Hưởng ứng ngày quốc tế Người khuyết tật 3/12, nhóm Hỗ trợ nạn nhân bom mìn (LSAG- Landmine Survivors Group) đã phối hợp với Đoàn thanh niên ĐH FPT tổ chức chương trình giao lưu với sinh viên với chủ đề: “Cuộc sống không có giới hạn” vào ngày 28/11 tại Trường ĐH FPT, Hà Nội.
Đức Huynh – người lập ra nhóm hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chia sẻ: “Mình mong muốn các bạn trẻ hiểu biết thêm về nạn nhân bom mìn và khó khăn của họ. Từ đó có thể chia sẻ, giúp đỡ họ hòa nhập vào cuộc sống, cộng đồng”.
Hiện nay, mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những tàn dư của nó vẫn đeo đẳng, đe dọa tính mạng của con người. Năm 1994,vụ nổ bom kinh hoàng đã khiến khuôn mặt của Nguyễn Đức Huynh (Quảng Trị) hoàn toàn biến dạng; vụ nổ mìn đã khiến cậu bé Hồ Văn Lai mất đi đôi chân, đôi tay của mình. Còn có rất nhiều nạn nhân khác vẫn từng ngày từng giờ…chống chọi với sự sống, tự lực vươn lên để cống hiến cho xã hội.
Chương trình "Cuộc sống không có giới hạn" giúp kéo mọi người đến gần nhau hơn, mong nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các bạn sinh viên và có cái nhìn tích cực, cảm thông đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.
Xúc động khi tham gia chương trình ý nghĩa này, ca sỹ Đinh Mạnh Ninh chia sẻ: “Mình không nghĩ một người có hoàn cảnh như vậy lại có thể làm được việc như thế này, đó là đứng ra liên kết nhiều người và tổ chức được chương trình ý nghĩa vậy. Mình cảm động vì hiện nay rất nhiều bạn trẻ sống đầy đủ, buông thả, thiếu ý thức vươn lên trong cuộc sống mà ỉ lại gia đình. Mình rất vui vì được đứng đây để chia sẻ với các bạn – những người bạn rất kiên cường”.
Một trong số ấy là Hồ Văn Lai (Đông Hà, Quảng Trị) hiện nay đang là tân sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cậu xót xa nhớ lại vụ nổ cướp đi cơ hội được học tập, vui chơi của mình: “Mùa hè năm 2010, khi tôi 10 tuổi, tôi cùng 3 đứa em chơi ở bãi cát. Một tiếng nổ xảy ra, tôi thấy thân hình nóng rát, vang vang tiếng khóc của ai đó. Cho đến tận bây giờ, tôi không quên được cảm giác đó, trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ lại và giật mình tỉnh dậy. Tôi mất 4 tháng để chữa trị và 1 năm điều trị ở nhà. Tôi không còn cơ hội tự cảm nhận quả bóng bằng đôi chân của mình nữa”.
Lai luôn có khát vọng khám phá tri thức, làm chủ cuộc sống, làm việc có ích cho xã hội. Nhưng vụ nổ bom mìn đã cướp đi của cậu tất cả. Mặc dù khó khăn là phải làm sao cố gắng hòa đồng với các bạn, cậu bé Lai không bao giờ từ bỏ ước mơ được đi học vì cậu cho rằng đó là niềm hạnh phúc lớn lao.
Sự nỗ lực của cậu được đền đáp khi cậu được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin. “Đó là ước mơ của em. Khi em cầm tờ giấy quyết định tuyển thẳng, trong mơ em cũng không nghĩ đến”.
Chia sẻ về nỗi đau thực trạng còn rất nhiều nạn nhân bom mìn, Hồ Văn Lai nói: “Tôi thực sự đau lòng khi từng ngày từng tháng xảy ra vụ nổ bom, mìn khiến nhiều người chết, bị thương. Nhiều người lo sợ do phế liệu của chiến tranh để lại, nó sẽ theo họ suốt cuộc đời”.
Còn Nguyễn Đức Huynh – cậu bé không có mặt do hậu quả của chiến tranh để lại, đã 12 lần phẫu thuật khuôn mặt, cậu vẫn đang tâm huyết theo đuổi mục đích gắn kết các nạn nhân bom mìn để giúp họ hòa nhập, có công ăn việc làm để cống hiến cho xã hội. Theo Huynh thì một cuộc sống có ý nghĩa là giúp đỡ được người khác.