Nhìn xuyên qua dòng nước, ông Nguyễn Văn Công thấp thoáng thấy cái tủ lạnh nhà mình, xắn quần định bước xuống kéo lên nhưng được mọi người can ngăn vì sợ xảy ra sạt lở tiếp, nguy hiểm. Ông Công đi qua lại nhiều lần rồi lắc đầu: “Mất hết rồi, thậm chí một bộ đồ cũng không lấy được”.
Cách đó khoảng 10m, anh Nguyễn Phi Hùng (nhà số C2/24S6) sau khi bị mọi người ngăn cản vài lần vẫn quyết định lội xuống để vớt một cái thau. Đến khoảng 11g, nước sông cạn dần, dù vô cùng nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn liều mình đập tường tìm cách cứu vớt tài sản của mình.
Trên bờ, gần 20 hộ cạnh đó đang tất bật thu dọn đồ đạc đi ở thuê, ở nhờ vì nhà đang bị xé tường, nứt nền, có nguy cơ sạt lở. Bà Đặng Thị Kim Thoa (nhà số C2/35 KG) bức xúc: “Cách nay khoảng bốn - năm ngày, tôi đã thấy nhiều căn nhà đột nhiên bị nứt nhiều đường. Tôi lập tức báo với tổ dân phố để họ báo với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hoặc tổ chức di dời dân, nhưng chẳng thấy ai quan tâm đến”. Ông Nguyễn Tấn Thành - tổ phó tổ 181, xã Bình Hưng thừa nhận, có tiếp nhận phản ảnh của người dân và đã cấp báo đến UBND xã Bình Hưng, sau đó có thấy chính quyền cho người đến xem rồi… về mà không thấy nói gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực này đã có dự án di dời giải tỏa người dân từ lâu nhưng đến nay vẫn… giậm chân tại chỗ. Người dân ở đây cho biết, có nghe chính quyền địa phương thông báo sẽ di dời họ đến nơi an toàn, nhưng chờ hoài mà chẳng thấy làm. Bà Ngô Thị Tuyết Hồng (nhà số C2/41G) phân trần: “Chúng tôi đâu ai muốn sống mà phải nơm nớp lo sợ, nhưng đi không được, ở không xong, chờ hoài mà vẫn không thấy chính quyền thực hiện di dời”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng - Chánh văn phòng UBND H.Bình Chánh nói: “Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ dân bị thiệt hại do sạt lở ba triệu đồng. Sắp tới, huyện sẽ có kế hoạch tăng mức hỗ trợ cho người dân tạm cư trong thời gian chờ đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Còn vì sao đến nay dự án di dời dân vẫn chưa triển khai, chúng tôi sẽ kiểm tra rồi thông báo sau”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện vẫn còn nhiều nơi có nguy cơ sạt lở rất cao, nhưng công tác chống sạt lở vẫn thực hiện “đủng đỉnh”. Cụ thể, dọc hai bên sông Chợ Đệm - Bến Lức, gần ngã ba kênh Xáng - Lý Văn Mạnh (xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh) có khoảng 15 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 200m. Còn tại KP.1, P.An phú Đông, Q.12 dọc sông Vàm Thuật, đang có ít nhất 10 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 500m. Tại KP.5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, có ít nhất 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 1.000m. Người dân ở những khu vực này bức xúc: nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương có phương án chống sạt lở nhưng chẳng thấy thực hiện.
Tương tự, tại H.Nhà Bè, khu vực gần cầu Hiệp Phước (thuộc xã Hiệp Phước và xã Long Thới) dọc hai bên sông Kinh có gần 20 điểm đang có dấu hiệu sạt lở rất nguy hiểm. Cách đó không xa, từ rạch Bà Chiêm đến cầu Phước Kiểng (xã Nhơn Đức), dọc hai bên sông Mương Chuối, chúng tôi đếm được có gần 15 điểm đang có dấu hiệu sạt lở với tổng chiều dài hơn 500m. Ngoài ra, tại các khu vực thuộc rạch Lá – Tắc Tây Đen (H.Cần Giờ), rạch Tắc Bến Rô (H.Nhà Bè), sông Tắc (Q.9)… cũng có nhiều điểm đang có nguy cơ sạt lở rất cao.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TP.HCM, hiện toàn TP có khoảng 50 điểm có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 30.000m, tập trung chủ yếu tại các H.Nhà Bè, Thủ Đức, Cần Giờ, Bình Chánh… Chỉ tính riêng trong tháng 5/2011, toàn TP đã xảy ra hai vụ sạt lở với tổng chiều dài khoảng 68m, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Riêng điểm sạt lở tại rạch Xóm Củi (H.Bình Chánh), dù đã được BCH PCLB TP cảnh báo cách nay gần một tháng, nhưng sự cố vẫn xảy ra, tài sản người dân vẫn bị thiệt hại.
Cũng theo BCH PCLB TP thì tiến độ thực hiện các công trình chống sạt lở tại các quận, huyện hiện rất chậm. Có những dự án dù đã được UBND TP chỉ đạo thực hiện từ ba, bốn năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chẳng hạn, trong tổng số các công trình UBND TP chỉ đạo thực hiện từ năm 2008, 2009 đến nay vẫn còn 14 công trình đang thi công và hai công trình đang… chuẩn bị thi công. Bên cạnh nguyên nhân khó khăn về vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng, còn do các đơn vị lơ là, dẫn đến tiến độ… “rùa bò”.
Theo Phunu Online