Đứng trước các vụ cháy nổ xe máy liên tiếp gần đây, các cửa hàng đại lý lớn của Honda, Yamaha, SYM… đều có những cách xử lý, nhưng cũng chỉ là “lưu ý, khuyến cáo” chung chung.
Tại Head Honda đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM), bà Đỗ Như Mỹ, phó giám đốc công ty Tường Nguyên - đơn vị phụ trách Head cho biết: “Hiện tại, các nhân viên tư vấn bán hàng và kỹ thuật viên tại đây đều được phổ biến một số thông tin từ hãng Honda cập nhật ngày 28.12.2011. Cụ thể là phát tờ rơi và dán các bảng thông tin hướng dẫn đề phòng các sự cố xung quanh xăng và điện của xe gắn máy cho khách hàng xem trực tiếp tại Head. Lưu ý khách hàng trước khi lái xe cần kiểm tra những vật dễ cháy mắc vướng bên trong xe, dưới gầm xe hoặc ở gần khu vực cổ ống xả… Trường hợp bị chuột phá hoại cần liên lạc với Head gần nhất để được sử dụng dịch vụ hỗ trợ tận nhà”.
Riêng với quy trình bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ xe của Head khi có khách hàng yêu cầu kiểm tra thêm hệ thống điện và xăng thì kỹ thuật viên sẽ thực hiện dò tìm và rà soát các đầu nối của hệ thống điện, súc rửa bình xăng nếu lỡ đổ nhầm xăng lạ hoặc kiểm tra các ống dẫn xăng cao su. Nếu có hiện tượng co, giãn không đều, mất tính đàn hồi thì sẽ được thay thế, chi phí khoảng 50.000 đồng/lần.
Còn tại chi nhánh Yamaha 3S Hoà Huy Hoàng (đường Trần Hưng Đạo, quận 1), kỹ thuật viên Anh Kiệt chia sẻ: Hiện tại cửa hàng chưa nhận được nhiều yêu cầu của khách hàng đối với việc bảo trì hệ thống xăng và điện. Tuy nhiên, có hiện tượng nhiều xe gắn máy đã trang bị thêm đèn, còi, báo trộm... móc nối vào hệ thống điện của xe, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chập điện và gây cháy xe. Do vậy, những xe máy của hãng nếu đi bảo trì tại đây thì các kỹ thuật viên luôn khuyến cáo khách hàng nên tháo bỏ và tuân theo thiết kế ban đầu, nhằm hạn chế sự cố đáng tiếc xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ cửa tiệm sửa xe Cò tại 122 Lê Thị Riêng (quận 1), nói: “Các loại xe tay ga được sản xuất sau này đều có hệ thống dây dẫn điện với lớp vỏ bọc nhựa kém chất lượng, lại đặt ngay dưới lớp ốp nhựa của xe nên chỉ cần mát, chạm điện là bắt lửa ngay, đặc biệt là dòng xe Elizabeth của hãng SYM thường gặp sự cố với tình trạng này, phải thay toàn bộ hệ thống dây dẫn điện bên trong khi bị chạm mát, cháy nhẹ”.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, thông tin về cháy nổ chưa rõ ràng, nên chỉ có thể phòng ngừa theo kiểu hư đến đâu sửa chữa đến đó, chứ không thể đưa ra một quy trình bảo trì cụ thể cho từng loại xe bởi cấu tạo xe máy, đặc biệt là tay ga ngày càng phức tạp và nhiều người tiêu dùng còn lắp thêm một số món “đồ chơi lạ” như hệ thống định vị GPS, báo trộm từ xa, loa âm thanh lớn… khiến xe khi chạy sẽ có hiện tượng chập chờn nguồn điện, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Nhìn chung, thị trường chăm sóc và bảo vệ cho xe tránh bị cháy nổ bất thường vẫn đang theo xu hướng phòng ngừa, bởi các hãng lớn cũng chưa thể xác định rõ lỗi bắt nguồn từ đâu, nên chủ yếu chỉ khuyến cáo khách hàng nên đưa xe đi kiểm định, bảo trì thường xuyên, trung bình 3 – 6 tháng/lần và không nên lắp đặt nhiều thiết bị, đồ chơi lạ vào xe. Đến thời điểm này, chưa có hãng nào đưa ra biện pháp xử lý triệt để.
Theo SGTT