Quang cảnh tại một công trường khai thác than ở thị xã Cẩm Phả thuộc Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng. Đây là đơn vị quân đội có nhiều công ty khai thác than nằm rải rác trên địa bàn Quảng Ninh.
Có 2 loại công trình, công trình khai thác than lộ thiên và khai thác hầm lò. Để tìm than, những công nhân phải trải qua nhiều cực nhọc, vất vả. Trong ảnh là những chiếc cột thủy lực chống trong hầm tại lối vào lò chợ. Phương pháp của khai thác hầm lò là chống đến đâu đào bới tới đó.
Công việc nặng nhọc nhất của công nhân hầm mỏ là khuân vác những chiếc cột thủy lực nặng cả trăm kg trong điều kiện tối tăm, trơn trượt. Nhiều năm về trước từng xảy ra một số vụ sập hầm hoặc bục túi nước... gây thiệt mạng nhiều công nhân.
Một công nhân đang chuẩn bị thuốc nổ để phá một khu vực mới dò tìm than. Theo lãnh đạo một công ty, hiện nay công nghệ và kỹ thuật khai thác than hầm lò ở Việt Nam nhìn chung chưa có nhiều đổi mới.
Than vẫn được khai thác thủ công từ khâu khoan nổ, đào chống, xúc, vận tải...
Môi trường và điều kiện lao động dưới hầm lò rất nặng nhọc, thiếu ánh sáng, sức khỏe công nhân hao tổn.
Mới làm việc tại hầm lò được 2 năm, chàng công nhân quê Thái Bình Phạm Văn Hiến (25 tuổi) cho biết, để làm được công việc này phải có lòng yêu nghề chứ chưa dám nói đến sự gắn bó lâu dài.
"Mỗi lần những dòng than chảy xuống, chúng tôi cảm thấy tự hào và sung sướng như gặt hái được điều gì đó. Chính điều đó cũng một phần giúp chúng tôi gắn bó với nghề hơn", Hiến tâm sự.
Đoàn tàu nhỏ chở những chuyến than từ trong hầm. Theo lãnh đạo công ty, thu nhập công nhân trung bình 7-8 triệu đồng/tháng, người nào cao có thể tới 20 triệu tùy theo công sức, thành quả thu được.
So với công nhân nhiều ngành nghề khác, thu nhập như vậy của công nhân mỏ là cao nhưng hàng năm ngành than vẫn có nhiều công nhân bỏ việc.
Cảnh tan ca 1 lúc 14h30, những công nhân mệt mỏi ra khỏi hầm lò. Sau khi đi bộ nhiều cây số từ dưới lòng đất lên, một công nhân trẻ trở về với khuôn mặt lấm lem.
Và không thể không tắm rửa sau giờ làm việc.
Theo Hoàng Hà
VNE