Chua chát ngày trở về của người đàn bà đã... 32 “cái giỗ”

Gạt nước mắt bà ôm cô con gái chưa đầy 2 tháng tuổi rời bỏ nhà chồng và bắt đầu cuộc đời lưu lạc tứ xứ suốt mấy chục năm trời.

Chiều tối muộn tôi tìm đến xóm trọ Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) tìm gặp bà Nguyễn Thị Phải (sinh năm 1947, quê ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), người đàn bà bị què mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu.

Cay đắng phận làm dâu

Mồ côi cha mẹ từ sớm, 21 tuổi thiếu nữ Nguyễn Thị Phải lên xe hoa về làm dâu nhà người. Tuy nhiên, đối với bà quãng thời gian làm dâu nhà người cũng là quãng thời gian đau khổ nhất trong cuộc đời. Chín năm làm dâu không có nổi một ngày hạnh phúc bởi những trận mưa đòn từ phía gia đình, đau đớn hơn đến cả người “đầu gối tay ấp” với bà cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không thương tiếc.

Làm dâu đến năm thứ 9 thì bà mang thai và sinh hạ được cô bé Nguyễn Thị Sinh (SN 1977). Nhưng vì bị đuổi đi nên bà Phải đành ôm cô con gái còn đỏ hỏn rời bỏ gia đình, bắt đầu quãng thời gian lang bạt khắp nơi của mình.

Rời nhà chồng chỉ với vài chiếc bát; vài bộ quần áo rách và một chiếc xoong để nấu cháo cho con, bà bắt đầu quãng thời gian 36 năm lang bạt của mình. Bà ôm con ra nhà kho của hợp tác xã ở tạm, rồi lên nông trường chè Phúc Thuận mót những đọt chè còn xót lại. Bà lại theo tàu lên Hà Nội để bán chè lấy tiền mua gạo nấu cháo cho con. Trớ trêu thay, công sức bấy lâu, niềm hi vọng cô con gái sẽ có thêm được bát cháo đã không thành vì toàn bộ số chè mót được đã bị người ta lấy mất.

Không có tiền bà bế con đi xin việc nhưng không ai mượn vì lý do con còn quá nhỏ. Không việc làm, không chốn dung thân bà dạt về chợ Bắc Qua (gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội) mưu sinh. Thấy cảnh cháu bé còn nhỏ đặt nằm trên nền gạch nóng bỏng nhiều tiểu thương ở đây rủ lòng thương. “Đem con đặt nằm đây, tôi vừa bán vừa trông cho còn mẹ nó ai mượn gì thì đi làm, đi gánh thuê cho người”, bà còn nhớ như in những sự giúp đỡ đầu tiên trong cuộc đời mình.

Ban ngày đi gánh hàng thuê, ban đêm hai mẹ con lại trải mảnh bao thay chiếc chiếu ngủ ngoài vỉa hè. Bà nhớ lại: “Có những hôm không có việc 3 ngày liền chỉ ăn xu hào bóp muối sống qua ngày. Hôm nào xa xỉ bà mua 500 đồng cơm cháy ở các quán cơm thì được một bữa no đến sáng”. Mà xu hào nào có phải của ngon gì, bà lượm những quả người ta vất vào sọt rác về bóp với muối trắng cho mềm rồi ăn thay cơm.

36 năm tha hương có đến 28 năm bà Phải ngủ ngoài đường, lấy trời làm màn, đất làm chiếu.

Thế rồi biến cố lại thêm một lần nữa thử thách người đàn bà đau khổ này. Năm 1981 như thường lệ, bà đặt con ngồi một chỗ còn mình ai thuê gì thì làm nấy. Tuy nhiên, lúc nhìn ra con thì không thấy con đâu, chỉ còn chỏng trơ manh chiếu rách mà bà trải cho con ngồi.

Nỗi đau khổ dường như vỡ òa, bà khóc lên thành từng tiếng nấc nghẹn. Không một xu dính túi, người mẹ đau khổ đó đã đi qua 10 tỉnh từ Thái Nguyên, Hòa Bình khi xuôi về Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình... Mỗi tỉnh đi qua, bà lại làm thuê lấy chi phí đi đường. Sau một năm ròng rã cuối cùng bà cũng tìm lại được cô con gái của mình tại huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. “May mà lúc đó họ chưa bán con bé, không thì không biết đâu mà tìn lại”, bà Phải tâm sự.

Nắn bóp chiếc chân dị tật sau một tai nạn giao thông, bà Phải trải lòng, gần 40 năm xa quê nhưng trong tâm khảm của mình, lúc nào bà cũng nghĩ về quê hương, nơi có anh chị em, có mồ mả của cha mẹ. Thế rồi, bà quyết định về quê. Năm 2010 hai mẹ con dắt díu nhau về. Giây phút đặt chân lên mảnh đất mà cha ông để lại bà xúc động đến nghẹn ngào.

Thế nhưng, trong gian nhà của người cháu gọi bà bằng cô, tấm di ảnh thờ bà Phải được anh em họ hàng hương khói đã... 32 năm. Ngày bà đi dân làng truyền nhau rằng mẹ con bà đã chết vì đói, vì rét. Do đó, 4 năm kể từ ngày bà đi, các cháu ở quê đã lập cho bà một bàn thờ và lấy tháng 6 hàng năm làm ngày giỗ.

Ngoài trời, mưa đang rơi rả rích, trong căn phòng chật chội người đàn bà có dáng hình nhỏ thó, chưa đầy 30kg, kể lại cuộc đời mình. Giờ đây, bé Sinh ngày trước đã 37 tuổi, là mẹ của 3 đứa trẻ, dù cuộc sống không lấy gì làm khá giả, phải đi tha phương cầu thực lấy tiền gửi về nuôi con nhưng vợ chồng thương yêu nhau, con cái ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ.

Trong phút trải lòng hai hàng nước mắt như không gọi mà đến lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, nhăn nheo của người đàn bà một đời vất vả. 36 năm phiêu dạt kiếm kế sinh nhai có đến 28 năm hai mẹ con lấy trời làm màn, đất làm chiếu. 8 năm trở lại đây, do tuổi đã cao mắt không còn nhìn rõ, đôi chân lại què quặt nên hai mẹ con về thuê trọ ở xóm nghèo này làm chỗ trú mưa, trú nắng mỗi khi đi về.

Hàng ngày, bà Phải dậy từ 3 giờ sáng lết đôi chân tập tễnh của mình ra chợ nhặt phế liệu đến khi chợ tan. “Ngày trước còn khỏe còn đi khắp nơi nhặt nhạnh. Ngày nào nhặt được nhiều thì được tiền trăm, còn ngày nào mưa gió thì chỉ hai, ba chục mỗi ngày. Còn bây giờ bà chỉ quẩn quanh chợ này được thôi”, bà Phải trải lòng.

Khi hỏi "ở quê người ta xây tặng bà nhà tình nghĩa sao bà không về sống hưởng tuổi già" thì bà im lặng một hồi lâu rồi bà đáp: “Muốn lắm chứ, nhưng không có tiền về thì ăn bằng gì, sống bằng gì. Kiếm thêm dăm ba năm nữa có chút vốn rồi bà cũng sẽ về với ông bà tổ tiên”. Câu nói ấy của bà sao mà chua chát quá!.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại