Chạy bằng đôi chân giả để tránh nóng, Nay Djruêng khoèo cánh tay cụt lủn vào thành cầu thang để lên tầng trên vào phòng thi. Từ xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai, Djruêng vượt hơn 300 cây số đường đèo núi về Quy Nhơn để thi vào trường ĐH Công nghệ Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thông tin.
Djruêng tâm sự, chán nản mệt mỏi là suy nghĩ tối kỵ với người khuyết tật. Người ta đi bình thường, còn em thì bơi giữa đường bộ nhưng vẫn đi không chậm hơn các bạn. Có những ngày thứ bảy, chủ nhật ở trường nội trú nhưng không được cha mẹ đến chở về thăm nhà, một mình Djruêng đi bộ 25 cây số để về sum họp gia đình.
Djruêng học khá giỏi hết cấp tiểu học, lên cấp 2,3 tại trường dân tộc nội trú Krông Pa, chỉ đạt kết quả trung bình khá. Người cha, ông Ksor Dyoang, cho biết vợ chồng ông sinh 10 đứa con thì chỉ nuôi được 7 đứa. Ba đứa bé khi sinh ra bị tật nguyền, vì hủ tục buôn làng kỳ thị nên đành phải bỏ. Và trong số 7 đứa con còn sống, cũng có 2 đứa bị tật nguyền. Chúng cũng bị dân làng gây áp lực buộc phải bỏ ngoài rừng.
Ông Ksor Dyoang từng là du kích vùng H2 (giáp ranh giữa 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Đăk Nông) những năm 1972 nên đã bị nhiễm chất độc da cam. Con cái sinh ra đã gần một nửa bị tật nguyền.
Để đưa con trai xuống Quy Nhơn ứng thí, gia đình Ksor Dyoang đã phải tích góp tiền nhiều tháng từ việc bán mỳ (sắn) lát và phân bò để giúp con trai thực hiện ước mơ thành lập trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật tại quê.