Trong buổi tọa đàm cải tạo cầu Long Biên do Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ý tưởng biến Cầu Long Biên (Hà Nội) trở thành phố đi bộ, khu bãi giữa sông Hồng trở thành công viên tự nhiên... nhận được sự hưởng ứng của nhiềungười tham dự.
Theo đó, cầu sẽ được phủ kính trong suốt và nâng thêm 3 m cho tàu thuyền dễ dàng đi lại, gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc.
Khu bãi giữa sông Hồng cũng được cải tạo, đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành công viên nghệ thuật. Riêng phần đường hai bên cầu sẽ được bố trí những tuyến phố đi bộ xanh kéo dài khoảng 4km. Trên trục này, tháp nước Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) sẽ được cải tạo thành bảo tàng cổ vật để du khách có thể dừng chân tìm hiểu về văn hóa Việt cổ.
Riêng khu 2,5 ha đất bỏ trống tại bờ phải sông Hồng (quận Long Biên), có thể xây bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình dáng tháp sen.
Tổng kinh phí để thực hiện các ý tưởng này được dự toán là 4.860 tỷ đồng và sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020.
Cầu Long Biên - phố đi bộ trong tương lai
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái. Hiện, trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris. Cầu được thiết kế theokiểu dángcủa cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orléans, Pháp với chiều dài 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa.
Cầu Long Biên trở thành một “chứng nhân” hùng hồn của lịch sử bởi những gì nó trải qua. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1(1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai của không lực Mỹ (1972), cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500 m và hai trụ lớn bị cắt đứt. Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh và phòng không Việt Nam xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5 m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa), để vẫn có thể bắn máy bay Mỹ khi có lũ cao nhất.
Bộ đội Phòng không Việt Nam dùng máy bay trực thăng cẩu pháo, khí tài chiếm lĩnh trận địa. Ngoài ra, còn có lực lượng phòng không hải quân gồm: các tàu tuần tiễu tham gia bảo vệ cầu. Các nhịp của cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới. Lịch sử sử dụng cầu Long Biên đã chứng kiến các điểm cao trên thành cầu trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ trong thời gian chiến tranh.
Sang thời bình, do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cuối năm 2005, xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.
Theo Báo Đất Việt