Để bạn đọc có dịp so sánh giữa ông Nguyễn Bá Thanh vừa được uỷ nhiệm làm Trưởng Ban Nội chính TƯ với ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó vừa lên làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, chúng tôi xin giới thiệu lại bài tường thuật cách đây 10 năm về cuộc nói chuyện này:
"Đà Nẵng bắt đầu cuộc đại phẫu đau đớn nhưng lành mạnh"
Sau quyết định kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Sở Xây dựng và cách chức Trưởng BQL các dự án xây dựng và công nghiệp dân dụng Đà Nẵng gây chấn động tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa tiếp tục có buổi nói chuyện vào tối 24/7 với gần 1.500 cán bộ công chức đang làm những công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Qua hơn 28 năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên Đà Nẵng có một buổi nói chuyện “vô tiền khoáng hậu” như vậy. Suốt gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, các cán bộ công chức Đà Nẵng - trong đó có không ít “vị quan” mới đây còn hoạch hoẹ dân – chen nhau ngồi cả xuống đất vì hội trường không đủ ghế, lắng nghe vị tân Bí thư Thành uỷ nói chuyện. Họ bật cười vì những câu nói tếu, rồi chợt đau nhói khi ngẫm lại ý nghĩa thâm sâu đằng sau nó. Để rồi tự thấy mình trở nên lành mạnh hơn, có nhiều dũng khí hơn để làm “lãnh đạo và đày tớ” của nhân dân!
4 nỗi sợ lớn
Không giấy, không tờ, vừa kết thúc buổi làm việc với một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước CHDCND Lào sang thăm là ông Nguyễn Bá Thanh đến thẳng hội trường, lên ngay diễn đàn và bắt đầu câu chuyện. Hẳn nhiên ông đã chuẩn bị rất kỹ, chứ không như một Phó Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất Đà Nẵng, khi được gọi lên gặp ông (lúc ấy ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch UBND TP - PV) đã phải uống... 3 ly rượu để lấy bình tĩnh nhưng cuối cùng cũng chẳng nói được gì vì... không “thuộc bài”.
Không hề vòng vo, ông vào đề luôn: “Sở dĩ có cuộc gặp hôm nay là vì một sự kiện quan trọng vừa diễn ra: Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Tất nhiên chỉ mới “là” đô thị loại 1 thôi, còn để “làm” cho nó thực sự trở thành đô thị loại 1 được người khác tâm phục khẩu phục thì còn gian nan lắm. Nhưng chưa chi đã có người vội nảy sinh tư tưởng chủ quan, và tôi rất sợ từ điều đó sẽ dẫn tới 4 cái mất lớn hơn!”.
Cái mất đầu tiên, ông sợ, là mất thời cơ - điều mà Đà Nẵng đã tạo ra và tận dụng rất tốt khi từ một TP "cấp huyện" (đô thị loại 2 thuộc tỉnh QN-ĐN cũ) trở thành TP trực thuộc TƯ, và hơn 6 năm sau đã là đô thị loại 1. “Nếu không làm mạnh hơn nữa, Đà Nẵng sẽ mất cơ hội vượt lên trở thành TP động lực của miền Trung, chỉ sẽ là một anh làng nhàng trong khu vực mà thôi!”.
Từ đó, ông lo đến cái mất thứ hai: “Nếu tốc độ phát triển của TP trì trệ, không đáp ứng sự trông đợi của nhân dân thì cán bộ sẽ bị kỷ luật, bị thay đổi hoặc hạ tầng công tác. Chưa kể nhiều người tranh thủ quơ quào, kiếm chác còn sẽ bị luật pháp trừng phạt. Vậy là mất cán bộ!”.
Một khi cán bộ thoái hoá, biến chất như vậy sẽ dẫn đến cái mất gì nữa? “Mất lòng dân – ông nhấn mạnh - Và một khi dân không còn tin chúng ta nữa thì cái mất thứ tư đau lòng hơn cũng rất dễ xảy ra: Mất chế độ!” - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Ông nói rõ: “Đừng nghĩ là dân không biết gì. Trình độ dân trí bây giờ cao lắm, họ thấy hết, biết hết những trò nhũng nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà, nguyên tắc cứng nhắc... tồn tại trong đội ngũ cán bộ chúng ta nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập. Họ là dân mà, nên chỉ cầu xin hai chữ bình an. Nhưng nếu được bảo vệ, họ sẽ nói hết. Khi ấy thì không thể che giấu đi đâu.
