Điều 96, mục 5 dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái”.
Vì sao lại có đề xuất này?
Trong đề tài “Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến quyết định sinh con thứ 3 của các cặp vợ chồng” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thực hiện cho thấy, 36,2% người sinh con một bề (toàn con trai hoặc toàn con gái) thường bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Ngoài ra, 30,4% bị ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai hoặc sinh con gái. 23,07% bị ép sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai, bị ép buộc sinh thêm con trai hoặc con gái.
Những lời nói mà phụ nữ sinh con một bề (đặc biệt là một bề gái) thường gặp phải là “không biết đẻ”, “kém”, “sẽ bị chồng cắm sừng”, “chồng chán”. Còn đàn ông có toàn con gái sẽ thường bị chế giễu là “chiếu dưới”, “làm em”, “giống kém”, “đàn ông rởm”, “xây nhà tình nghĩa”...
Tính khả thi của việc xử phạt tội chế giễu người sinh con một bề là rất khó.
Ông Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết, việc người dân chế giễu người sinh con một bề (đặc biệt là con gái) sẽ gây tổn thương tình cảm, tâm lý của những người sinh con một bề.
Nhiều người đang quý mến con gái, hài lòng với việc có hai con gái khi bị chế giễu sẽ cảm thấy bực bội, ức chế. Nhưng đặt vấn đề phạt người chế giễu e rằng cũng khó. Bởi, chẳng nhẽ người bị chế giễu mang đơn đi tố cáo anh kia, chị kia bôi bác, nói xấu tôi chỉ biết... đẻ một bề?
GS-TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng viện dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng chia sẻ: “Việc chế giễu, bôi nhọ việc sinh con một bề là không văn minh, thậm chí là dã man. Tuy nhiên, lời nói gió bay, hơn nữa, những người xúc phạm thường là người trong gia đình, họ hàng, bạn bè, chòm xóm, người quen biết, chẳng ai đi thu âm, chụp ảnh lấy bằng chứng để đòi xử phạt nhau bao giờ?”.
Ông Thiên cũng cho biết, đây là quy định không có cơ sở bằng chứng để xử phạt. “Họ không chửi nhau bằng văn bản. Rất khó có được bằng chứng về một cái nhếch mép, cười khẩy hay một lời bâng quơ: “Không biết đẻ” hay “đàn ông rởm”, “chuyên xây nhà tình nghĩa”. Hơn nữa, có bằng chứng thì phạt ai, ai xử phạt?”.
Theo ông Thiên, khi xây dựng điều luật cần phải tính đến tính khả thi. Còn nếu điều luật chỉ mang tính “răn đe”, “cảnh cáo” hay tuyên truyền thì nên đưa vào mục tuyên truyền mà không xử phạt.