Thu phí với giá “cắt cổ”
Cầu gỗ bắc qua đầm Ô Loan, huyện Tuy An (Phú Yên) có chiều dài hơn 241m, rộng hơn 1,5m, được lắp đặt, chống đỡ tạm bợ bằng những cây gỗ tròn có đường kính hơn 10cm, nối hai xã An Ninh Đông và An Hải vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng lại được thu với giá “cắt cổ” 4.000 đồng/lượt cho một người điều khiển xe mô tô (tùy theo số lượng người chở trên xe mô tô, phí sẽ tăng thêm 1.000 đồng/người) mà không có phiếu thu khiến người dân địa phương và khách vãng lai bức xúc.
Nhiều người phân bua, đất nước ngày càng phát triển, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ đồng bằng đến miền núi, trong đó chú trọng tạo đường thông, hè thoáng để phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội… Thế mà tại đây vẫn còn cảnh thu lộ phí qua cây cầu mất an toàn, chẳng khác gì “ngăn sông, cấm chợ”.
Thu phí với giá “cắt cổ” tại cầu gỗ An Hải
Đáng buồn hơn, khi biết cầu không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thậm chí đã bị sập nhiều lần gây tai nạn, uy hiếp tính mạng của người dân, từng giờ, từng phút tiềm ẩn mất an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ… mà chính quyền địa phương vẫn tiếp tục giao cho tư nhân tổ chức thu phí với giá “cắt cổ” gây khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Chủ tịch UBND xã An Hải, huyện Tuy An Huỳnh Ngọc Hân cho biết, địa phương hợp đồng giao cho tư nhân thu phí cầu với thời hạn 12 năm (từ năm 1998-2010), nhưng đến năm 2009, mưa lũ phá hỏng gần như toàn bộ. Để có kinh phí sửa chữa cầu, UBND xã đã tạo điều kiện cho tư nhân thu phí theo giá được duyệt (xe mô tô giá 3.000 đồng/lượt; xe đạp và người đi bộ giá 1.000 đồng/lượt).
Để giải quyết tình trạng trên, từ tháng 12/2007 tỉnh Phú Yên đã cho khởi công xây dựng cầu bê tông An Hải có chiều dài hơn 177m, rộng 9 mét, tổng kinh phí khoảng 26 tỉ đồng thay cho cầu gỗ tạm bợ bắc qua đầm Ô Loan. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành sau 15 tháng, nhưng đến nay vẫn chơi vơi giữa dòng nước.
Sửa chữa liên tục… vẫn sập
Ngày 22/12, Chủ tịch UBND xã An Hải, huyện Tuy An (Phú Yên) Huỳnh Ngọc Hân cho biết, đơn vị thu phí đã thay các trụ đứng, đà ngang, dọc và lót ván dầm cầu gỗ An Hải bắc qua đầm Ô Loan với kinh phí hơn 50 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã triển khai 4 đợt gia cố, sửa chữa cầu, tổng kinh phí 110 triệu đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa an toàn của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng của huyện cũng đã kiểm tra độ an toàn cầu gỗ, đồng thời tăng cường kiểm soát việc thu phí theo quy định. Sắp tới địa phương sẽ đề nghị các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra chất lượng cầu, đảm bảo an toàn giao thông đi lại trước, trong và sau Tết.
Liên tiếp xảy ra sập cầu làm nhiều người rơi xuống đầm
Theo ông Hân, thời gian qua địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, duy tu cầu gỗ An Hải. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chính quyền và nhân dân xã An Hải đang rất cần cây cầu bê tông được triển khai xây dựng từ năm 2007 nhưng không biết bao giờ mới hoàn thành, buộc phải duy tu sửa chữa cầu để nhân dân đi lại.
Được biết, bình quân một ngày, đơn vị thu phí qua cầu gỗ An Hải có doanh thu trên dưới 1 triệu đồng.
Từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra 2 vụ sập cầu gỗ An Hải. Vụ gần đây nhất vào đầu tháng 11, cầu đột ngột bị sập một đoạn dài hơn 10m, làm gần 10 người rơi xuống đầm Ô Loan. Rất may chỉ thiệt hại tài sản, không gây thương vong về người.
Theo Bình Minh
ANTD