Dân nhìn đội ngũ cán bộ chúng ta cũng như các anh chị đang nhìn tôi vậy. Tôi ở trên này nhìn xuống chỉ thấy cả rừng người, không phân biệt được anh nào áo xanh, áo đỏ. Nhưng các anh chị ở dưới nhìn lên thì tôi chỉ ho một tiếng, nghiêng đầu sang phải, liếc mắt sang trái một chút là cả ngàn con mắt đều thấy. Dân nhìn chúng ta vậy đó. Bài học Thái Bình vẫn còn đau lắm. Cũng có sự kích động, có những phần tử xấu len vào nhưng chủ yếu là do chúng ta thôi. Dân như nước, đẩy thuyền lên là nước mà lật thuyền cũng là nước. Chúng ta phải sớm tự soi rọi lại mình chứ đừng để xảy ra tức nước vỡ bờ!”.
Cuộc đại phẫu tê tái
Từ cái nhìn, cái biết ấy của dân, ông Nguyễn Bá Thanh đem soi rọi vào đội ngũ cán bộ, công chức TP Đà Nẵng và khẳng định, họ đã làm được rất nhiều việc. Trong đó có không ít việc được nhân dân cả nước ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, các tỉnh thành bạn kéo đến học tập... “Nhưng đây không phải là lúc chúng ta ca tụng nhau. Thành tích hãy để cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Còn sư đoàn ngồi trước mặt tôi đây phải là sư đoàn làm, sư đoàn chiến đấu. Ai mang tư tưởng công thần thì xin mời đi sư đoàn khác!”.
Ông đặt thẳng câu hỏi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công an Đà Nẵng: “Có cái gì ở trạm CSGT Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó. Chỉ ít lâu sau là ai nấy khấm khá cả lên. Tiền ở đâu ra, tài sản ở đâu ra, dân biết hết, còn các anh có biết không?”.
Với sự rạch ròi đó, ông chỉ rõ hàng loạt sai lầm, khuyết điểm đi cùng những “nhân vật” của sự quan liêu, trì trệ, thoái hoá, biến chất – tuy không nhiều nhưng đang tồn tại lẩn khuất trong đội ngũ cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan có trách nhiệm tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với dân. Ông nhấn mạnh: “Người dân ngứa sau lưng, gãi không tới nên họ mới nhờ mình gãi. Nếu mình gãi không trúng, cứ nhè trước bụng mà gãi, coi chừng họ gai mắt, đạp xuống sông Hàn uống nước như chơi. Phải bắt cho trúng mạch, gãi cho đúng chỗ “ngứa” của người dân. Đừng cứ ngồi nói lý luận với nhau mà không chịu làm!”
Với ngành thuế, ông nêu ví dụ: Chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai đến khóc ở Uỷ ban vì thuế từ 260 ngàn tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Ông giả làm người ăn ốc, vào quán này mới biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói. Ông kêu Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi: “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”.
Với lực lượng Thanh niên xung kích, ông phê phán thẳng: “Với những kẻ cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng thì không dám làm gì, còn mấy bà trong quê ra, đem chục trứng, mớ rau kiếm sống, lẽ ra chỉ nên nhắc nhở họ thì hùng hùng hổ hổ đổ rổ rau của người ta ra đường. Ai bảo anh làm chuyện vô lễ với dân như vậy?”.
“Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm. Kể cả hố xí, mới ngồi thì thấy hôi, mà ngồi một hồi cũng quen. Tôi sợ nhất là thói quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... trở thành thói quen của cán bộ mình. Sợ kinh khủng!” – Ông Nguyễn Bá Thanh
Với kiểm lâm, ông chỉ ra: “Người ta mang cả khúc gỗ lớn đi trên đường chứ có phải ở rừng ở núi gì đâu mà khó bắt thế? Hoá ra là cùng đường dây cả, lỡ làm ăn với nhau “thâm niên” rồi, lâu lâu bắt một cú biểu diễn thôi!”. Cũng với ý đó, ông hỏi lãnh đạo Sở VHTT: “Liệu có nên giải tán Đội kiểm tra liên ngành 814 hay không? Hô hào nào là quy định ánh sáng rồi kiểm tra, cấp phép... thế mà tệ nạn trong mấy karaoke đèn mờ vẫn tràn lan!”.
