Cậu học trò nghèo suốt năm năm cõng bạn đến trường

Dù trời nắng hay mưa, suốt 5 năm trời Phong chưa một lần để cho người bạn tật nguyền của mình phải nghỉ dù là một tiết học.

Mỗi ngày trôi qua, cậu học trò nghèo lại cõng bạn đến trường. Đôi chân của nghị lực và niềm tin đã tiếp thêm cho người bạn tật nguyền những sức mạnh vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Câu chuyện cảm động về tình bạn được các em học sinh tại Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) truyền nhau đẹp như một truyện cổ tích có thực trong đời thường. Câu chuyện ấy không được viết nên bởi những trang giấy trắng với ngàn mỹ từ xa hoa bóng bẩy hay màu mực tím thơm mùi hoa sữa, mà nó được viết bằng đôi chân kiên trì, chịu khó của một cậu học trò nghèo với những hành động thiết thực mỗi ngày. Những hành động nhỏ nhoi ấy thấm dần vào trí nhớ của mỗi cô cậu học trò nơi đây. Nó minh chứng cho một tình bạn không bao giờ phai.

Từ lúc sinh ra Lê Xuân Tú đã không may bị tật bẩm sinh, lưng em gù nặng và đôi chân không thể đi lại

Hai nhân vật chính trong câu chuyện đó là Nguyễn Văn Phong (SN 1998) học sinh lớp 11 C5, người bạn tật nguyền là Lê Xuân Tú (SN 1998) học cùng lớp. Đã 2 năm nay, mỗi buổi sáng hàng ngàn học sinh cùng các thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Đức Mậu đều quen thuộc với hình ảnh một học sinh nam có nước da ngăm đen, sạm nắng cõng trên vai một người bạn tật nguyền bước lên những bậc thang vào lớp học. Điều đặc biệt là dù trời nắng hay mưa hai bạn ấy chưa một lần đi học muộn hay nghỉ không lý do.

Nhìn xuống đôi chân teo tóp của mình Lê Xuân Tú buồn bã cho biết: “Từ nhỏ em đã bị tật như vậy rồi. Hai chân không thể đi lại được, lưng thì gù như vậy. Cũng nhờ có bạn Phong mà em mới có thể tiếp tục đến trường, không phải ngồi một mình chán nản ở nhà. Có những lần bạn Phong ốm nhưng vẫn cố gắng qua nhà chở em đi học. Bạn ấy nói, nếu nghỉ một hôm sợ em sẽ không theo kịp chương trình”, Tú nghẹn ngào.

Nhớ lại lần đầu tiên cõng bạn mình đến trường, Nguyễn Văn Phong xúc động: “Lúc đó đang học lớp 7, mỗi lần tan lớp về em nhìn thấy bạn ấy buồn bã ngồi một mình đợi bố mẹ đến đón. Có những hôm gia đình đến muộn, bạn ấy chờ không được nên đã khóc rất nhiều. Thương bạn quá em đã cõng bạn ấy về nhà. Cũng từ đó sáng nào đi học là em qua nhà cõng bạn ấy đến lớp cùng, và chúng em chơi thân với nhau có chuyện gì cũng tâm sự cho nhau nghe”.

Tốt nghiệp THCS, Tú và Phong lại may mắn thi đậu vào Trường THPT Nguyễn Đức Mậu và được xếp vào học cùng một lớp. Quãng đường từ nhà đến trường xa hơn trước rất nhiều. Hàng ngày Phong cố gắng dậy thật sớm phụ giúp bố mẹ làm việc nhà rồi lại đạp xe qua đón Tú đi học. Tới trường Phong lại cõng Tú từ nhà để xe lên căn phòng ở tầng hai của trường để học bài. Không những thế, Phong thường xuyên sang nhà cùng người bạn tật nguyền ôn bài. Điểm nào Tú không hiểu Phong lại cùng bạn tìm cách giải thích, cùng nhau phấn đấu trong học tập.

Chị Nguyễn Thị Tâm (mẹ em Tú) tâm sự: “Khi cháu học xong THCS, tôi và gia đình cũng định cho cháu ở nhà vì sức khỏe yếu. Với lại đường sá xa xôi, nhưng biết Phong lại học cùng lớp nên gia đình yên tâm tiếp tục cho cháu đến trường. Gia đình tôi coi Phong như một thành viên trong nhà. Nhờ có cháu ấy mà con tôi có thể hoàn thành hết chương trình. Nếu phải nghỉ học ở nhà chắc Tú sẽ buồn lắm vì nó rất ham học”.

Ở nhà mọi sinh hoạt cá nhân của Tú đều nhờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ. Đến trường, người bạn thân Nguyễn Văn Phong luôn giúp đỡ em trong mọi sinh hoạt cá nhân. Từ việc lật từng trang sách, đến đi vệ sinh. Nhìn sang người bạn thân, Tú tâm sự: “Giá mà em có thể thi đại học để được tiếp tục đến trường cùng với Phong. Em ước sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ thật giỏi để chữa trị cho những người không may mắn như em”.

Dù chặng đường tương lai phía trước sẽ còn vô vàn gian nan với cậu học trò khuyết tật Lê Xuân Tú, nhưng với em chính những ngày được đến trường bằng đôi chân của người bạn đã tiếp thêm cho em nghị lực và niềm tin để tiếp tục cố gắng hơn nữa. Tình bạn đẹp ấy sẽ còn được kể lại cho lớp lớp học sinh nơi đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại