“Chuyện cực nhanh chỉ có ở Việt Nam”

Bùi Hải |

Có những “chuyện cực nhanh” khiến dư luận đau đớn, phẫn nộ, nhưng cũng có những chuyện mang đến cho người Việt sự ấm áp, hy vọng.

1. Xin lỗi thần tốc, đi cực nhanh và đến cực nhanh

Ông Phạm Văn Lé (Vĩnh Phước, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cùng vợ và em ruột đã bị bắt một cách công khai và phải nếm trải gần 2 năm giam giữ oan khuất.

Bộ ba này cũng đã phải chường mặt ở rất nhiều phiên tòa công khai với tội danh tày đình “giết người” và “không tố giác tội phạm”.

Thế nhưng, khi phải xin lỗi công khai 3 người bị oan, thì đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng lại chọn cách chẳng khác nào “xin lỗi lén”.

VKSND tỉnh Sóc Trăng và UBND phường Vĩnh Phước không thông báo cho người dân nơi gia đình ông Lé cư ngụ biết việc xin lỗi này.

Giống như một kịch bản phim hài, 3 người bị oan được mời vào hội trường của nhà văn hóa (cửa đóng chặt nhằm không cho người khác vào) để làm thủ tục xin lỗi trong khoảng 15 phút, rồi tất cả rút lẹ.

Tất nhiên, những người đi xin lỗi, có thừa kinh nghiệm để viện dẫn một bằng chứng để nói rằng: 15 phút đã là quá dài cho một thủ tục.

Trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và CLB Manchester City tại chảo lửa Mỹ Đình ngày 27.7.2015, các cầu thủ Man đã muốn “sụm bà chè” khi phải đứng chôn chân đến 15 phút để nghe quan chức Liên đoàn phát biểu (với các cầu thủ Việt thì…muỗi, họ đã quá quen).

Ngày hôm sau, báo Daily Mail từ nước Anh, một lần nữa khới lên niềm đau chôn dấu: “Các cầu thủ của ông Manuel Pellegrini phải đứng hơn 15 phút trong màn giới thiệu và phát biểu trước trận đấu của các quan chức Việt Nam”.

Nhưng 15 phút cho các thủ tục xin lỗi, chưa phải “kịch bản hài hay nhất”!

Buổi xin lỗi ông Trương Bá Nhàn tại UBND phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM, còn cao trào hơn nhiều.

Dù buổi xin lỗi được tính toán là diễn ra lúc 9 giờ, kết thúc lúc 9 giờ 15 phút nhưng theo các phóng viên tham dự, nó chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 phút.

Cả một chu trình: Đại diện VKSND đọc lời xin lỗi, bắt tay người bị hại và gia đình, luật sư, rồi giao giấy chuyển khoản tiền bồi thường, tất cả chỉ diễn ra trong 3 phút.

Nhưng cảm xúc của người được xin lỗi là ông Nhàn thì lại khác.

3 phút ấy sẽ là một con số phẫn nộ khi đặt cạnh hành trình oan trái kéo dài 13 năm, sống không bằng chết của ông Nhàn.

“Tôi chưa kịp nói gì thì các ông ấy đã đi mất rồi…một buổi xin lỗi chân thành, đầy chia sẻ và thấu hiểu, khó vậy sao?” – ông Nhàn uất nghẹn.

Một lần nữa, những người xin lỗi lại chứng tỏ mình là fan hâm mộ của túc cầu giáo.

Họ có thể đưa thêm bằng chứng kinh điển về cái sự nhanh gọn: Bài phát biểu khai mạc World Cup 1994 ở Mỹ của Tổng thống Bill Clinton, chỉ gói gọn trong 5 giây: “Tôi tuyên bố World Cup bắt đầu.”.

So với 5 giây, thì 3 phút quả là đã dài… quá sức chịu đựng.

“Chuyện cực nhanh” trên, không phải là không dấy lên những hy vọng mới.

Người dân đã có thể mơ đến chuyện nếu cả nước học tập mô hình này, thì chỉ số hạnh phúc của người Việt hẳn sẽ đứng đầu thế giới.

Độc giả hãy tận hưởng cảm giác: Vừa cầm thủ tục chứng minh thư, đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, kết hôn… đến cửa quan, thì sau 15 phút, a lê hấp, mặt tươi rói mang về.

Các cán bộ kiểm sát thì “đi cực nhanh” nhưng một số cán bộ ngành khác thì lại biết cách “đến cực nhanh”.

Đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm, người có nhiều phát ngôn gây bão thời gian qua, cũng đã có suy ngẫm đáng suy nghĩ v:ề cái sự “đến cực nhanh” ấy:

“Tại sao một người dân chỉ sửa cái nền nhà thôi mà cơ quan nào cũng biết, cũng đến lập biên bản.

Cấp phường, thanh tra quận, thanh tra xây dựng đủ cả... Trong khi, cũng trên địa bàn đó, có những người xây những căn nhà to đùng mà không ai biết”.

2. Thứ trưởng “cầm vỉ ruồi” và Bí thư xuống bãi rác

Thời của mạng xã hội, nên cái gì cũng cực nhanh. Nhanh đến nỗi mà khi vừa có một lời chê cái mặt của chủ tịch tỉnh kênh kiệu trên facebook, thì lập tức có đến…16 cơ quan cùng vào cuộc, triển khai rầm rộ chẳng khác nào đợt ra quân truy quét tội phạm.

Dù các cơ quan An Giang quyết định thu hồi quyết định xử phạt hơi chậm so với tốc độ ra quân, nhưng nếu so với nhiều thứ tồn đọng của nền hành chính đã được các lãnh đạo vạch lỗi, thì nó vẫn đáng biểu dương.

Chỉ có điều, tư duy của ông Chủ tịch tỉnh, thì lại chậm hơn cả quyết định thu hồi, khi ông nói mình quyết định “tha thứ cho lỗi lầm” của người dám chê ông trên Facebook.

Nếu trong cuộc sống chỉ có những “chuyện cực nhanh” như vừa kể, thì chúng ta sẽ bám víu vào đâu để sống và cống hiến.

Nhưng thật đáng mừng là chúng ta vẫn còn nhiều thứ để hy vọng.

Phản ứng kịp thời của Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về chuyện thu hồi quyết định kỷ luật của An Giang với người chê Chủ tịch tỉnh, cũng khiến dư luận nhẹ nhõm.

Theo ông Tuấn: “Việc nhiều cơ quan cùng vào cuộc xác minh, họp hành, ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật Đảng như đã nêu là việc làm tùy tiện và có dấu hiệu lạm quyền.

Áp dụng luật cần nhạy bén, xác đáng, tránh nôn nóng, dẫn đến áp dụng sai hoặc làm quá mức cần thiết”.

Trong “thời điểm” mà nhiều nhà quản lý ngại phát biểu trực diện, nhất là khi đề cập đến một quan chức cụ thể, thì ông Tuấn đã nhanh chóng chọn thái độ không ngại va chạm, nhất quán với thái độ thẳng thắn, quyết liệt như khi ông ứng xử với những sai phạm của báo chí.

Thái độ “không ngại va chạm” ấy cũng đã xuất hiện cực nhanh cả trong tuyên bố và trong hành động của tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh:

Xuất hiện ở bãi rác đối thoại với người dân bị ảnh hưởng;

Trực tiếp có mặt thưởng nóng đơn vị công an tóm nhanh kẻ cướp tài sản hơn 1 tỉ đồng của du khách Nga;

Chỉ thị cho cảnh sát giao thông dốc toàn lực ra đường giải quyết ách tắc;

Chỉ thị tìm nhanh thủ phạm đốt quán của dân giữa đêm…

Tất cả những hành động mau lẹ và quyết liệt với tinh thần “không làm được tôi xin nghỉ” của ông Anh, trong một thời gian rất ngắn sau nhậm chức, đã thúc mạnh vào cái guồng máy có vẻ đã hơi chậm lại thời kỳ hậu Nguyễn Bá Thanh.

Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng vi hành và trảm tướng cực nhanh tại hiện trường, bên cạnh đa số nhiệt liệt đồng tình, thì cũng có thiểu số quan ngại: Bộ trưởng đang làm những công việc quá cụ thể, thay vì tập trung vào quản lý nhà nước.

Ông Thăng không cần phản hồi, bởi thực tế chứng minh những “việc cụ thể” đó tác động lớn như thế nào đến guồng máy vốn ì trệ. Nhiều Tổng giám đốc dám đưa ghế của mình ra “tín chấp” nếu không đảm bảo tiến độ công trình.

Nhiều chuyện lình xình được “thừa kế” từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, bỗng như biết “mọc chân” để tự chạy.

Chắc chắn, thái độ cực nhanh, quyết liệt của ông Thăng, đã truyền cảm hứng đến những cộng sự.

Cách đây ít lâu, cư dân mạng xôn xao khi thấy ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, nơi ông Thăng làm Phó Chủ tịch thường trực), trực tiếp cầm vỉ ruồi phân luồng giao thông ở một nơi ách tắc.

Cũng có người bảo, ông Hùng không cần làm như vậy, vì đó là việc của người khác.

Nhưng tôi lại nghĩ khác.

Hành động cực nhanh của ông Hùng, đầu tiên là giúp chính chiếc xe của ông và nhiều xe khác thoát khỏi tình trạng hỗn loạn của ách tắc.

Thứ hai, quan trọng hơn, nó như một cảnh báo về tình trạng ý thức tham gia giao thông của người dân, vẫn đang là vấn đề lớn.

Thứ ba, ở một xã hội có một số những thứ còn lệch chuẩn, thì việc “làm gương” của quan chức, có ý nghĩa lớn trong việc thay đổi hành vi của số đông.

Ông Hùng, một người mang hàm Thứ trưởng, hàng ngày vẫn đưa lên facebook của mình và các diễn đàn, những lời kêu gọi chấp hành luật, thậm chí là những clip cảnh báo tai nạn giao thông.

Ai đó có thể nói rằng, đó là những việc nhỏ mà một thứ trưởng không cần phải làm. Tôi và nhiều người khác thì thấy ấm áp vì không hề thấy con người công dân và con người quan chức của ông Hùng cách xa nhau.


Cậu bé bị ung thư được làm cảnh sát giao thông. Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Cậu bé bị ung thư được làm cảnh sát giao thông. Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Cách đây vài hôm, cư dâng mạng đã chia sẻ với nhau những tấm ảnh rơi nước mắt nhưng vô cùng ấm áp của cậu bé bị ung thư được làm cảnh sát giao thông.

Ước mong của một cậu bé đang chiến đấu từng ngày với số phận, ước mong của một bác sĩ điều trị cho cậu đã được hiện thực hóa cực nhanh dưới sự chỉ đạo của GĐ Công an Thành phố và lực lượng CSGT Đà Nẵng.

Nếu những thứ “cực nhanh” đầy trách nhiệm, đậm nhân văn ấy được nhân rộng, thì có lẽ trên mạng xã hội sẽ còn rất ít những status về “cái mặt kênh kiệu” và những lời xin lỗi sẽ trở thành thông điệp hàn gắn thay vì tạo thêm một vết chém trên vết thương còn chưa khô miệng của nạn nhân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại