Chiến tranh biên giới phía Bắc: Không thể nào quên

Đặng Trung (thực hiện) |

Không ai có thể quên được những ngày tháng 2 lịch sử, đó là một phần sự thật lịch sử của dân tộc ta.

“Không một ai có thể quên được những ngày tháng 2 lịch sử cách đây 37 năm trước trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi đông đảo đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống bảo vệ biên giới; giữ lấy biên cương của Tổ quốc” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, chia sẻ với Pháp luật TP.HCM.

Một phần sự thật của lịch sử dân tộc

. Phóng viên: Những ngày tháng 2 này, ông nghĩ gì về sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc 37 năm trước (17-2-1979 – 17-2-2016)?

 

+ Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Khi đó tôi đang là tư lệnh của Quân đoàn 3.

Quân đoàn tôi được lệnh của Quân ủy Trung ương điều động về tăng cường lực lượng án ngữ các tỉnh phía Bắc để giữ vững biên giới khu vực Hà Giang.

Khi Trung Quốc xâm lược, đơn vị chúng tôi đã có nhiều đồng chí hy sinh nằm lại tại biên giới phía Bắc.

Không ai có thể quên được những ngày tháng 2 lịch sử ấy, những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một phần sự thật lịch sử của dân tộc ta.

Chúng ta cần tôn vinh tất cả chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh xương máu ngã xuống để chặn bước quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Họ xứng đáng được vinh danh!

. Trong bối cảnh hôm nay, sự kiện ấy để lại cho chúng ta những cảnh giác và bài học gì?

+ Bài học của chúng ta chính là không bao giờ được quên lịch sử, nếu chúng ta quên đi những người cầm súng chiến đấu chính là có lỗi với Tổ quốc, với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ phần biên giới thiêng liêng cực Bắc của đất nước.

Suốt hơn 40 năm qua, dù đất nước đã được độc lập, thống nhất nhưng biên giới, hải đảo vẫn chưa yên tiếng sóng, vì thế chúng ta luôn phải vừa cảnh giác vừa đấu tranh và hợp tác.

Đồng thời giáo dục cho những người còn sống hôm nay cần phải có trách nhiệm hơn đối với đất nước, Tổ quốc trước sự dòm ngó của các thế lực bên ngoài.

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu

Đoàn kết dân tộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng

. Từ sự kiện này ông nghĩ gì về những hành động xâm phạm chủ quyền nước ta ở biển Đông hiện nay của Trung Quốc?

+ Chúng ta nhắc lại sự kiện ngày 17-2 để thấy rằng đất nước của chúng ta thực sự chưa bao giờ bình yên bởi sự rình rập của các thế lực bên ngoài.

Bởi vì biển, đảo của chúng ta hằng ngày, hằng giờ đang bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng, vì thế chúng ta không thể bị ru ngủ bằng “hữu nghị viển vông”, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu.

Ta quyết tâm đến cùng để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

. Nếu được gửi một thông điệp đầu năm về bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới, ông sẽ gửi gắm điều gì?

+ Tôi xin có đôi điều. Trước tiên là phải xây dựng một đất nước hùng mạnh, vì nước mạnh Tổ quốc mới vững bền.

Đảng và nhân dân hợp nhất thành một khối vì lợi ích của Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân. Đặc biệt trong tình hình hiện nay phải chống cho được tham nhũng. Một nhà nước trong sạch vì dân.

Thế giới đang hội nhập, tất cả mọi nước dù to, dù nhỏ hãy biết tôn trọng lẫn nhau, một đất nước lớn chưa hẳn đã mạnh nhưng một đất nước nhỏ đoàn kết thì sẽ tạo nên sức mạnh, mà đó là sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của một dân tộc.

. Xin cảm ơn Trung tướng.

Chủ tịch nước tri ân các liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác trung ương ngày 16-2 đã đi thăm đối tượng chính sách, đồng bào thiểu số, lực lượng vũ trang khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo TTXVN, thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cùng các lực lượng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch…

Chủ tịch nước biểu dương những kết quả đạt được của các đơn vị.

Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến đặt vòng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến đặt vòng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước cùng đoàn công tác cũng đã dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ TP Lạng Sơn, tưởng niệm công lao to lớn của hơn 400 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến; trong đó có hơn 300 liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đây cũng là nơi yên nghỉ của nhà báo Takano, phóng viên người Nhật, đã hy sinh khi đưa tin chiến sự tại thị xã Lạng Sơn ngày 7-3-1979.

N.ANH

Không được mơ hồ

Dứt khoát phải khẳng định đây là cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Không được mơ hồ!

Và nếu ai còn mơ hồ về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam thì có lỗi với Tổ quốc, dân tộc, những người đã ngã xuống để bảo vệ đất thiêng của Tổ quốc.

37 năm, sau cuộc chiến biên giới phía Bắc đó, đặt trong bối cảnh chủ quyền biên giới, hải đảo hiện nay bị Trung Quốc xâm phạm, chúng ta càng nhận rõ toan tính của họ.

Chúng ta yêu chuộng hòa bình, chúng ta không chống bất cứ nước nào nhưng chúng ta phải xác định rằng chúng ta sẽ phải cầm súng khi bất cứ nước nào xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại