Liên quan đến vấn đề thay thế cây xanh mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh theo kế luận của thanh tra Hà Nội, trong buổi giao ban báo chí mới đây, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết:

Đơn vị đang phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hà Nội để xác định loại cây mới phù hợp. Các đơn vị chuyên môn cũng sẽ xác định thời gian thích hợp để trồng lại cây trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Theo GS Đăng, trên thực tế, đã có những liệt kê rất nhiều loại cây phù hợp với Hà Nội nên việc còn lại là các cơ quan chức năng cần lấy ý kiến các nhà khoa học có chuyên môn để tìm ra loại cây thích hợp với thổ nhưỡng ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh.

"Tôi đã nói, trước khi đưa các loại cây vào trồng ở Hà Nội thì cần phải thử nghiệm. Với cây mỡ, lẽ ra trước khi đưa vào Hà Nội phải trồng thử ở các khu vực ngoại thành nhưng đây lại tự nhiên đưa từ vùng trung du, miền núi xuống trồng ngay.

Việc đó, không phải là cách khoa học. Còn ở đây, trồng cây gì, theo tôi, cần chọn cây thích hợp với thổ nhưỡng, điều kiện trong đô thị và kỹ thuật trồng, chăm bón cây phải đảm bảo để cây sống", GS Đăng nói.

Còn GS Lê Đình Khả, dù không được mời tham dự hội thảo mới đây của Hà Nội lấy ý kiến về cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng cá nhân ông thấy rằng, có rất nhiều cây phù hợp để trồng ở con đường này.

"Thực tế, tất cả các cây rừng đều có thể trồng được hay những cây như bằng lăng, hay xà cừ dù rằng là ngoại lai nhưng cũng được trồng đến cả trăm năm ở Hà Nội.

Nhưng vấn đề ở đây là tiêu chuẩn chọn tán, tuyến phố, chọn các thứ khác đối với cây đường phố thì cần phải xem xét, bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi chứ không thể cứ nói là nói được", GS Khả chia sẻ.

Ngày 6/7, báo cáo tại phiên kỳ họp thứ 13 HĐND, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn là việc làm thường xuyên, thực hiện trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch.

Theo ông Khanh, việc thay thế cây xanh lâu nay đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị.

“Tuy nhiên, trong thực hiện thay thế cây xanh vừa qua có thiếu sót, trong tổ chức thực hiện còn bộc lộ tồn tại, phương pháp, cách làm chưa phù hợp, có phần nóng vội, đơn giản”, ông Khanh thừa nhận.

Thực hiện thay thế cây xanh cũng chưa đánh giá kỹ những phản ánh, tác động đến xã hội. Đặc biệt là việc thông tin, tuyên truyền chưa kịp thời và đầy đủ, chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

“Việc quản lý cây xanh đô thị sẽ phải tăng cường trong 6 tháng tới, trong đó tập trung khắc phục tồn tại, bất cập trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đã được Thanh tra thành phố chỉ rõ trong quá trình thanh tra”, ông Khanh nhấn mạnh.

Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, việc cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là nội dung khiến nhiều cử tri bức xúc.

Theo đó, cử tri nhiều quận, huyện của Hà Nội đã kiến nghị thành phố làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua.

Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Hà Nội cũng nêu một trong những tâm tư, băn khoăn của các tầng lớp nhân dân thủ đô là:

"Việc cây xanh trong dự án cải tạo, thay thế đầu năm 2015 được trồng nguyên cả túi nilon và dây buộc gây tâm lý nghi ngờ về ý thức trách nhiệm của đơn vị trồng cây xanh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại