Xuôi mái chèo lả lướt trên dòng sông Trường Giang, chúng tôi được người lái đò kể về một thời “mưa bom, lửa đạn” vận chuyển, tiếp tế gạo, muối, mắm của những chàng thủy thủ ngày ấy.
Những câu chuyện một thời trai trẻ ngang dọc của những thủy thủ năm xưa đến nay vẫn được người dân xóm vạn chài hết lời truyền tụng.
Ngày nay, hầu hết những người lính thủy thủ năm xưa đều mất, duy chỉ còn lại ông lão Đỗ Tấn người thủy thủ cuối cùng của chiếc ghe bầu huyền thoại xứ Quảng.
Dù đã ở tuổi 98 tuổi nhưng đầu óc ông Tấn vẫn còn rất tinh tường để ngồi kể câu chuyện một đời tỉ thí, chạm trán giang hồ.
Người dân xóm vạn chài Trường Giang, thôn 1 (Trà Đỏa), xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn gọi ông dị nhân xóm chài.
Hôm chúng tôi đến, ông Đỗ Tấn đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm buổi trưa. Nhìn những cử chỉ linh hoạt cùng vóc dáng, khuôn mặt và cả lời nói không ai nghĩ ông năm nay đã 98 tuổi.
Kỳ tích đánh Tây…
Lân la theo những câu chuyện phiêu bạt của một đời thủy thủ, ông Tấn dẫn dắt chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông kể, thời trai trẻ, ông là một trong số ít những thanh niên trong làng có sức khỏe cừ khôi và “gan hùm” nên hễ trong làng có chuyện bất bình ông đều sẵn sàng ra tay làm việc nghĩa.
Câu chuyện về một mình ông hạ gục cả chục thằng Tây luôn người dân làng truyền tai nhau và trở thành huyền thoại. Ngày ấy, lính Tây đến làng luôn tỏ thói ngông cuồng, hách dịch. Đến đâu, chúng đều bắt bớ, đánh đập, thậm chí làm nhục chị em phụ nữ.
Dù câu chuyện đã xảy ra cả 70 chục năm rồi nhưng với ông lúc nào cũng nhớ rõ như in: Lúc ấy cũng đã trưa, một đoàn lính Tây khoảng chục tên ngang nhiên xông thẳng vào làng bắt bớ dân làng, đặc biệt là phụ nữ.
Nghe tin, ông cùng 1 số anh em khác dù đang bận bịu công việc đã cuống cuồng chạy về.
Về làng, một mình ông đã ra đối mặt với bọn chúng. Ông còn thách thức cả đám bọn chúng nếu ai là người “quân tử” thì ngon ra đánh tay đôi với ông. Ông đã lần lượt đánh hạ từng tên một. Từ đó kể về sau, bọn lính Tây không ai dám vác mặt đến làng quấy nhiễu.
Ngạc nhiên hơn khi chúng tôi được biết, tài nghệ võ thuật của ông Tấn không qua một trường lớp nào. Ông cho biết: “Tui học chúng (học võ-PV) từ đời đi lính thủy thủ cho các ghe bầu ở Quảng Nam. Khi mới vô nghề đi biển, tui cũng chẳng biết chi về võ nghệ mô, chỉ có sức khỏe thôi. Cũng chính vì có sức khỏe mà tui được nhiều lái buôn, thương gia ở Hội An thuê đi.
Ngày ngày, ông Tấn vẫn thường xuyên tập luyện võ thuật để rèn luyện sức khỏe.
Trong quá trình đi biển thông thương chở gạo, muối, mắm từ Sài Gòn - Chợ Lớn về Quảng Nam, tui được may mắn có nhiều thời gian sống ở trên đất võ Bình Định nên được tiếp thu chút ít môn võ này. Rồi dần dần, tui tập luyện và đụng chạm nhiều nên giỏi lúc nào không hay.”
Hạ gục chục “đại ca” khét tiếng đất cảng Sài Gòn…
Kể đến đây, ông Tấn bỗng lặng im, không nói nên lời. Từ đôi mờ sương quá khứ, ông Tấn đã đôi lần rưng rưng nước mắt, ông kể với chúng tôi:
“Chiếc ghe bầu mỗi chuyến đi chở khoảng 12 người. Nhưng mỗi chuyến vượt khơi chở hàng là cuộc hành trình đầy mạo hiểm, phó thác sinh mệnh lênh đênh hàng tháng trời với biển, lúc trời trở gió thì chuyến đi cũng mất cả 3 tháng.
Nhưng đó không phải là chướng ngại, những người lính thủy luôn gặp những bất trắc mỗi lần cập cảng để lấy hàng, tiếp lương thực, nhiên liệu.
Mỗi lần như vậy luôn bị hiểm nguy rình rập vì những băng nhóm giang hồ. Chúng thường gây khó dễ với đoàn. Cũng có những người bạn của tui đã đổ máu nằm lại nơi đất khách quê người.” - dòng nước mắt ông Tấn chảy dài khi nhớ lại những lần chạm tráng giang hồ.
Thẻ căn cước thời làm thủy thủ.
Theo ông Tấn, nguy hiểm nhất vẫn là những khi đối mặt với những đại ca đất Sài Thành. Bọn chúng vừa đông, vừa to khỏe, lại vừa võ nghệ rất tài giỏi, đào tạo qua trường lớp hẳn hoi.
Ông nhớ: “Có lần tui đối đầu với đại ca một nhóm giang hồ khét tiếng của cảng Sài Gòn. Lần đó, chỉ vì lý do vào vùng đất này mà không làm lễ ra mắt mà chúng sinh chuyện gây sự.
Trước thân hình to khỏe và sự uy hiếm tinh thần số đông nên tui đã nhiều khi nhụt chí muốn ngả cương chịu thua. Lúc đầu giáp chiến, tui luôn bị tên này quật ngả.
Càng về sau, tui nắm rõ những thế võ của tên này nên biết phòng thủ và nhanh chóng dùng chiêu thức đánh trả quyết liệt. Những đòn đánh của tui mỗi lúc càng chắc và uy lực hơn.
Bằng lòng tin và mưu kế cùng kinh nghiệm đi biển của mình, tui đã đánh hạ tên đại ca khét tiếng này. Kể từ đó, mỗi lần nghe chúng tui cập cảng đều luôn được anh em Sài Gòn kính nể, không gây khó dễ.”
Ông Đỗ Tấn có 2 đời vợ. Đời trước có 6 đứa con đều đã mất vì bom đạn. Đời sau có 5 đứa con (3 trai, 2 gái) vẫn còn sống.
Ông tự nguyện sống độc thân trong một căn nhà cấp 4 nhỏ ở bên xóm chài không cần sự chăm sóc của con cháu. Hằng ngày, ông vẫn luyện tập công phu võ để giữ sức khỏe.
Ông là người thủy thủ cuối cùng còn sống ở xứ Quảng biết về chiếc ghe bầu huyền thoại, một thời làm nên lịch sử mảnh đất xứ Quảng.