*Ông Nguyễn Văn Quynh (hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3):
Không làm nổi
Theo tôi, không nên quy định niên hạn sử dụng xe máy vì sẽ làm không nổi. Bởi vì với số lượng hàng triệu xe máy đang lưu thông ở TP.HCM sẽ dẫn đến việc các lực lượng chức năng cần nhiều thời gian để thu hồi những xe máy quá niên hạn vẫn lưu thông trên đường.
Biện pháp kiểm tra khí thải xe máy là cần thiết, nhưng tôi e rằng các cơ quan nhà nước cũng sẽ “lực bất tòng tâm” vì sẽ huy động một bộ máy rất lớn để kiểm tra hàng triệu chiếc xe máy ở TP.HCM.
Nhà nước nên có hoạch định dài hơi trong việc giảm bớt số lượng xe máy lưu thông ở các TP lớn như đầu tư loại phương tiện có sức chở lớn cho người dân đi lại, cấm xe máy lưu thông trên một số tuyến đường... để từ đó người dân sẽ từ từ bỏ xe máy.
Xe máy cũ, trong đó có những chiếc bị hư hỏng nặng, vẫn được bày bán
tại một cửa hàng trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM).
* Ông Ngô Lực Tải (nguyên giám đốc Sở Giao thông công chính - nay là Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Cần làm nhưng phải thận trọng
Đô thị TP.HCM sắp tới sẽ trở thành siêu đô thị hơn 10 triệu dân nhưng ba yếu tố đảm bảo về an toàn giao thông là: ý thức người tham gia giao thông, phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông hiện nay ở TP.HCM còn nhiều bất cập. Trong điều kiện như vậy, việc hạn chế, loại dần những loại xe không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường, nhất là xe máy cũ, là cần thiết. Do đó chủ trương ban hành quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành môtô hai, ba bánh, xe gắn máy là phù hợp với xu hướng phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề này cần phải làm cẩn trọng, xem xét nhiều yếu tố, nhiều khía cạnh chứ không thể nói xe máy chạy 5, 10 năm... thì loại bỏ. Ngoài ra, việc kiểm tra khí thải xe cũng phải được thực hiện song song hoặc được tích hợp trong quy định về ban hành niên hạn. Cụ thể, xe kém chất lượng, chưa đến niên hạn mà xả khói thải mù mịt vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng sức khỏe người khác thì kiên quyết xử lý. Ngược lại, xe đến niên hạn nhưng vẫn còn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật do được bảo quản tốt, chạy kỹ thì vẫn gia hạn lưu hành. Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục tuyên truyền người dân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để dần thay đổi nhận thức người dân về an toàn giao thông. Một giải pháp quan trọng phải được thực hiện là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ.
*Ông Diệp Văn Sơn:
Thời điểm chưa phù hợp
Hầu hết những người nghèo mới dùng xe hai bánh cũ và đây cũng là phương tiện mưu sinh duy nhất của họ. Thời gian gần đây, trong tình hình kinh tế khó khăn, số người gia nhập đội quân thất nghiệp, nghèo khó mưu sinh bằng phương tiện xe hai bánh ngày càng đông thêm.
Những người nghèo mưu sinh bằng phương tiện xe thô sơ, xe tự chế, cả xe hai bánh cũ này là sản phẩm của lịch sử, họ cần cù nhẫn nại, chịu thương chịu khó, lương thiện... Nếu ta không có cách làm cho họ thoát nghèo thì đừng làm cho họ khó khăn thêm! An toàn giao thông là chuyện đáng làm, phải làm sao cho có bài bản. Rất mong cơ quan có trách nhiệm soạn thảo cân nhắc kỹ các giải pháp, thời điểm ban hành quy định cấm xe máy cũ, để sao cho quy định giàu tính nhân văn và khả thi.
* Ông Cao Tuấn (trưởng bộ môn lái xe Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương):
Chỉ xử lý xe không đảm bảo an toàn
Một số nước trên thế giới vẫn cho phép ôtô cổ lưu thông
bình thường nếu đạt yêu cầu về kiểm định an toàn kỹ thuật và môi
trường. Điều quan trọng là ở các nước kiểm tra về kỹ thuật rất khắt khe,
cộng với việc mua bảo hiểm xe cũ với giá cao nên tới thời điểm nào
người dân tự loại bỏ xe quá cũ.
Vì vậy, theo tôi, cơ quan nhà nước không nên quy định niên hạn sử dụng xe máy, trước hết là để người dân nghèo không gặp thêm khó khăn khi phải mua sắm xe mới. Để đảm bảo an toàn giao thông trên đường, giải pháp phù hợp nhất là các cơ quan chức năng nên tăng cường xử phạt những chiếc xe máy không đảm bảo an toàn giao thông như không có biển số, không đèn, không baga...