Tình hình chính trị trên thế giới hiện nay vẫn đang trong tình trạng bất ổn bởi mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước với nhau hay xung đột trong chính nội bộ mỗi nước. Các bên liên quan hiện vẫn chưa có được giải pháp tích cực nhằm giải quyết những căng thẳng đó.
Căng thẳng Trung – Mỹ
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc luôn trong tình trạng căng thẳng cả về mặt kinh tế lẫn quân sự.
Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc vẫn định giá thấp đồng tiền của họ một cách giả tạo, nhằm khuyến khích xuất khẩu một cách bất bình đẳng.
Ngoài ra, các công ty Internet Mỹ làm ăn tại Trung Quốc thì luôn kém hiệu quả do nước này luôn kiểm duyệt nội dung và ngăn chặn nhiều trang web nước ngoài. Trong tháng 3, Tập đoàn Google đã đóng cổng đường truyền tiếng Trung Quốc ở đại lục của họ và bắt đầu chuyển sang Hồng Kông, sau khi phải chịu một cuộc tấn công mạng tinh vi mà họ cho rằng bắt nguồn từ bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc thì cũng cáo buộc Tổng thống Obama gây tổn hại đến các mối quan hệ bằng việc gặp Đạt Lai Lạt Ma. Bắc Kinh lo ngại khu vực Tây Tạng sẽ đấu tranh giành độc lập, khi đó sẽ lấy đi 1/6 lãnh thổ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng vẫn là một điểm nhức nhối trong quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh phản ứng rất gay gắt sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai gói hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỉ USD.
Tàu ngầm động cơ diesel - một trong 4 loại vũ khí phòng thủ Mỹ sẽ bán cho Đài Loan
Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực tái xác lập vị thế ở Thái Bình Dương sau những sa lầy ở Iraq và Afghanistan.
Tên lửa Patriot Mỹ được bố trí trên lãnh thổ Nhật Bản
Quan hệ Hàn Quốc -Triều Tiên
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã để lại hậu quả hai miền Triều Tiên ngăn cách bởi khu vực phi quân sự và đây chính là nguồn gốc cho mọi mâu thuẫn xảy ra giữa hai nước.
Ngày 26-3-2010, mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đặc biệt căng thẳng hơn khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đã chính thức đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng vì vụ việc này.
Tiếp đến, ngày 23-11-2010, Triều Tiên bắn gần 200 loạt pháo hạng nặng vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc gần biên giới tranh chấp, khiến nhiều ngôi nhà bị cháy và 4 người thiệt mạng. Hàn Quốc bắn 80 quả pháo đáp trả và điều máy bay quân sự đến khu vực này.
Khói đen đang bốc lên trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc
Gần đây nhất, mâu thuẫn giữa hai nước lại nổi lên khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ cho phép các tín đồ Cơ đốc bật đèn trên ba tháp Giáng sinh có độ cao 30 m gần biên giới với Triều Tiên trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Uriminzokkiri, trang tin chính thức của Triều Tiên, gọi ý định thắp sáng tháp của Hàn Quốc là “hành vi cố ý gây chiến tranh tâm lý” chống lại Triều Tiên hòng truyền bá đạo Cơ đốc sang người dân và binh sĩ Triều Tiên.
Binh sĩ Triều Tiên canh gác trong làng Panmunjom thuộc khu vực phi quân sự giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên hôm 2/12
Quan hệ Mỹ - Iran
Washington đã cắt quan hệ ngoại giao với Tehran sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi những người biểu tình bao vây Đại sứ quán Mỹ và 52 người Mỹ bị bắt cóc trong hơn 400 ngày.
Gần đây, căng thẳng trong quan hệ song phương tiếp tục leo thang khi Mỹ cùng các nước phương Tây gia tăng áp lực và các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Tehran chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Thậm chí mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã trở nên xấu đi một cách nghiêm trọng sau khi Chính phủ Mỹ cáo buộc nhân viên mật vụ của Iran liên quan đến âm mưu ám sát Đại sứ Arab Saudi tại Mỹ hồi tháng 10 vừa qua.
Ngày 8-12, BBC cũng đưa tin Iran đã “bắt giữ” gần biên giới Afghanistan một chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Trước đó, Mỹ cho biết họ bị mất một máy bay không người lái do bị trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên phía Iran cho rằng họ đã phát hiện chiếc máy bay này và “bắt được” vào ngày 4-12 khi nó bay trên bầu trời thành phố Kashmar.
Chiếc máy bay không người lái của Mỹ mà Iran thu giữ được hôm 4/12
Quan hệ Trung Quốc - Philippin
Thời gian gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippin có dấu hiệu ngày càng xấu đi do các tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Theo báo "Nikkei", sau khi Trung Quốc thực hiện án tử hình đối với ba công dân Philippin vì tội buôn lậu ma túy vào ngày 30/3 đã khiến nhiều người dân nước này cảm thấy rất bất bình với Bắc Kinh.
Ngay sau vụ hành quyết trên, chính phủ Philippin đã có một số động thái cứng rắn nhằm đáp trả hành động của Bắc Kinh. Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippin đã tuyên bố sẽ đầu tư 180 triệu USD để cải tạo đường băng trên đảo Pagasa và triển khai một số khí tài quân sự tại các đảo mà nước này đang chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Một nhóm nghị sĩ Philippin đã bay tới đảo Pagasa hôm qua và tuyên bố đó là lãnh thổ của Philippin
Ngoài ra, căng thẳng giữa hai nước lại gia tăng sau khi xảy ra vụ đối đầu giữa tàu khảo sát dầu khí của Philippin và tàu tuần tiễu của Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Rong trên quần đảo Trường Sa.
Theo Thời báo Manila, trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, Manila đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải tranh chấp và tấn công các tàu của Philippin.
Giới phân tích Nhật Bản cho rằng quan hệ chính trị căng thẳng giữa hai nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ về thương mại.
Đảo Pagasa
Căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan vốn đã rạn nứt do một loạt sự cố trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Pakistan nay tiếp tục lún sâu hơn với những cáo buộc gay gắt mà các chỉ huy quân sự Mỹ nhắm vào Pakistan nhằm buộc Islamabad tăng cường cuộc chiến thanh trừng khủng bố cực đoan ở vùng bộ lạc rừng núi tây bắc.
Tại cuộc điều trần chung với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta trước Quốc hội Mỹ ngày 22/9, Đô đốc Mullen đã cáo buộc mạng lưới phiến quân Haqqni ở Pakistan - thủ phạm gây ra vụ tấn công hàng loạt vào đại sứ quán Mỹ, trụ sở NATO và vài tòa nhà khác ở Kabul ngày 13/9 làm chết 7 người và rằng vụ tấn công đó là một màn "dàn dựng" của an ninh Pakistan.
Ngày 28/9, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã phát một tín hiệu cứng rắn nhằm đáp trả đòn áp lực mạnh của Mỹ tuần trước. Ông Gilani phát biểu rằng, Pakistan sẽ không khuất phục trước áp lực của Mỹ đòi tăng cường cuộc chiến chống nhóm phiến quân Haqqani.
Biểu tình chống Mỹ ở Karachi
Nhưng cho dù Mỹ có gây sức ép mạnh thì cũng không làm thay đổi được chiều hướng là Pakistan cũng đang quay lưng với Mỹ và “hướng Đông” qua động thái bắt tay với Trung Quốc.
Lính Mỹ tuần tra gần biên giới giữa Afghanistan và Pakistan
Căng thẳng về chính trị vẫn đang tiếp tục leo thang trên khắp thế giới. Giữa các nước hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết những mâu thuẫn và ứng xử của các nước lớn có ảnh hưởng rất nhiều tới cục diện chính trị. Tuy vậy, các bên liên quan vẫn nỗ lực đang tìm kiếm những biện pháp hòa bình để giải quyết những xung đột đó.
Kim Oanh
(Tổng Hợp)