Khu di tích cảnh Bangkok khoảng 600km và là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan.
Ấn tượng đầu tiên là quang cảnh khu di tích này, rất rộng, thoáng mát, khang trang và đây là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực của bà con Việt kiều ở Thái Lan.
Nhân viên ủy ban quản lý khu di tích luôn mặc những bộ áo dài dân tộc chờ sẵn trên bậc thềm để tiếp đón đoàn. Vừa nhìn thấy người Việt Nam, họ tay bắt mặt mừng thăm hỏi: đi đường có mệt không, có nóng không, rồi hướng dẫn cả đoàn xếp 2 hàng đi từ ngoài và trong nhà thăm viếng Bác.
Trong nhà một bầu không khí trang nghiêm mỗi người trên tay một nén nhanh thơm mùi gỗ cúi đầu tưởng nhớ Người. Phút mặc niệm được bắt đầu bằng giọng hát của bà Trần Thị Bạch Vân (63 tuổi) với cá khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”.
Giọng hát của nữ ca sĩ không chuyên tình cảm đến nỗi người nghe cảm nhận được sự rung lên của dây thanh quản đang nghẹn ngào cảm xúc. Những giọt nước mắt đã nhòe hai mi mắt không ai hay, chỉ biết trong sâu thẳm mình dâng trào tình tôn kính với Người.
Trong nhà tưởng niệm có rất nhiều tư liệu tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, hình ảnh của Hồ Chủ Tịch, căn nhà Bác đã ở trong những năm kháng chiến tại Udon, tất cả được tái hiện rõ nét, được ông Trần Trọng Tài, 68 tuổi (tên Thái Lan gọi là Chun) hướng dẫn tận tình, từ những tấm bản đồ quân sự, đến chiếc nhà sàn đơn sơ nơi Bác nằm được các bác trong ban quản lý nâng niu, chân trọng.
Được biết ông Chun đã rời gia đình ở Bangkok để về đây tình nguyện tham gia Ban Quản lý Khu di tích, ngày ngày đón những đoàn du khách đến thăm, thắp những nén nhang tưởng nhớ Người.
Nổi bật trong Khu di tích là phần mô phỏng ngôi nhà Bác đã ở và làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng. Trong nhà có khá nhiều hiện vật mà bà con Việt kiều đã lưu giữ, sưu tầm phỏng theo những đồ dùng mà Bác Hồ đã sử dụng năm xưa.
Khu nhà có gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt, có kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà. Tất cả đều mang dáng dấp, hình bóng quê hương Việt Nam…
Mỗi kỉ vật gắn với một câu chuyện khác nhau về cuộc đời, học tập, làm việc của Hồ Chủ Tịch tại Udon, dù không còn lại nhiều, xong đây là những mảnh ghép lịch sử còn sót lại đầy ý nghĩa của một con người kiệt xuất.
Bà Vũ Thị Tin, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani, thành viên Ban Quản lý Khu di tích hồ hởi cho biết: "Khu di tích đã đón trên 100.000 lượt khách đến thăm. Đây là một trong những địa điểm du lịch lịch sử đông nhất tại Thái Lan".
Cuộc gặp mặt nào cũng đến lúc phải chia ly, khoảng khắc mà từng thành viên cả bên ở và bên đi đều cảm thấy lưu luyến, tiễn đoàn ra tận xe, bác Vân vẫn cất tiếng hát nhớ thương “Người ơi người ở đừng về” lại một lần nữa khiến cả đoàn thăm viếng không khỏi xúc động, từng cái ôm, cái bắt tay, ánh mắt trao nhau như không muốn ngừng lại.
Tất cả sẽ là những ký ức đẹp về Việt kiều Udon – những người luôn hướng về tổ quốc, mang lòng kính yêu Hồ Chí Minh sâu sắc.