Chuyến đi biển cuối cùng của thuyền trưởng Saigon Queen

lananh |

Gần 30 năm lênh đênh trên biển, ông Luân dự tính sau chuyến này sẽ ở nhà cùng gia đình. Nhưng ông lại gặp nạn.

4 ngày sau khi tàu Saigon Queen bị chìm tại vùng biển Sri Lanka do bão, người thân, bạn bè và đồng nghiệp vẫn từng giờ mong ngóng thông tin của 4 thuyền viên mất tích, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân.

Đêm 30/10, sau khi giúp đỡ 15 thuyền viên bước từ phao cứu sinh lên boong tàu Pacific Skipper, ông Luân lên cuối cùng. Tuy nhiên, khi mới bước được vài bậc thang, vị thuyền thưởng 51 tuổi bỗng tuột tay rơi xuống biển mất tích, phần vì sóng gió quá lớn, phần vì đã kiệt sức sau một ngày chiến đấu với bão biển.

Sinh ra ở vùng đất Hà Tĩnh, Nguyễn Minh Luân tốt nghiệp khóa 19 khoa Lái tàu biển ĐH Hàng hải. Ông bước chân xuống tàu lần đầu năm 1985, sau đó lần lượt làm thuyền trưởng các tàu Trà Bồng, Sông Bé 10, Long An, Long Khánh... Năm 2002, ông Luân bắt đầu làm thuyền trưởng hạng 1, và 4 năm sau là thuyền trưởng tàu hạng 2/2 (tàu trên 10.000 GRT).

Từ 2 bàn tay trắng, thuyền trưởng Luân cùng người vợ làm trong ngành thiết kế đã gây dựng nên tổ ấm gia đình cùng 2 con trai ở Sài Gòn. Con trai đầu của ông vừa tốt nghiệp ĐH Ngân hàng, còn cậu út đang học lớp 9, kinh tế gia đình tạm ổn.

chuyen-di-bien-cuoi-cung-cua-thuyen-truong-saigon-queen

Thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân và 3 thuyền viên khác hiện vẫn mất tích.

Thấy nghề đi biển nguy hiểm, thường xuyên phải xa nhà và ông cũng đã có tuổi, gia đình khuyên ông Luân đừng đi nữa vì kinh tế cũng không thiếu thốn. Nhưng nghỉ ở nhà được hơn một năm, thuyền trưởng Luân lại "nhớ biển" và lại muốn đi. Ông dự tính sau chuyến đi cuối cùng này sẽ ở nhà cùng vợ và con út để con trai cả tên Hoàng đi du học ở Úc 2 năm. "Thằng Hoàng còn chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp, vậy mà...", ông Lâm anh vợ thuyền trưởng Luân nghẹn ngào.

Thuyền trưởng Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, môi giới và xuất khẩu thuyền viên phía Nam (SCC, Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam) cho biết, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân vào làm việc cho công ty từ ngày mới ra trường, và gắn bó với công ty đã gần 30 năm.

"Anh Luân là người có chuyên môn rất vững, từng lái rất nhiều tàu lớn cả trong và ngoài nước, đi khắp năm châu 4 bể rồi. Có thể ví anh như một 'sói biển' theo ngôn ngữ của những người đi biển chúng tôi. Tính tình anh rất giản dị và hòa đồng với anh em đồng nghiệp nên ai cũng mến con người anh ấy", ông Dũng chia sẻ.

Còn theo thuyền trưởng Nguyễn Tiến Dũng, ông Luân đã đưa ra quyết định đúng đắn để cứu tính mạng các thuyền viên. "Anh là người cuối cùng rời ca nô cứu sinh, thể hiện bản lĩnh của người thuyền trưởng có trách nhiệm cao và hết lòng vì đồng đội, xứng đáng với tư cách của một người thuyền trưởng trong bão tố", đồng nghiệp này nhận xét.

chuyen-di-bien-cuoi-cung-cua-thuyen-truong-saigon-queen

Hình ảnh cuối cùng trước khi thuyền trưởng Luân rơi xuống biển.

Thuyền trưởng Trần Việt Điền, Giám đốc Công ty tàu biển INLACO, bạn cùng lớp đại học với ông Luân cho hay, dù ra trường ở xa nhau nhưng thỉnh thoảng có dịp họp lớp hai người vẫn gặp nhau, còn bình thường thì vẫn giữ liên lạc. "Biết tin anh Luân bị nạn, chúng tôi đều rất buồn. Đám bạn cùng lớp cũng đang rủ nhau qua Luân để chia sẻ cùng gia đình", giọng buồn buồn, ông Điền nói.

Từng có thời gian làm việc cùng công ty với thuyền trưởng Saigon Queen nên ông Điền nhìn nhận, bạn mình là một thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm, từng trải, lúc nào cũng vì anh em. "Anh ấy là người rất hiền lành, chan hòa với bạn bè và hết lòng với mọi người. Ở gia đình cũng vậy, lúc nào cũng mẫu mực và gia đình luôn đầm ấm", thuyền trưởng Trần Việt Điền chia sẻ.

Ông Lâm, anh vợ thuyền trưởng Lâm kể, hơn một năm trước, trong chuyến đi biển, tàu 30.000 tấn chở thép cuộn do ông Luân làm thuyền trưởng đã gặp sự cố. Trong tình cảnh đó, thuyền trưởng Luân hoàn toàn có thể phát lệnh rời tàu và xin cứu hộ, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, ông đã chỉ huy con tàu cập cảng an toàn, tránh tổn thất cho Nhà nước hàng trăm triệu USD và được công ty ghi nhận.

"Cách nay hơn một tháng, chính tôi đã chở Luân ra cảng để lên tàu Saigon Queen, từ đó đến nay, Luân đi trên biển nên cũng ít liên lạc về nhà. Bởi trên tàu có điện thoại vệ tinh nhưng chi phí rất đắt và chỉ dùng cho công việc, cấp cứu... Tính Luân lại rất nguyên tắc nên không bao giờ dùng điện thoại vệ tinh cho việc riêng", ông Lâm nói thêm về người em vợ đang mất tích trên biển.

12h15 ngày 30/10, trên đường chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, tàu Saigon Queen trọng tải 6.500 tấn gặp cơn bão Nilam ở vùng biển Sri Lanka nên đã báo nạn khẩn cấp rồi mất liên lạc và chìm xuống biển. Ngày 31/10, cơ quan chức năng xác định, Saigon Queen đã chìm tại vị trí trên, 18 thuyền viên của tàu đã được tàu Pacific Skipper (mang cờ Hy Lạp) hoạt động trong khu vực hỗ trợ cứu vớt đêm 30/10.

Theo đại phó Nguyễn Quốc Tám của Saigon Queen, trước khi tàu chìm, hai bè cứu sinh đã được hạ và tất cả 22 thuyền viên đã lên bè, nhưng 3 người bị sóng đánh văng xuống biển. Còn thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, sau khi trợ giúp 15 thuyền viên từ bè cứu sinh lên tàu Pacific Skipper, ông là người lên cuối cùng và vừa bước được vài bậc thang thì tuột tay, rơi xuống biển, mất tích.

Sáng 3/11, 18 thuyền viên đã cập cảng Mongla (Bangladesh) và đang được làm các thủ tục cần thiết để về nước. Trong khi đó, việc tìm kiếm thuyền trưởng Luân và 3 thuyền viên khác vẫn chưa có kết quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại