Chúa đảo hoa Anh Đào ở Mường Phăng

Đến Điện Biên thăm chiến trường xưa mà không tranh thủ đến Đảo hoa là điều đáng tiếc. Cảnh sakura (hoa anh đào của Nhật Bản) nở rộ soi bóng dưới làn nước, đẹp như chốn bồng lai...

Mường Phăng những ngày cận kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ như càng tráng lệ, hấp dẫn hơn khi hàng nghìn cây hoa anh đào Nhật Bản xen lẫn bạt ngàn giống hoa quý của Đà Lạt, phủ kín hòn đảo hoang soi bóng xuống lòng hồ Pá Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Đảo hoa lòng hồ Pá Khoang

“Đến Điện Biên thăm chiến trường xưa mà không tranh thủ đến Đảo hoa là điều đáng tiếc. Cảnh sakura (hoa anh đào của Nhật Bản) nở rộ soi bóng dưới làn nước trong vắt, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Đến một lần là nhớ mãi”, lời nói của một người bạn khiến chúng tôi không thể cầm lòng.

Mất hơn 2 tiếng để vượt quãng đường hơn 30km đường rừng quanh co chạy ven núi cao từ thành phố Điện Biên Phủ và hàng chục bản của người dân tộc Thái, chúng tôi đặt chân đến khu đảo hoang nằm giữa lòng hồ Pá Khoang (xã Mường Phăng) để tận mắt chứng kiến nơi được người dân mệnh danh “Đảo hoa”.

Bên dãy nhà tôn bao quanh là bạt ngàn các loại hoa và hàng nghìn cây sakura lớn nhỏ. Những câu chuyện nhặt xung quanh vị “Chúa” đảo hoa Trần Lệ (68 tuổi) dần lé hộ qua lời kể của người bạn tâm giao nhiều năm, bà Mai Thị Thìn.

Hai mùa hoa anh đào nở rực rỡ cùng với hàng nghìn đóa mimosa, hoa lan, hoa ly khoe sắc trong mỗi dịp Tết đã biến khu đảo hoang thành điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa. Công việc chăm sóc cây cối bận rộn càng thêm bận rộn khi từng đoàn khách xếp hàng đến vãn cảnh.

Bỏ phố lên rừng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lệ cho biết, mang hoa anh đào trồng ở Mường Phăng là cả một câu chuyện dài và cũng hết sức tình cờ xuất phát từ mối quan hệ thân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cả khu đảo rực bừng với màu sắc của hoa anh đào

“Tôi quen và nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm 1975 – 1978 (những năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phân công nhiệm vụ là Phó Thủ tướng lo về mảng khoa học) trong những lần Đại tướng đi kiểm tra các cơ sở nghiên cứu khoa học trên Đà Lạt và đến thăm các công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có phòng nghiên cứu cấy mô thực vật của tôi”, ông Lệ nhớ lại.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn làm thay đổi hẳn cuộc sống thường nhật của ông Lệ trong suốt quãng thời gian gần 10 năm sau đó khi năm 2005 ông đến chúc Tết Đại tướng. Câu chuyện giữa Đại tướng và ông Lệ xoay quanh việc trồng và phát triển những loại hoa quý, mang dấu ấn đặc trưng nhằm giúp người dân các tỉnh thoát khỏi danh “tỉnh nghèo”.

Bà Mai Thị Thìn tưới những cây hoa anh đào mới được trồng

“Đến tuổi an dưỡng lại đi hành hạ tấm thân già. Không ít người hoài nghi, ác khẩu “ông í chả mấy phải bỏ của chạy lấy người”. Nghĩ lại nhiều lúc cũng nản”.

Bà Mai Thị Thìn

“Tôi vẫn nhớ lời Đại tướng dặn khi giới thiệu tôi lên Điện Biên: Phải nghiên cứu, làm cây gì để có ý nghĩa, đóng góp gì cho đời sống của nhân dân. Nếu đồng chí nghiên cứu ra những giống hoa, cây rau, cây ăn quả thật là quý, thật có giá trị có thể nhân rộng ra cho nhiều bà con cùng trồng, cùng thừa hưởng thành quả của việc nghiên cứu thì đặt tên cho nó là “Mường Phăng”. Tôi cũng hứa với Đại tướng sẽ tập trung làm việc, đến khi ra được kết quả thì mới hài lòng và đi khỏi Điện Biên. Sau 8 năm cày sâu cuốc bẫm, dốc sức khai hoang, vỡ đất, xây dựng từng lán trại, khu vườn ươm, đến nay những kết quả sớm đầy khích lệ đã dần hình thành”, ông Lệ nhớ lại.

Những ngày tháng gian truân sầm sập đến. Trước lời hứa với Đại tướng, ông Lệ quyết rời bỏ thành phố Đà Lạt yên bình khí hậu trong lành, mát mẻ với gia đình yên ấm, lóc cóc lần mò đến nhiều vùng đất khác nhau của Điện Biên để thử nghiệm trồng nhiều loài hoa khác nhau.

Việc trồng hoa anh đào tại Mường Phăng chính thức bắt đầu năm 2006, khi một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tặng ông Lệ 10 hạt giống anh đào để ươm tại Việt Nam. Gieo 10 hạt thì được 9 cây. Sau, Đại sứ quán Nhật xin lại 5 cây, còn lại 4 cây vẫn tiếp tục trồng trên đảo. Sau 3 năm, cây bắt đầu ra hoa và kết quả. Từ số cây giống này, ông nhân tiếp thêm 500 cây nữa. Tại vườn nhiều cây trồng trong đợt này hiện đã trổ hoa.

7 năm thấm thoắt trôi qua khu đảo hoang ngày nào, vốn là bãi của người dân chăn thả gia súc, đã hình thành một khu rừng hoa với hàng trăm mẫu, giống hoa đặc trưng của Đà Lạt cũng như các vùng miền khác. Nhưng nổi bật hơn cả là hệ thống hàng nghìn cây hoa anh đào với nhiều giống, nguyên bản có, mới được lai tạo cũng có. Cây càng già thì càng nhiều bông.

Bên cạnh những loại cây sakura đã trồng được, ông Lệ đã lai tạo được các giống cây dự định đặt tên là Mường Phăng như Đào Mường Phăng, Lan Mường Phăng, Ly Mường Phăng. “Tôi hoàn toàn nghiên cứu bằng tiền cá nhân. Không vay mượn hoặc sử dụng tiền ngân sách. Tuyệt đối không. Đây là một cái riêng của tôi.

Tiền riêng, bạn bè có ai thông cảm đến thăm nom, ủng hộ vui vẻ thì nhận. Giữ lời hứa với bác Giáp để dựa vào đó lấy tiền dự án A, B,C thì vô nghĩa. Người ta sẽ nhận xét, ông ấy dùng cái đó làm chiêu để lấy tiền ngân sách, tiền dự án… thì mệt lắm. Tôi muốn đặt tên Mường Phăng để gắn với sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho đúng với di nguyện của Đại tướng”, vị chúa đảo hoa anh đào tâm sự.

Mường Phăng giờ đã khác xưa. Không chỉ khách du lịch, người dân nhiều xã lân cận giờ đã quá quen thuộc với hình ảnh ông lão “Chúa đảo hoa” thỉnh thoảng cưỡi xe máy rong ruổi xuống các bản chơi với người dân.

Say sưa nói về những kế hoạch sắp tới, ông Lệ cho biết, sẽ xin tỉnh cho mở đường vào khu đảo để đầu tư thêm nhà công nghệ, khu du lịch, cũng như nghiên cứu. Tết vừa rồi có mấy đại gia ở Hà Nội lên thăm đảo. Mê mẩn trước vẻ đẹp quyến rũ của hoa anh đào, họ đã bỏ hơn 500 triệu đồng để mua hai cây mang về trồng.

Với người Nhật, Sakura tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng, là loại hoa “thoắt nở thoắt tàn” nên được các samurai yêu thích, vì nó tượng trưng cho “con đường chết” của người võ sĩ (sống và chết như hoa anh đào).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại