Cả đêm hôm ấy ông không về. Sáng hôm sau, mọi người bàng hoàng phát hiện nạn nhân trong tư thế treo cổ trên một cái cây ngoài đồng. Dư luận đồn đoán đây không phải là vụ tự tử mà là một vụ giết người, dựng hiện trường giả?
Đám cưới con gái vừa kết thúc, ông Hoàng Văn Thước (tên gọi khác là Dụ, SN 1955, ngụ đội 2, thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) khật khưỡng đi ra khỏi nhà với gần chục cái phong bì. Cả đêm hôm ấy ông không về. Sáng hôm sau, mọi người bàng hoàng phát hiện nạn nhân trong tư thế treo cổ trên một cái cây ngoài đồng. Dư luận đồn đoán đây không phải là vụ tự tử mà là một vụ giết người, dựng hiện trường giả?
Sau đám cưới là đám tang
Người dân thôn Đức Phong đều đánh giá ông Dụ là một người chăm chỉ, hiền lành. Gia đình yên ấm, từ trước đến nay ông rất mực thương vợ, chiều con. Vì vậy, nghe tin ông Dụ “treo cổ tự tử” thì ai nấy đều ngạc nhiên.
Một hàng xóm đặt câu hỏi: “Buổi chiều hôm trước ông ấy mới gả chồng cho cô con gái đã ngoài 30 tuổi. Đấy là điều đáng mừng, gia đình lại hòa thuận, cũng không thấy ông ấy cãi nhau với ai bao giờ. Thế thì tự nhiên ông ấy đi tự tử làm gì?”.
Ngày 8/12/2013, gia đình nạn nhân tổ chức lễ cưới linh đình cho cô con gái. Khi các thủ tục đã hoàn tất, nhà trai xin rước dâu về. Đám cưới đã phần nào xong xuôi, gia chủ thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, mâm cỗ duy nhất còn lại là bạn đồng ngũ của ông Dụ vẫn còn vui vẻ chúc mừng.
Tuy nhiên, vì đuối sức sau gần chục ngày lo cho ngày trọng đại của con gái nên ông Dụ chỉ uống ít rượu “đáp lễ” với mọi người. Tiệc đã tàn, lúc này đã hơn 13h, đám tiệc còn vài người. Ông chủ đã thấm mệt, xin cáo lui, để mọi việc cho con cháu, người thân dọn dẹp.
Không ngủ trong nhà vì sợ ồn ào, ông Dụ lầm lũi đi ra ngoài. Một người hàng xóm tốt bụng thấy thế liền nhắc nhở: “Vào đây ngủ thôi, ông còn đi đâu nữa”. Nhưng ông chỉ khoát tay, ý nói không vào, tiếp tục rảo bước ra phía đường lớn.
Nhiều người bận rộn, không ai để ý đến sự vắng mặt của ông chủ. Đến tối, gia đình vẫn không thấy ông Dụ về nhà, nhưng cho rằng ông mệt nên ngủ ở nhà người quen nào đấy. Mặc dù trước đó, ông Dụ chưa đi qua đêm lần nào, nhưng gia đình nghĩ ngày hôm đó là “ngoại lệ”. Hơn nữa, do bận bịu nhiều việc sau đám cỗ, gia đình không ai đi tìm.
Đêm đó ai nấy đều đi ngủ sớm do làm việc mệt nhọc, duy chỉ có bà vợ vẫn thấp thỏm chờ chồng về, trong lòng không ngừng lo lắng. Nhưng bà cũng sớm chìm vào giấc ngủ vì mệt.
Sáng hôm sau, trong khi họ hàng đến dọn dẹp, bà vợ hỏi thăm tất thảy nhưng không ai biết gì về chồng mình, nỗi lo mới bùng lên bủa vây. Khoảng 8h sáng ngày 9/12, ngoài cánh đồng có nhiều người hốt hoảng chạy về cho biết, ông Dụ đã “thắt cổ tự tử” ở cành cây khiến mọi người bất ngờ.
Rạp dựng cưới con gái hôm trước chưa kịp tháo dỡ, nay lại thành rạp dựng đám tang, mọi người phải nhanh chóng chuẩn bị hậu sự cho người cha xấu số.
Điều vô lý người treo cổ xương sườn bị gãy, áo có vết máu
Người đầu tiên phát hiện ra xác nạn nhân là ông Trịnh Văn Điện cho biết, buổi sáng hôm đó, ông đi ra đồng cùng cháu để vặt lá đào. Khi đến gần cây si, ông nhìn thấy có vật gì treo lủng lẳng.
Ban đầu còn trộm nghĩ: “Nhà ai cẩn thận làm hình nộm để trông đào”, tuy nhiên đến gần mới phát hiện ra đó là người thật. “Lúc đó hoảng quá, tôi cũng không biết đó là ai, chạy đi hô hoán mọi người”, nhân chứng thuật lại.
Người cháu đi cùng là anh Vũ Nguyên Đoán, chủ mảnh ruộng có cái cây nơi phát hiện xác nạn nhân cho hay gia đình anh có hai thửa ruộng trồng đào, hôm ấy có bàn với chú về việc đi thăm ruộng đào bị cơn bão vừa qua đánh bật.
Vì mảnh ruộng có cây si ở sâu bên trong nên ít khi lui tới, không hiểu sao hai chú cháu hôm đó lại chọn ruộng đó đi thăm. Gần đến nơi, anh Đoán giật mình bởi tiếng la hét của chú. Định thần nhìn lại, anh mới thấy trên phía cây xanh góc ruộng có một người treo cổ bằng chiếc áo sơ mi màu trắng. Mạnh bạo đến gần, nhân chứng nhận ra người đàn ông này là ông Dụ, người cùng thôn.
Gia đình nạn nhân ở cách đó khoảng 200m lao tới hiện trường. Trong khi mọi người dự định đưa thi thể xuống, nhận thấy điểm bất thường trên thi thể không có những dấu hiệu của vụ treo cổ thường thấy như: Mặt sưng, lưỡi thè, cổ có vết tím...
Tại hiện trường, xác nạn nhân treo lơ lửng đầu nghiêng về bên phải, chân phải hơi co, chân trái duỗi chạm đống rạ gần đó. Điểm bất thường nhất là dây giày chưa xỏ, hai mu bàn tay tím bầm, gáy bị sưng to, gò má phải bị thâm tím, phần lưng nhiều vết xước, xương sườn bị gãy, áo có vết máu, ở đầu gối có vết đất. Hơn nữa, chiếc áo được buộc hờ vào cành cây đường kính chỉ khoảng 3cm, khi mọi người chưa đưa xuống thì cái xác đã tự rơi xuống.
Không có lý do gì để tự vẫn
Nạn nhân có 3 người con “đủ nếp lẫn tẻ”. Vợ chồng ông Dụ sống hòa đồng, tốt bụng nên thôn xóm ai cũng quý mến. Cấy hơn hai mẫu ruộng, nhưng không thuê người mà ông bà ngày ngày tự làm. Đến vụ trồng dưa hấu, ông bà cũng bàn nhau trồng gần một mẫu. Sức làm việc của họ khiến mọi người khâm phục.
Người con trai đầu trong gia đình nay đã là giáo viên, người con gái thứ hai và cậu út đang làm cho công ty giày da trên địa bàn. Thời gian nông nhàn, ông còn có nghề thợ mộc. Nhìn chung, tuy không giàu có nhưng ông bà không có áp lực gì về tiền bạc.
Nạn nhân cũng không biết đánh bài bạc, xóc đĩa thì thi thoảng có chơi nhưng chỉ “vui vẻ” khoảng 3- 5 nghìn đồng. Ông Dụ có uống rượu, nhưng chưa thấy ông say xỉn chửi bới vợ con bao giờ. Vì vậy lý do “quẫn trí” vì cờ bạc, rượu chè cũng được loại trừ. “Chắc hẳn hôm ấy ông ấy có cầm vài cái phong bì nên có kẻ nổi lòng tham giết chết?”, một hàng xóm suy đoán.
Người con trai nạn nhân bộc bạch trước khi vụ việc đau lòng xảy ra khoảng 10 ngày, bố anh bị ốm. Những ngày sau đó nhà có đám liên tiếp nên ông thêm mệt mỏi.
“Đêm ông không về, mọi người lại nghĩ ông mệt nên đi ngủ nhờ nhà người quen. Nếu chúng tôi không chủ quan mà đi tìm sớm hơn thì mọi việc có khi đã không đến nông nỗi này”, người con trai nuối tiếc.
Không khí bức xúc bao trùm xóm nhỏ, mọi người đều cho rằng đây là vụ án mạng nên vô cùng bức xúc, đề nghị cơ quan điều tra sớm làm rõ chân tướng vụ việc.