Với các ngành Xây dựng, Địa chính, Quy hoạch, Thuỷ sản - Nông Lâm, các BQL dự án..., ông cũng chỉ thẳng nhiều biểu hiện vòi vĩnh, bắt chẹt nhưng lại rất sở hở trong công tác quản lý. Từ kiểm định sai đến không làm hết trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, cố tình gây khó dễ đã tạo nhiều khó khăn lớn đối với nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc ổn định nơi ăn chốn ở, xác định sở hữu nhà đất..., kể cả làm ách tắc các công trình trọng điểm. Nhiều cán bộ, công chức không thông cảm với nỗi khổ của người dân phải di dời, có người vô trách nhiệm làm gần 20 hộ dân thuộc dự án mở rộng sân vận động Chi Lăng bị thiệt hại từ 5 – 50 triệu đồng, gây phản ứng gay gắt trong dân.
Ngược lại, có người nhận đút lót mà làm sai để bị kiện, có người là cán bộ địa chính mà “đạo diễn” cho dân kê khống để kiếm thêm tiền đền bù chia cho mình, móc nối với cò đất chọn lô ngon mua lại giấy đất để bán kiếm lời... Vậy mà việc quản lý, xử lý của lãnh đạo các cấp còn tỏ ra rất bất cập, đơn cử như ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất: “Ông bảo đuổi mấy chục cán bộ nhưng chỉ có một anh đi tỉnh khác, còn lại đều chạy từ chỗ này qua chỗ kia mà ông không biết. Chỉ biết mình hoàn thành “nhiệm vụ” đuổi, rồi thôi!”.
Kể cả với nhiều công trình thiết yếu của TP thì các cơ quan này cũng tỏ ra rất trì trệ: “Các anh không thấy xấu hổ khi Đà Nẵng là đô thị loại 1 mà tìm hoài không ra nhà vệ sinh công cộng hay sao? Không có nhà vệ sinh, người ta đi bậy ra đường làm sao phạt được? Khó gì chuyện đó mà tôi đã đích thân năm lần bảy lượt đưa các vị đi tìm đất, vậy mà mấy năm rồi vẫn chưa ra nhà vệ sinh công cộng? Khó gì cái đài hoả táng mà nói mấy năm rồi vẫn không có?
Tình trạng giết mổ lậu tràn lan khiến dân kêu không thấu trời vì ô nhiễm, vì tiếng ồn. Vậy mà nói mãi một cái lò giết mổ tập trung vẫn chưa có. Mấy anh ở Sở Thuỷ sản – Nông lâm hình như chưa bao giờ thức đêm đến mấy lò mổ tư nhân để hiểu nỗi khổ của dân ở quanh đó phải không?... Tôi tin không phải khó làm, nhưng các anh ôm nhiều quá, cứ sợ chia ra thì mình mất quyền lợi. Nhưng ôm vô mà sức không làm nổi. Vậy là mọi chuyện cứ ách tắc kéo dài”...
Đau nhói hơn nữa là khi ông đề cập đến tình trạng nhũng nhiễu xảy ra ở Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT: “Tôi đã nói anh Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH) bao nhiêu lần là phải thành lập một bộ phận chuyên trách lo chuyện nhà đất, chính sách cho các Bà mẹ VNAH, các gia đình thương binh liệt sĩ. Khi người ta đến đưa đơn, mình tiếp nhận, hỏi han cặn kẽ rồi trực tiếp đi lo cho người ta. Vậy mà cũng không! Nhiều người công trạng chưa có gì, trình độ cũng chẳng là bao nhưng lớn tiếng hạch sách, xúc phạm những người đã hy sinh xương máu cho mình có cái chỗ ngồi hiện tại. Ai cho phép làm điều vô lễ ấy?
Với ngành GD-ĐT, giáo viên sau khi hết thời hạn đi miền núi, lẽ ra phải được tiếp nhận theo đúng quy định. Vậy mà cũng buộc họ phải chung chi, một chai rượu chưa chịu, phải mấy chục triệu mới cho làm, cho dạy. Có những giáo viên từ trên núi về, hoàn cảnh rất nghèo, rất đáng thương, vậy mà cũng "chặt đầu, lột da" cho được. Họ cầm những đồng tiền đó mà không thấy xấu hổ. Bữa ni ai muốn xin vô chỗ nọ, chỗ kia đều phải tiền hết, bất kể người giỏi, bất kể người xứng đáng được nhận. Đau lòng quá đi, tức không chịu được!”...
Chính thức tuyên chiến!
