LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.
Bài 1: Flappy Bird khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông
Bài 2: Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?
Bài 3: Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?
“Cha đẻ” của Flappy Bird không nên gỡ bỏ game
Thật hiếm khi các báo chí tên tuổi như USA Today, BBC, Forbes,… nói về các hiện tượng công nghệ và kinh tế tốt của Việt Nam như vụ Flappy Bird những ngày gần đây. Sự kiện vừa rồi đối với Nguyễn Hà Đông mà nói, chẳng khác nào “trúng số độc đắc”, không riêng gì bạn ấy mà cả Việt Nam cũng được “thơm lây” và cơ hội này khó có thể lặp lại lần thứ 2.
Chính vì vậy, khi nghe tin “cha đẻ” của Flappy Bird quyết định rỡ bỏ game này ra khỏi các cửa hàng iOS và Android, chàng “hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Tử Quảng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Bkav) tỏ ra nuối tiếc.
“Tôi thấy rất đáng tiếc vì cơ hội không dễ dàng đến lần thứ 2 vì xác suất rất thấp. Tôi thường ví vui thành công của Nguyễn Hà Đông khi Flappy Bird lọt vào top những ứng dụng được tải nhiều nhất trên thế giới như “trúng số độc đắc” vì nó có sự may mắn đặc biệt. Lẽ ra chúng ta phải làm sao tận dụng nó, thậm chí các cơ quan chức năng phải hỗ trợ bạn ấy để tận dụng sự kiện hiếm hoi này” – ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, các cơ quan chức năng nên hỗ trợ tư vấn Hà Đông về pháp lý cũng như những vấn đề liên quan tới thuế, tài chính,… đồng thời phải biết tận dụng thời cơ này để quảng bá hình ảnh tới thế giới để người dân trên toàn cầu biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Bkav: “Cha đẻ” của Flappy Bird không nên gỡ bỏ game này mà phải kiên cường đấu tranh đến cùng.
Cũng giống như trường hợp Vũ Xuân Tiến, chàng trai Running man này đã mang đến một hình tượng đẹp, một hành động đẹp để ít nhất những người quan tâm tới thể thao, tới câu lạc bộ Arsenal sẽ biết đến Việt Nam hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Quảng đưa ra quan điểm: “Lẽ ra Hà Đông không nên gỡ bỏ game này mà phải kiên cường đấu tranh đến cùng. Bởi liên quan tới vấn đề pháp lý, không đơn thuần là chuyện đúng - sai thông thường mà nó đã diễn ra như một cuộc chiến”.
Thậm chí, giả sử khi chiến đấu về pháp lý, nếu thua thì cũng như trận chiến giữa Apple và Samsung, cùng lắm thì bên thua chỉ phải nộp phạt một phần hoặc bị cấm cung cấp hàng hóa ở một khu vực nào đó (như khu vực bị kiện chẳng hạn).
Trong trường hợp này, sở dĩ Nguyễn Hà Đông đưa tới quyết định “khai tử” Flappy Bird, theo lý giải của vị TGĐ Bkav, một phần bởi ngay từ đầu, Hà Đông đã không lường trước được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ngay khi bắt tay vào thiết kế game, Hà Đông đã không chuyên nghiệp trong việc sử dụng các hình ảnh, âm thanh có bản quyền. Chính vì vậy, khi có những thông tin trái chiều về pháp lý, Hà Đông đã không khỏi giật mình.
Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng: “Trong thế giới ngày nay, chuyện tranh chấp về pháp lý là chuyện hết sức bình thường, thậm chí nó đã trở thành một ngành công nghiệp. Các hãng di động trên thế giới thường xuyên phải tranh cãi, kiện tụng lẫn nhau, thậm chí ngay cả khi anh đúng, anh vẫn có thể bị kiện chứ chưa nói tới chuyện anh có “vấn đề” thật về mặt pháp lý”.
Vì lẽ đó, các công ty trên thế giới thậm chí phải mua hàng nghìn, chục nghìn phát minh của các hãng mà họ đã đăng ký để làm phương tiện đưa ra “đấu với nhau”.
“Có lẽ vì sự thành công của Flappy Bird xảy ra quá bất ngờ nên bản thân Hà Đông và những người xung quanh không biết cách xử lý thế nào cho đúng. Cũng vì trường hợp này rất hiếm xảy ra, Hà Đông lại đang trong quá trình học hỏi kinh nghiệm nên đã đưa ra những quyết định như vừa rồi. Đông hoàn toàn có thể thay đổi quyết định nếu nắm rõ tất cả các vấn đề trên” – ông Quảng nhấn mạnh.
Nguyễn Hà Đông cần học cách đối mặt
Những ngày qua, khi Hà Đông đã gỡ bỏ game tiền tỷ ra khỏi các cửa hàng iOS và Android với lời than thở trên Twitter "Tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa”, nhiều người đã quay sang “trách nhẹ” truyền thông, báo chí. Phải chăng, truyền thông trong nước và thế giới đã có lỗi trong cái chết của “con chim đẻ trứng vàng” Flappy Bird? Phải chăng họ đã quá xâm lấn vào đời tư của một lập trình viên trẻ tuổi khi dò dẫm đến tận nhà riêng của Nguyễn Hà Đông để khai thác thông tin?
“Có lẽ vì sự thành công của Flappy Bird xảy ra quá bất ngờ nên bản thân Hà Đông và những người xung quanh không biết cách xử lý thế nào cho đúng"
Tuy nhiên, bàn luận về vấn đề này, “cao nhân” trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nguyễn Tử Quảng cho rằng: Truyền thông không hề có lỗi. Bởi “truyền thông quan tâm mọi điều liên quan tới Nguyễn Hà Đông là tất yếu vì đó là một phần của cuộc sống. Hơn nữa, truyền thông cũng rất đa chiều, cả những người ủng hộ lẫn những người “ném đá”. Quan trọng hơn hết là chủ nhân của game này cần học cách đối mặt, cần phải có bản lĩnh để đương đầu với tất cả những điều đó, phải vững tin về những gì mình làm, vì trên đời này không có gì đơn giản cả, nhất là sự nổi tiếng luôn gắn liền với ồn ào và nhiều sóng gió”.
Ngay cả việc đến nhà, tiếp cận gia đình của Hà Đông, theo ông Quảng cũng là điều hết sức bình thường và dễ hiểu vì “khi cả thế giới quan tâm thì nhiệm vụ của báo chí là phải như thế!” – ông Quảng lưu ý.
Qua sự kiện này, ông Quảng cũng muốn khuyên các bạn trẻ không nên quá kỳ vọng vào khả năng mình có thể làm được như Nguyễn Hà Đông và việc mình có thể trở thành “một Nguyễn Hà Đông thứ 2”. Bởi dù là “trúng số độc đắc”, dù là may mắn nhưng nó cần rất nhiều điều kiện, thậm chí cả những điều kiện ngẫu nhiên. Cơ hội thành công sẽ chỉ chắc chắn nếu có sự chuẩn bị bài bản, chuyên nghiệp.