Chè Tuyên Quang: Trộn phân lân, xi măng, bùn... vào chè

vytran |

Vì lợi ích kinh tế mà người ta sẵn sàng cho các hợp chất như phân lân, bột đá, xi măng, bùn... vào chè.

Họ cho rằng, những loại chè do mình sản xuất ra không phải để gia đìnhvà người dân quanh khu vực uống mà các thương lái sẽ mang đi tiêu thụ ở nơi khác. Ai uống thế nào thì kệ.

Sản xuất đến đâu, cháy hàng đến đó

Chúng tôi đến xã Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang) khi mà cơn sốt chè bẩn tạm thời lắng xuống bởi sự vào cuộc của các ngành chức năng. Lãnh đạo Hiệp hội chè Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tuyên Quang.... đã vào cuộc một cách mạnh mẽ để trấn áp sự hoành hoành của chè bẩn.

Hơn 7 tấn chè đã bị niêm phong.

Ông Lâm Tiến Dũng, trưởng thôn Lũng Khê được mọi người trong cả xã biết đến là người đi đầu trong "công nghệ" sản xuất chè bẩn. Mấy ngày qua trước thông tin cáo buộc ông đã sản xuất chè bẩn ngay tại nhà, chính quyền và công an huyện đã vào can thiệp, buộc ông phải ngừng sản xuất.Khi gặp chúng tôi, khuôn mặt ông hốc hác, buồn bã. Ông Dũng khẳng định, không phải chỉ mình gia đình ông làm mà cả làng làm giống ông. Thương lái họ bảo đây là chè xuất đi bán ở nơi khác. Vì thế, họ khuyên trong quá trình chế biến chè nên cho ít phân kali, xi măng để chè xanh mượt, muốn chè vàng thì cho ít bùn. "Để được 1kg chè khô thì phải dùng 3kg chè búp tươi. Trong khi đó cũng 3kg chè tươi đó lại được tới 5kg chè bẩn. Giá cả thì vẫn đảm bảo 28.000đ/kg. Sản xuất đến đâu, thương lái đến lấy hàng và trả tiền luôn".

Trong quá trình chế biến chè nên cho ít phân kali, xi măng để chè xanh mượt,muốn chè vàng thì cho ít bùn.

Ông Dũng cũng chia sẻ: "Để làm chè bẩn, không cần quá nhiều vốn đầu tư, chỉ cần một máy vò và trộn chè, một máy quay tổng cộng hết khoảng 5 triệu đồng, mỗi bộ máy như thế có công suất tầm 2 tạ chè/ngày, có thể mang lại cho gia chủ khoản lãi lên đến 2 triệu đồng".

Thấy lãi cao thì làm

Ông Đàm Quyết Thắng, phó giám đốc Công ty Chè Hưng Anh bức xúc cho biết: "Từ đầu tháng 7 đến giờ hoạt động sản xuất của công ty gần như bị đóng băng bởi không có nguyên liệu. Khi người dân sản xuất chè bẩn, gần như 100% lượng chè tại địa phương được dồn cả về đó".

Các chất như phân lân, bột đá, xi măng rất nguy hiểm cho người sử dụng khi uống. Tùy từng nồng độ pha chế các chất đó với chè là bao nhiêu thì tác động đến cơ thể khác nhau. Các chất đó khi đi vào cơ thể có thể gây bệnh đường ruột, ảnh hưởng đến thận và hệ thống tim mạch.

ThS.BS Trịnh Quốc Đạt (Trưởng khoa Hóa - Sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa)Ông Dũng cho hay, từ giữa tháng 5 nhiều gia đình trong thôn đã ra tận đồi để thu mua chè tươi. Giá họ thu mua cao hơn cả giá của nhà máy. Nếu giá 4.000đ/kg người dân phải mang về nhập tại nhà máy thì giờ đây họ chỉ bán ngay tại ngoài nương cũng được với giá đó. Trong khi đó, công ty phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu của người dân nên khi thiếu nguyên liệu công ty chỉ sản xuất cầm chừng. Năm ngoái mỗi ngày nhà máy sản xuất được 50 tấn chè khô thì năm nay chỉ được 10 tấn.

"Chỉ mấy hôm trước, nếu các anh đi ngang qua đây hai bên đường là chè được người dân hong khô, sấy, chế biến trộn lẫn với các tạp chất như xi măng, phân lân một cách công khai. Các thôn như Đầu Phai, Lũng Khê, Quang Phái gần như cả xóm làm chè bẩn", ông Thắng cho biết.

Chúng tôi có bảo họ làm thế đâu!

Ông Nguyễn Công Lý, chủ tịch UBND xã Thái Hòa xác nhận: "Xã Thái Hòa có 366ha chè, trung bình mỗi năm cho thu 3.000 tấn chè lá với giá trị trên 10 tỷ đồng. Việc sản xuất chè bẩn trên địa bàn xã, cán bộ địa phương không nắm được. Ngày 13/7, UBND xã mới phát hiện được các trường hợp cụ thể làm chè bẩn bằng cách dùng thêm các chất phụ gia như: phân lân, bùn, xi măng nhằm tăng cân".

"Chúng tôi có bảo họ làm như thế đâu. Xảy ra tình trạng làm chè bẩn là do người dân chỉ thấy được cái lợi trước mắt. Đa số họ đều cho rằng, lời lãi thì họ làm họ không quan tâm đến người dùng", ông Lý phân bua.Ông Lý cũng thừa nhận: "Chính quyền địa phương cũng lơ là nên mới để các hộ dân sản xuất chè bẩn. Chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, tạm ngừng hoạt động 497 máy vò chè của các hộ dân trong xã, đồng thời yêu cầu các hộ dân kí cam kết không sản xuất chè bẩn".

Theo Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại