Để có tiền mua những cỗ quan tài đắt đỏ, quần áo mới, giết mổ gia súc, lo cỗ ma chay, người dân Nam Phi phải dành dụm từng đồng.
"Ở phương Tây, cưới xin là sự kiện lớn nhất trong cuộc đời nhưng ở châu Phi thì đó là đám ma", GS Michael Jindra, đồng tác giả của cuốn sách "Tang lễ ở châu Phi: một hiện tượng xã hội" cho biết.
Ban nhạc biểu diễn trong một đám tang ở miền Tây Kenya.
Ông Jindra giải thích rằng, sự kiện này được tổ chức long trọng để tỏ lòng tôn kính với người đã khuất và hướng tới cội nguồn. Tang lễ là trung tâm của đời sống văn hóa, cộng đồng trong xã hội châu Phi.
Ở Nam Phi, một khoản tiền lớn được sử dụng để tổ chức tang lễ bởi họ hàng từ khắp nơi trên đất nước sẽ tới ăn ở trong vài tuần liền. Tang chủ phải chi nhiều tiền để giết mổ gia súc cho cỗ đám, thuê xe tang và chuẩn bị phương tiện đi lại để đưa những người tham dự tới nơi chôn cất.
"Nhiều khi người ta phải làm thế vì địa vị nhưng cũng có khi là do sức ép xã hội. Tập tục này thực sự là một gánh nặng cho những gia đình vốn đã chẳng có tiền", ông Jindra nói.
Theo báo cáo năm 2009 của 2 nhà kinh tế học Anna Case và Alicia Menendez, chi phí trung bình cho một đám tang long trọng ở Nam Phi trong những năm 2003 - 2005 là khoảng 415USD, tương đương với 40% chi tiêu trung bình hàng năm của một hộ gia đình.
"Tiền ăn nhiều nhưng tiền mua áo quan còn nhiều hơn", Case nói, "Có nhà còn mua áo quan với số tiền tương đương học phí của con cho tất cả các năm học".
Ở Ghana, nơi tang lễ được tổ chức lớn và long trọng, các gia đình thường đổ hết tiền của, công sức, thời gian vào các đám tang. Ở đây còn có dịch vụ thiết kế quan tài theo hình dáng bất kỳ.
Gánh nặng cho người còn sống
Chi phí tang lễ thực sự đã đè nặng lên tương lai của những người còn sống. Sau đám tang, họ phải cắt giảm chi tiêu cho thức ăn, quần áo. Ở những gia đình có người mất, trẻ con có khả năng không được đi học còn người lớn thì mắc các triệu chứng trầm cảm, âu lo.
Theo nghiên cứu năm 2004 đăng trên Tạp chí Phát triển con người, một trong những lý do khiến 63% các hộ gia đình ở nông thôn Kenya rơi vào tình trạng đói nghèo là do tổ chức tang lễ linh đình, tốn kém.
Ông Jindra cho biết, người Cameroon dành dụm tiền không phải để thuốc thang chữa trị khi người thân còn sống mà là để lo ma chay.
Thậm chí, ở Nam Phi còn có dịch vụ lập tài khoản tiết kiệm cho đám ma. Các cá nhân sẽ đóng bảo hiểm hàng tuần hoặc hằng tháng để dành cho chi phí lễ tang. Tuy nhiên, số tiền này vẫn không đủ. Gia đình người đã khuất vẫn phải chạy vạy khắp nơi để có tiền lo ma chay.
"Họ hàng cũng đóng góp tiền nhưng vẫn chẳng đủ", ông Daryl Collins, giám đốc Hiệp hội Bankable Frontier nói.
Kết quả là, gần 25% số hộ gia đình chẳng còn cách nào khác ngoài đi mượn tiền từ những người cho vay với lãi suất hàng tháng từ 30% trở lên.
"Để lo cho đám tang, bạn phải đi vay tiền nhưng rồi lại lo trả nợ sau đấy. Suốt một năm, chỉ vì tang lễ của một người mà cuộc sống bị đảo lộn", Reuben Naran ở văn phòng tang lễ nói.
Theo Phương Thanh
Bee.net