Cháy nổ rình rập cơ sở kinh doanh gas: Hỏa hoạn, chạy lên... trời

camnhung |

Trên thực tế có tới 90% các cửa hàng gas tại Hà Nội không đảm bảo điều kiện PCCC...

...song những kiến nghị, đề xuất của cơ quan PCCC trong xử lý vi phạm lại được đánh giá là thiếu “sức nặng”, ít được cơ quan phối hợp, chính quyền các địa phương quan tâm.

Phương tiện vận chuyển gas chỉ có ở Hà Nội

Nương tay nên nhờn luật

Đối chiếu các yêu cầu chung về an toàn trong thiết kế, xây dựng, sử dụng các cơ sở kinh doanh gas hiện hành, không dưới 90% cửa hàng gas tại Hà Nội sẽ bị đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn, do không đảm bảo điều kiện PCCC - đại diện Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khẳng định. Vi phạm PCCC tại các cửa hàng kinh doanh gas có thể chia làm 2 loại: vi phạm có thể khắc phục và không thể khắc phục.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa dẫn chứng: Khi kiểm tra, phát hiện các vi phạm về sử dụng thiết bị điện không an toàn, tồn chứa bình gas quá số lượng quy định, sử dụng ngọn lửa trần… ở các đại lý gas, cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu cơ sở khắc phục mới được tiếp tục hoạt động. Vi phạm không có lối thoát nạn thứ 2, đa số các cửa hàng gas hiện nay không thể khắc phục.

Thượng tá Lâm ví dụ một cửa hàng gas mà đơn vị đang quản lý tại phố Hào Nam, quận Đống Đa. Cửa hàng này xin cấp phép hoạt động từ năm 2006, khi đó xung quanh đều là đất trống, cửa thoát nạn thứ 2 đảm bảo yêu cầu thoát nạn. Sau 6 năm đi vào hoạt động, các bãi đất nay “biến” cả thành nhà, bịt kín lối thoát nạn dự phòng. Thực tế này điển hình cho các vi phạm về lối thoát nạn, ở các cửa hàng gas trên địa bàn Hà Nội.

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh gas hiện nay thuê tầng 1 nhà dân để kinh doanh. Hỏa hoạn xảy ra, chạy lên tầng mái có thể coi là lối thoát nạn an toàn? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, đại diện Sở Cảnh sát PCCC nói: Căn cứ tiêu chuẩn: TCVN 6223:2011, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, quy định tiêu chuẩn quốc gia đối với các cửa hàng gas nêu rõ: “Ngoài cửa chính, cửa hàng gas phải có ít nhất một lối thoát nạn dự phòng, có cửa mở ra ngoài hoặc cửa đẩy sang bên để người ở trong dễ thoát khi có sự cố”.

Tiêu chuẩn này không đề cập đến điều kiện PCCC ở cửa hàng kinh doanh gas có người sinh sống ở các tầng trên. Dù chưa quy định, nhưng chạy lên tầng thượng không thể coi là lối thoát nạn an toàn, bởi cháy xảy ra, khói, lửa, nhiệt theo nguyên lý sẽ bốc lên tầng cao - đại diện cơ quan PCCC khẳng định.

Hiện trường một vụ cháy cửa hàng gas

Tránh “ném đá ao bèo”

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, trong năm 2011 trên địa bàn Hà Nội xảy ra 15 vụ cháy, nổ liên quan đến gas, trong đó có một số vụ cháy tại đại lý kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước thực tế đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, vừa chỉ đạo 10 Phòng Cảnh sát PCCC khu vực, phối hợp với lực lượng nghiệp vụ tổ chức rà soát, kiểm tra PCCC tại các cửa hàng kinh doanh gas.

Trên cơ sở kiểm tra, Cảnh sát PCCC sẽ tiến hành cấp đổi lại giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC. “Cơ sở nào khắc phục được vi phạm sẽ được kinh doanh tiếp, nếu không chúng tôi sẽ báo cáo Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã… rút giấy phép” - đại diện Sở Cảnh sát PCCC nêu quan điểm.

Đề cập đến thực trạng tồn chứa gas tại cửa hàng vượt quá số lượng quy định, đại diện Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Căn cứ theo tiêu chuẩn: TCVN 6223:2011, cửa hàng được phép tồn chứa tại chỗ 500kg gas, đối với diện tích tối thiểu là 12m2 và trong mọi trường hợp không được vượt quá 1.000kg (khoảng 75 bình gas 12kg). Tuy nhiên tiêu chuẩn này không đề cập đến trường hợp cửa hàng kinh doanh gas thuê nhà dân tầng 1, trên tầng 2, 3… có người sinh sống.

Kế hoạch kiểm tra các cửa hàng kinh doanh gas, được Sở Cảnh sát PCCC triển khai thời gian tới yêu cầu: Cửa hàng gas thuê tầng 1 nhà dân, trên tầng cao có người sinh sống chỉ được tồn chứa không quá 70kg (khoảng 6 bình gas). Áp dụng quy định này, đồng thời với việc siết chặt cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC, chắc chắn nhiều các đại lý gas ở Hà Nội sẽ phải dừng hoạt động.

Tuy nhiên, một thực diễn ra lâu nay, những kiến nghị, đề xuất của cơ quan PCCC trong xử lý vi phạm các cửa hàng kinh doanh gas luôn được đánh giá là thiếu “sức nặng”, ít được cơ quan phối hợp, chính quyền các địa phương quan tâm.

Kiểm tra, xử phạt, kiến nghị xử lý cơ sở vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan PCCC, nhưng ra quyết định đình chỉ hoạt động, rút giấy phép số cơ sở này thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở. Vi phạm PCCC các cơ sở kinh doanh gas có được chấn chỉnh, dẹp bỏ hay không, dư luận đang chờ đợi động thái của các ngành liên quan.

Theo Thu Hạnh

ANTĐ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại