Chuyện đời riêng cảm động của những vị tướng

H.Mai (Tổng hợp) |

Chuyện đời của những vị tướng ấy cũng đẹp như những trang sử mà họ viết cho dân tộc…

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Cúc

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, quê ở làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Nguyễn Vịnh sinh trưởng trong một gia đình trung nông. Năm 14 tuổi, do cha mất, gia đình nghèo, cậu bé Vịnh đành bỏ học đi làm tá điền để giúp mẹ nuôi các em.

Phát hiện căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Phát hiện căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sau gần 70 năm bị chôn vùi dưới lòng đất, căn hầm bí mật che giấu Đại tướng và những chiến sĩ cách mạng năm 1945-1946 nằm ngay giữa lòng TP.Huế đã tình cờ được phát hiện.

Năm 20 tuổi, chàng thanh niên Vịnh vừa đi làm thuê, vừa tham gia hoạt động Cách mạng. Trong thời gian này, anh gặp Nguyễn Thị Cúc, người xã Nam Dương. Chị Cúc khác hẳn những cô gái trong vùng vốn không mấy người biết chữ, lại không đẹp. Nguyễn Thị Cúc gây ấn tượng với Nguyễn Vịnh bởi gương mặt trái xoan và đôi mắt đen thông minh. Không những thế, Cúc có học, gia đình khá giả và là cơ sở của Cách mạng thời đó.

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở phân khu Bình Trị Thiên năm 1948 (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở phân khu Bình Trị Thiên năm 1948 (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Báo Quân đội nhân dân có đoạn viết về người sau này trở thành vợ hiền của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Bố chị là một trong những người thường lui tới nhà cụ Phan Bội Châu. Chị Cúc đi hoạt động cách mạng rất sớm. Chị cũng thầm mến người tá điền thật thà, tốt bụng. Anh có nước da ngăm đen, đôi mắt ngời sáng, tính tình nhân hậu, thẳng thắn.

Anh Thanh chưa kịp ngỏ lời thì bị địch bắt. Lúc này, anh là bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dù không tìm được chứng cớ, tòa án vẫn tuyên án anh Nguyễn Chí Thanh 2 năm tù cấm cố. Anh bị đưa về nhà lao Thừa Phủ cùng với các đồng chí Hoàng Anh, Tố Hữu, Nguyễn Sơn.

Anh Thanh ở tù cùng với nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu rất hiểu nỗi nhớ đồng quê của người tá điền. Trong ấy có cả nỗi nhớ người con gái Nam Dương mà anh chưa kịp ngỏ lời”…

“Giữa năm 1946, anh chị gặp lại nhau ở Nam Dương, quê chị. Hai người làm đám cưới theo đời sống mới. Đám cưới ngay sau cách mạng thành công nên rất đông vui. Có rạp bắc giữa sân”.

Ít ai biết rằng, người sau này trở thành vị tướng được vinh danh của Việt Nam lại là người có những cảm xúc rất đời, đầy cảm động như những dòng thư viết cho người thân yêu: “Cúc này, anh vừa bị sốt hai hôm. Anh nằm cứ trông thư Cúc. Anh đã gửi ít nhất bảy, tám cái thư rồi. Lần này chỉ nhận được mấy hàng chữ của Cúc, đang đau mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được. Cúc sợ anh biết Cúc đau sẽ lo hay sao mà không viết thư?

Phải viết cho anh biết sức khỏe sau khi sinh đẻ chứ. Em cũng biết hay nhớ nhung nhiều, hay sinh ra nghĩ thế này, thế khác. Tuy anh hiểu tính Cúc cũng ít viết thư. Cúc ơi, năng gửi thư cho anh. Chắc Cúc cũng muốn cho anh yên tâm. Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh.

Hôn Cúc và con”. Đoạn thư được trích đăng trên tờ Quân đội nhân dân.

“Mối tình đầu” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nguyễn Thị Quang Thái, em gái ruột của nhà Cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai đã trở thành người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là người phụ nữ đã ghi dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời ông.

Báo điện tử Vietnamnet trích đăng những dòng trong cuốn hồi ký “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, tác giả: Trung tướng Phạm Hồng Cư - với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà (người vợ sau của Đại tướng). Trong đó có đoạn viết về cuộc gặp gỡ định mệnh của tướng Giáp với bà Quang Thái.

Nữ sinh Đồng Khánh Quang Thái ngày ấy hiện lên thật đẹp trong những dòng hồi ký: “Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.

Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.

Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.

Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!

Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:

Mười sáu xuân qua sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Thấy bạn cần lao dạ rối bời

Quyết chí hy sinh thây kệ chết

Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.”

