Ngày 11-8, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) báo cáo với tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ toàn bộ các phần việc liên quan đến công tác điều hành giá cả.
Theo đó, công thức tính toán giá bán lẻ, diễn biến của thị trường thế giới, bản báo cáo tài chính liên quan đến chuyện lỗ lãi của DN cũng được đề cập đến. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường, tiếp tục rà soát để đưa ra phương án.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện DN đang lỗ khoảng 700 đồng/lít xăng A92. Như vậy việc giảm giá xăng dầu là chưa được tính đến. Nhất là mấy phiên giao dịch gần đây, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu xăng dầu chủ yếu của VN lại đang có xu hướng tăng.
Người tiêu dùng trong nước rất băn khoăn sau thông tin đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) kêu vừa lỡ cơ hội giảm giá xăng dầu trong tháng 6. Lúc đó, các DN kinh doanh xăng dầu trong nước thừa nhận là có lãi, như diesel tới 900 đồng/lít. Dù có lãi, DN không đăng ký giảm giá mà lại cho rằng chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Còn Bộ Tài chính đã không ra quyết định giảm giá mà tăng thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng diesel và dầu hỏa. Lý do không thể giảm giá bán xăng dầu là do các DN đang chạy đua tăng chiết khấu lên trên 1.000 đồng/lít nhằm giải quyết hàng tồn.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đáng lẽ tháng 6 vừa rồi giá xăng dầu có thể giảm được chút ít. Và bộ này đã đề xuất giảm giá, song không được Bộ Tài chính chấp thuận. Còn việc tăng chiết khấu là do DN trích lợi nhuận của mình cho đại lý, không liên quan gì đến câu chuyện điều hành giá.
Ngày 11-8, Petrolimex có cho biết là giá xăng dầu có giảm nhưng chưa đủ để giảm giá bán vì DN đang lỗ 600 đồng/lít xăng dầu.
Thuế nhập khẩu, tỉ giá… ổn định mà giá xăng dầu không giảm là bất hợp lý. Rõ ràng câu chuyện điều hành giá xăng dầu hiện nay đang chưa minh bạch. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ tính minh mạch về chi phí và giá thành. Liệu chúng ta có bị lỡ thêm một lần nữa cơ hội giảm giá xăng dầu?
Theo Pháp luật TP