Nhưng theo những người dân ở đây thì khi được chế biến thành cháo khi ăn vào không chết người mà còn khiến cơ thể các đấng nam nhi hồi phục năng lực phòng the.(?)
Một quán cháo ẩu tẩu ở Hà Giang
Món cháo chỉ bán ban đêm
Một trong những cái lạ nữa của món cháo “chết mà không chết” này chỉ bán vào ban đêm, chứ ban ngày thì tuyệt nhiên không có. Tuy nổi tiếng là đặc sản ở Hà Giang nhưng không có nhiều nơi bán mà chỉ lác đác một vài chỗ, nếu không phải phải là "thổ địa" của vùng đất này thì cũng khó tìm.Đặt chân vào một quán cháo Ẩu tẩu tôi bắt gặp rất nhiều thực khách đang ngồi đợi bà chủ. Khi tôi hỏi vì sao người dân ở đây lại gọi là món "cháo chết người" thì bà chủ Vũ Thị Tâm cho biết, gọi như vậy vì cháo này nấu chung với củ Ẩu tẩu, có người nói củ này vốn từ bên kia biên giới, có người lại nói người Mông đã trồng từ rất lâu trên các núi đá cao. Đây là một củ có độc dược cực mạnh thuộc bảng A còn có tên gọi là ô đầu. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, thứ thuốc độc được tẩm vào mũi tên bắn vào tay Quan Vũ, sau đó thần y Hoa Đà phải cạo xương mới chữa được kia chính là chiết xuất từ quả ô đầu.
Cũng theo người bán quán thì nếu ăn củ Ẩu tẩu lúc còn chưa chế biến có thể khiến người dùng toàn thân co rúm lại và có thể mất mạng. Tuy nhiên khi loại củ này được nấu chín thì lại hoàn toàn vô hại, thậm chí lại có thêm những công dụng cực kỳ hữu ích cho sức khoẻ. Trước đây món cháo này được đồng bào dân tộc Mông dùng làm thuốc giải cảm nhưng sau này người ta thêm một số gia vị khác để nấu thành món cháo "đặc sản"...Bà Tâm cho biết thêm, để chế biến củ Ẩu tẩu rất công phu. Đầu tiên phải ngâm trong nước gạo đặc, sau đó ninh nhừ khoảng 4 - 5 tiếng cho hết chất độc tiết ra hết, khi đó củ Ẩu tẩu tơi ra thành bột đặc sền sệt. Thứ bột này đem đổ vào nồi cháo chân giò lợn, gạo tẻ, có khi thêm tí nếp cho sánh thơm. Lửa liu riu trên bếp, nồi cháo lúc nào cũng bốc hơi lục sục. Khi ăn người ta múc ra bát, cho thêm quả trứng gà, thịt nạc băm, cùng gia vị như ớt, tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô.
Trông bát cháo có màu nâu xám tựa như bát cháo lòng dưới xuôi, song mùi vị thì khác hẳn. Tôi đánh liều thử một miếng thì cảm nhận được mùi béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ Ẩu tẩu. Món cháo này có một vị chung rất khác là khi mới ăn dễ cảm nhận một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều sinh nghiện.Củ Ẩu tẩu sau khi được chế biến đúng cách và nấu thành cháo thì từ "độc dược" mà hóa ra "thần dược". Theo bà chủ quán và một thực khách thường xuyên ở đây thì ăn món cháo này giúp giãn gân cốt, giảm đau nhức các cơ, xương, thậm chí là cả u nhọt. Khi ăn loại cháo này, người đi xa về sẽ có một giấc ngủ say. Một số người bị mất ngủ, thường dùng cháo Ẩu tẩu trước giấc ngủ khoảng vài tiếng đồng hồ, để đi vào giấc ngủ sâu hơn và không bị thức giấc lúc nửa đêm.
Đồn thổi công năng đặc biệt
Nhưng theo bà chủ quán, công năng đặc biệt và khiến món cháo này thành "đặc sản" là giúp các đấng mày râu tăng cường "bản lĩnh đàn ông". Theo bà chủ quán, cháo Ẩu tẩu có tác dụng "cướp ải đoạt cờ" tức là cường dương, phục hồi "bản lĩnh đàn ông" một cách nhanh nhất, đem lại cho cánh nam nhi một sức khỏe bền bỉ khi "chinh chiến".
Bát cháo Ẩu tẩu với đầy đủ gia vị
Nhiều nam giới sinh sống quanh vùng đều sử dụng món cháo Ẩu tẩu như một phương thuốc bí truyền để giúp cho chuyện chăn gối được sung mãn. Anh Trần Đức T., ở thị xã Hà Giang cho biết, ban đêm mà ăn một bát cháo Ẩu tẩu sẽ khiến cơ thể "hừng hực khí thế" một cách lạ thường. Một số người bị mắc chứng yếu sinh lý bẩm sinh, nhờ dùng cháo Ẩu tẩu đã cải thiện "sinh lực" một cách đáng kể. Đối với những người đã ở tuổi tứ tuần nhờ món "thần dược" này mà sung sức như thủa đôi mươi (?!).
Chẳng biết thực hư hiệu quả có phải như lời đồn hay không nhưng có câu chuyện bà chủ hàng cháo cho biết có không ít du khách lặn lội từ các vùng miền xa xôi đến đây chỉ để được thưởng thức công hiệu đặc biệt của cháo Ẩu tẩu. Thậm chí có nhiều người nhờ bà tìm mua củ Ẩu tẩu rồi hỏi bà cách chế biến để về nhà tự nấu cháo để ăn dần.
Tuy nhiên, bà chủ quán cũng nhắc thêm, mặc dù đã chế biến nhưng mỗi bát cháo chỉ cho một lượng vừa đủ củ Ẩu tẩu, nếu nhiều quá cũng dễ gây ngộ độc. Và theo kinh nghiệm của bà Tâm và người Mông, nếu lỡ bị ngộ độc của Ẩu tẩu thì chỉ có cách lấy cây chuối đánh vào người hoặc chạy thật lực để cho nó vã mồ hôi ra(?). Bà Tâm vẫn còn nhớ khi mới mở quán cháo, chưa có kinh nghiệm, bà và chồng thường phải ăn thử cháo trước khi đem bán. Một lần vì cho lỡ tay, sau khi ăn thử chồng bà Tâm có dấu hiệu ngộ độc, may mắn vì biết cách chữa nên chồng bà mới thoát hiểm. Đối với trẻ em dưới 18 tuổi không nên ăn vì sẽ gây giòn xương và mỗi người một tuần chỉ nên ăn từ 1 - 2 lần là đủ.Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần- Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Ẩu tẩu (người ta thường gọi là âởu tầu, hay còn gọi là cây ô đầu) là một cây thuốc trong Y học cổ truyền, Đông y. Thực tế, Ẩu tẩu được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt được sử dụng trong bài thuốc "Bát vị quế phụ". Tác dụng của Ẩu tẩu cũng đã được ghi trong các sách cổ. Tác dụng chính của Ẩu tẩu có thể sử dụng trong bài thuốc bổ dương".
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần
"Trong bài thuốc "Bát vị quế phụ" thì âu tầu có tác dụng thuốc bổ thận dương, tuần hoàn, tim mạch... Tuy nhiên, những tác dụng đó nó ở mức độ vừa phải chứ không "thần dược" như lời đồn đại. Thông tin Ẩu tẩu sẽ khôi phục "sinh lực đàn ông" là không đúng. Người ta cứ nghe đến tác dụng bổ dương lại "đẻ" ra chuyện tăng "sinh lực đàn ông", chứ thực ra không có tác dụng đó. Và bản chất cây Ẩu tẩu cũng không có quá nhiều công dụng", PGS.TS Nguyễn Duy Thần khẳng định.
Theo TS. Thuần, người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc vẫn dùng củ Ẩu tẩu để ăn và cách mà họ chế biến là dùng nhiệt thủy phân để đun. Điều này khoa học cũng đã chứng minh, trong quá trình dùng nhiệt thủy phân, bản thân các chất chuyển hóa thành một chất khác. Đặc biệt nhất là một chất độc Aconitin sẽ được thủy phân thành aconin và độ độc cũng giảm đi nhiều. Chính vì thế người ta có thể dùng được. "Tuy nhiên, phải là những thầy thuốc chắc tay nghề mới dám sử dụng Ẩu tẩu trong bài thuốc chữa bệnh", PGS.TS Thuần nhấn mạnh.TS. Thuần cho biết, Ẩu tẩu có hàm lượng độc tố cao vì thế cần có sự quản lý nhà nước, chứ không thể dùng tự do. Nếu người nào kinh doanh Ẩu tẩu (bán cháo Ẩu tẩu) phải được cơ quan y tế thẩm định, cấp phép theo quy trình được Bộ Y tế cho phép. Chất aconitin của củ Ẩu tẩu cực độc, uống 1 mg - 1,5 mg có thể chết người. Vì thế, đừng nghĩ là "thần dược" mà lạm dụng, rất nguy hiểm tính mạng", TS. Thuần nói.
Theo Nguoidiatin.vn