Ông nhìn đồng hồ: 21h45. “Nói những chuyện thế này tôi có thể nói đến 6 giờ sáng, các anh chị có đủ sức nghe không!”. Một thoáng im lặng. Rồi gần như cả hội trường đồng thanh: “Nghe!” - một phản ứng lành mạnh sau cơn đau tê tái dù ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa nêu ra hết. Nhưng ông không tiếp tục đề cập đến những biểu hiện kém vui nữa mà định hình các biện pháp sắp tới: “Là cán bộ, công chức phải có tấm lòng với dân. Nhưng tấm lòng đó phải thể hiện bằng hành động chứ không thể nói suông được. Ai cũng nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng nên nhớ, Bác Hồ dạy chúng ta, “cán bộ phải là người lãnh đạo, là đày tớ trung thành của nhân dân”. Nghĩa là cán bộ phải tiên phong, đi đầu với một tinh thần tận tuỵ trong phong trào cách mạng để quần chúng noi theo chứ không chỉ có nghĩa “cán bộ là công bộc”. Công bộc mà giàu có, quyền thế như rứa thì cho dân làm công bộc với!”.
Với tinh thần đó, ông phát động trong toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân Đà Nẵng phong trào “tìm và diệt” tiêu cực. Ông cho hay: “Sắp tới Thành uỷ, UBND TP sẽ nghiên cứu hình thành đường dây nóng để cán bộ, nhân dân phản ảnh những tiêu cực mà mình phát hiện thấy. Riêng số điện thoại của tôi luôn luôn công khai (0903500205), ai phát hiện ở đâu có những vị cán bộ, công chức vô lễ với dân, sách nhiễu dân thì cứ gọi cho tôi.
Trước đây, tôi chưa nói thì có khi còn châm chước bỏ qua, chỉ nhắc nhở. Nhưng sau buổi nói chuyện này rồi, tôi chính thức tuyên chiến với tệ nạn quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... của đội ngũ cán bộ, không thể chấp nhận những cán bộ như vậy được nữa. Với tư cách Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phối hợp với lãnh đạo UBND TP tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm!” - Ông Nguyễn Bá Thanh
Về những vấn đề cụ thể hơn, ông nêu rõ: “Hạn cuối đến 31/12/2003, nếu còn một hộ chính (bên cạnh hộ chính có thể còn có các hộ phụ) nào bị giải toả trắng mà chưa được bố trí đất tái định cư thì Trưởng BQL các dự án phải bị cách chức. Mà không chỉ các Trưởng Ban đâu, nếu phạm vi trách nhiệm rơi vào các vị giám đốc Sở thì cũng cách chức luôn. Các BQL dự án cho dân mua đất tái định cư được nợ từ 5 – 10 năm (trước đây chỉ 5 năm) không phải trả lãi suất, không buộc phải trả từng năm mà trả vào ngày cuối cùng của thời hạn cũng được.
Các chung cư đang bố trí cho các hộ nhà chồ, hộ xoá đói giảm nghèo, nay cho họ hết. Sắp tới xây tiếp hàng chục chung cư nữa để bố trí cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo... Người già, người tàn tật được ưu tiên bố trí ở tầng 1. Công khai ra, vì sao anh được bố trí ở tầng 1, chứ không phải nhận năm bảy triệu rồi đưa vào đó. Các hộ chính sách nghèo lâu nay ở nhà Nhà nước, sau khi hoá giá còn nợ năm ba triệu thì xoá cho họ, riêng một trăm mấy chục ngôi nhà giữ làm công sản thì lên danh sách công khai.
Phòng Tiếp dân của TP lúc đầu làm được, nhưng nay thấy có vẻ uể oải, phải chấn chỉnh lại. Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp lưu ý điểm nóng về đền bù giải toả và tái định cư ở khu vực Hoà Khánh; BQL các dự án Tuyên Sơn, Đò Xu, Cẩm Lệ, Bình An, An Hoà... khẩn trương đẩy tiến độ vì mùa mưa gió đã đến gần, nhất là các công trình trường học cho kịp năm học mới...”
“Tự soi rọi lại mình, chúng ta thấy bên cạnh những thành quả vẻ vang vẫn còn nhiều bất cập mà nếu không kịp thời khắc phục, sửa chữa e rằng tình hình sẽ còn phức tạp hơn. Hy vọng với sự tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức và sự hợp tác của nhân dân, tình hình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên!” – ông Nguyễn Bá Thanh bày tỏ chân tình.