Thời gian chung sống của bà Quang Thái và tướng Giáp quá ngắn ngủi, vỏn vẹn chỉ 5 năm từ tháng 9/1935 đến tháng 5/1940, nhưng đầy tình nghĩa sâu nặng. Đến đám cưới của họ cũng thật đặc biệt. Hồi ký viết: “Đó là một đám cưới chạy tang chuẩn bị gấp gáp vì bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh. Ông bà Hàn Bình một mặt lo chữa chạy cho cụ, một mặt hối thúc Thái - Giáp làm ngay đám cưới.”

Nguyễn Thị Quang Thái và Hồng Anh - vợ và con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Nguyễn Thị Quang Thái và Hồng Anh - vợ và con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu - Nguồn: Vietnamnet)

Người vợ đầu tiên và để lại dấu ấn trong cuộc đời “anh Văn” được miêu tả: “Đặng Thai Mai thân với Quang Thái không chỉ vì Quang Thái là người yêu của Võ Nguyên Giáp mà vì Quang Thái có những đức tính mà Đặng Thai Mai rất quý.

Quang Thái thông minh và yêu văn học. Đọc được một đoạn văn hay thế nào Quang Thái cũng tìm gặp Đặng Thai Mai để bàn luận.

Quang Thái sống có lý tưởng, lãng mạn cách mạng, yêu hết mình, sẵn sàng xả thân vì người mình yêu, vì điều mình tin tưởng.

Tính tình dịu dàng nhưng kiên định, vừa hiền vừa bướng bỉnh, gan góc kiểu con gái xứ Nghệ, giàu lòng trắc ẩn, mau nước mắt, dễ xúc động nhưng đầy ý chí và nghị lực”. Thông tin từ Vietnamnet.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và người vợ hiền thảo

Ở tuổi xấp xỉ 90, Thiếu tướng Phan Khắc Hy trải lòng trên tờ Đời sống & Pháp luật rằng gần 90 mùa xuân qua, ông đã có được những khoảnh khắc đẹp của một tình yêu mãnh liệt.

Vợ chồng tướng Phan Khắc Hy trong Album kỷ niệm 60 năm ngày cưới năm 2012. (Ảnh: Đời sống & Pháp luật)

Vợ chồng tướng Phan Khắc Hy trong Album kỷ niệm 60 năm ngày cưới năm 2012. (Ảnh: Đời sống & Pháp luật)

“Chiến tranh kết thúc, rời chiến trường trở về bên mái ấm nhỏ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy mang theo những kỷ niệm một thời đã qua, đó là những bức thư tình giữa hai vợ chồng ông. Người lính già bảo rằng, chính những lá thư đó đem đến cho cuộc đời ông những kỷ niệm và động lực vững chắc về tinh thần vượt qua bom lửa của kẻ thù”.

Nói về chuyện tình yêu đẹp với bà Ngọc Lan, vị tướng già chia sẻ: “Sau khi vào mặt trận Bình Trị Thiên, tôi với vai trò Tỉnh đội trưởng, thường xuyên phải lên Văn phòng Chính trị Mặt trận liên hệ công tác. Từ đây, tôi gặp cô văn thư Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1932, tại Hương Khê, Hà Tĩnh, vợ ông bây giờ). Qua tìm hiểu, tôi biết, Lan là một trong bốn cô gái xung phong ra mặt trận được điều vào làm công tác văn thư. Sau nhiều lần gặp gỡ cô văn thư dịu dàng, đoan trang, tôi cảm nhận rõ trái tim mình rung động lạ thường. Khi “kiểm tra” kỹ lại tình cảm bản thân, tôi quyết tâm thổ lộ tâm tình với cô gái thật nhanh, kẻo lại phải ra chiến trường thì không kịp”.

Cứ thế, tình yêu của họ lớn dần lên cùng với năm tháng, qua thăng trầm của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại cho đến ngày hòa bình. 550 bức thư tình vượt thời gian của tướng Phan Khắc Hy và người vợ ông – bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là những lá thư đầy nhung nhớ, tâm tình chuyện kháng chiến, chuyện học hành, chuyện đất nước, tình yêu... Hơn 500 bức thư chưa kể những bức bị thất lạc, “đều là những thông điệp yêu thương, rất chính trị mà trữ tình. Đó là những tâm tình của người chí sỹ, người đồng chí về cuộc chiến, về niềm tin chiến thắng của dân tộc. Tất cả được lồng ghép trong nỗi nhớ đau đáu, cồn cào của hai vợ chồng lúc chia xa”, tờ Đời sống Pháp luật viết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại