Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa hiện đang là sinh viên năm cuối Khoa Đạo diễn, ĐH Sân khấu điện ảnh TP. HCM. Ngoài vai trò là đạo diễn, Khoa còn là một trong ba diễn chính trong series phim “Bộ ba đĩ thõa” (My best gay friends).
Ngoài ra, Khoa còn làm ‘freelandcer’ cho các dự án quay MV cho ca sỹ, clip quảng cáo…Năm 2012, Khoa đoạt giải châu Á cuộc thi Canon Legria.
Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa - chàng sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh tâm sự về bản thân.
Tự bỏ tiền túi làm phim đồng tính
Dự án sitcom “My best gay friends” bắt đầu từ năm 2012 kể về những câu chuyện đời thường “dở khóc dở cười” đầy thú vị, tiếng cười của ba chàng “gay”. Sitcom đầu tiên về cuộc sống người đồng tính hài hước đầu tiên ở Việt Nam.
Sau 10 tập ra mắt độc giả, Khoa thấy rất vui vì tác phẩm của nhóm nhận được những phản hồi tích cực. Người trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) cảm ơn vì nhờ phim họ tự tin, đỡ mặc cảm và nhiều người không còn kỳ thị người đồng tính.
Chia sẻ lý do dựng cuộc sống của người đồng tính lên thước phim, Khoa bộc bạch: “Em thấy hình ảnh gay trên phim ảnh, báo đài thường bị làm quá, bị tiêu cực hóa để gây tiếng cười rẻ tiền, làm người xem bị áp đặt rằng gay là biến thái, mê trai,..
Em cảm thấy rất khó chịu khi bị xã hội nhìn xấu đi. Vì vậy, em dựa trên hình ảnh thật của bản thân và bạn bè xung quanh, những chuyện đã trải qua để đưa lên phim, để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về LGBT. Họ cũng là người, có gia đình, bạn bè, công việc và tình cảm như bao người khác”.
3 diễn viên chính trong phim Bộ ba đĩ thõa, ngoài đời thực họ là những người bạn thân.
1 cảnh hài hước trong phim về ba chàng đồng tính.
Tự làm mọi thứ từ các khâu quay, cắt ghép, làm hiệu ứng clip… Cực nhất là thu âm xong, Khoa thức trọn 2 đêm để cắt ghép thoại từng người một và xuất file hoàn chỉnh. Khó nhất là sinh viên không có tiền, nhiều khi bí quá, Khoa phải vay mẹ tạm tiền để chi cho đoàn làm phim, mua đạo cụ…Bình thường một bộ phim tốt nghiệp nhỏ các bạn sinh viên cũng phải bỏ ra 40-80 triệu, thậm chí hằng trăm triệu.
Và để tiết kiệm tối đa nhất, Khoa cố gắng thay đổi cách làm phim sao cho hợp với túi tiền mà vẫn làm ra sản phẩm. Ví dụ, một tập “My best gay friends”, Khoa tự bỏ 500 nghìn – 1 triệu đồng tiền túi để làm, cảnh quay trong phim không dùng đèn mà dùng ánh sáng tự nhiên, phòng thu thì mượn bạn bè để giảm chi phí…
“Đã nhiều lúc mệt mỏi nhất là không tìm đâu ra kinh phí để làm. Khi nghe một bản nhạc, xem một quảng cáo, em có thể nghĩ ra được ý tưởng, câu chuyện để xây dựng thành phim, clip. Nhưng tiền không có nên thấy buồn lắm. Tuy nhiên, có lẽ do cái nghiệp nên không từ bỏ được bởi đó là những điều em muốn, em thích làm”, Khoa tâm sự.
Đam mê làm phim từ 5 tuổi
Đam mê làm đạo diễn đã ngấm vào máu của Khoa từ khi cậu còn nhỏ. Ngay từ 5,6 tuổi, cậu thích thú với chương trình Thế giới điện ảnh trên ti vi vào tối thứ 3, cậu ngồi say mê xem cách họ giới thiệu các nhà làm phim làm kỹ xảo thế nào để tạo ra những bộ phim bom tấn. Từ đó cậu thích và ước lớn lên sẽ làm được như vậy.
Ước mơ lớn dần lên, khi học cấp 2 Khoa xin mẹ mua máy quay, máy tính để tập tành làm quay phim, đạo diễn nhưng do nhà không có điều kiện mẹ không đồng ý. Đấu tranh tư tưởng kiên trì, thuyết phục hàng ngày, cuối cùng mẹ chịu thua và mua cho Khoa chiếc máy quay cũ.
“Tự mày mò, học cách cắt ghép bộ phim. Năm 2009, đang học lớp 9, em giành giải nhất cuộc thi “clip làm bạn với máy tính” do báo tổ chức, em được thưởng 1 chiếc máy tính xịn thời đó. Mặc dù thích nhưng vẫn cắn răng bán đi lấy tiền để nâng cấp máy làm phim. Từ đó, mẹ đồng ý cho em theo nghề đạo diễn mà không ngăn cấm gì”, Khoa kể lại.
Và người truyền đam mê và hướng dẫn Khoa nhiều nhất trong việc làm phim chuyên nghiệp chính là người anh dân làm phim chuyên nghiệp mà cậu đã quen 7 năm.
Coi thường ai kỳ thị người đồng tính
Về con người thật của mình, Khoa thẳng thắn bộc bạch về quá trình nhận ra mình là người đồng tính nam. Ngay từ nhỏ, Khoa đã thấy mình khác so với các bạn, Khoa thích chơi búp bê, đồ con gái và lên lớp 9 cậu nhận ra tình cảm thật của mình là dành cho con trai.
Còn đối với gia đình, bố mẹ Khoa đã ly hôn, lên lớp 10, mẹ Khoa biết cậu là ‘gay’. Cậu kể, mẹ lo sợ bởi người thân trong gia đình cũng có người gay bị chết vì HIV/AIDS. Vì vậy, mẹ đã nghỉ hưu sớm 2 năm để bên cạnh Khoa và cho đi bác sỹ tâm lý để khám.
“Có vài lần dẫn đi bác sỹ nhưng em phản ứng không muốn đi nên mẹ thôi. Từ đó, mẹ không bao giờ làm em buồn. 7 năm sau mẹ mới chấp nhận con người thật của em, chỉ đơn giản, em cứ sống chính là em, em thấy hạnh phúc”, Khoa chia sẻ.
Đối với bạn bè, Đăng Khoa không ngại ngần nói mình là 'gay'.
Còn đối với bạn bè, Khoa không ngại ngần nói mình là ‘gay’ để tạo sự thân thiện chứ không trốn tránh. Khoa quan niệm: “Chuyện là 'gay' hay không chẳng có nghĩa lý gì, quan trọng là sống tốt, có ích cho xã hội. Em không tự hào đi nói mình là gay, mà em tự hào vì là người không vô dụng, làm được những điều mình muốn và được mọi người yêu quý, tôn trọng”.
Tự nhận mình là người hơi bảo thủ, thẳng thắn và không thích thân thiện giả tạo với người khác nên cũng có nhiều người ghét.
Chính vì thế, Khoa nghĩ rằng: “Đối với những người trêu chọc, coi thường, kỳ thị người đồng tính, gọi em là ẻo lả, ban đầu tuy có hơi buồn nhưng sau em không quan tâm và coi những người đó là nông cạn. Tự tin và hãy cố gắng sống thật với bản thân để có niềm vui trong cuộc sống thay vì giấu giếm tạo vỏ bọc. Mình cứ đối tốt với người ta thì sẽ nhận được tình cảm của họ”.
Theo Khoa, đối với những người LGBT đừng nên làm việc xấu tạo ấn tượng không tốt trong con mắt của xã hội, tránh đánh đồng người LGBT. Mặt khác, hy vọng xã hội hãy hạn chế nhắm vào chữ “gay”, “les” để nhìn nhận con người.