Tục ngữ Việt có câu “cái răng, cái tóc là góc con người” và hàm răng đen nhánh hạt na chính là biểu tượng cho vẻ đẹp, cái duyên của phụ nữ Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Cũng như nhiều dân tộc vùng Đông Á, tục nhuộm răng xuất hiện ở Việt Nam từ hàng nghìn năm trước (theo các truyện cổ tích và truyền thuyết Việt Nam) và được tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu ở người phụ nữ.
Tục nhuộm răng đã trở thành nét văn hóa không chỉ của cộng đồng người Kinh mà tồn tại ở cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Mường, Dao, Lự, Si La… sống trên dải đất Việt Nam.
Vẻ đẹp của hàm răng đen đã đi vào thi ca, ca dao như một cái đẹp chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam “Răng đen ai nhuộm cho mình. Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say”.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi nền văn minh phương tây xâm nhập mạnh mẽ vào nước ta cùng với phong trào đấu tranh đòi bình quyền cho nữ giới, trào lưu để răng trắng tự nhiên cũng rầm rộ phát triển, tục nhuộm răng đen dần mai một.
Dù vẫn tồn tại đến ngày nay nhưng vẻ đẹp phụ nữ được tôn vinh từ hàng ngàn năm trước đã trở nên xa lạ với đa số phụ nữ thời nay.
Những nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” từng làm say đắm biết bao thế hệ nam nhi nay chỉ còn được sở hữu bởi số ít phụ nữ lớn tuổi ở các vùng miền.
Hàm răng đen nhánh hạt huyền từng là biểu tượng cho nét nét đẹp của phụ nữ xưa nay chỉ còn được lưu giữ bởi những phụ nữ lớn tuổi người Kinh.
Tại lễ hội Đền Sọ (Sóc Sơn - Hà Nội) nhiều cụ bà vẫn giữ được nụ cười "răng nhánh hạt huyền" xưa.
Cùng có chung tập tục nhuộm răng đen nhưng cũng giống như mọi nơi ngày nay nét đẹp này hầu như chỉ còn tồn tại trong nụ cười của phụ nữ lớn tuổi người Mường ở Lạc Sơn - Hòa Bình.
Những cụ bà người Mường ở Lạc Sơn còn giữ thói quen rít thuốc lào được truyền từ nhiều đời.
Nụ cười mang nét duyên xưa của cụ bà người Mường vùng Tân Lạc - Hòa Bình.
Cùng với "răng đen nhức nhức hạt dưa", thói quen ăn trầu cũng hầu như chỉ có ở những phụ nữ lớn tuổi người dân tộc Thái ở huyện Quế Phong - Nghệ An.
Nụ cười mang nét duyên xưa của cụ bà người Thái ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Những cô gái người Thái lớp trẻ ở Quế Phong hiện nay hầu như không ai còn nhuộm răng đen nữa.
Cụ bà người Thái ở bản Hoa, xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La còn giữ màu răng đen phổ biến thủa xưa.
Cụ bà người Thái ở xã Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái trở về nhà sau buổi lên nương.
Tập tục nhuộm răng đen xưa còn có ở cộng đồng dân tộc Dao.
Không ít phụ nữ người Dao ở độ tuổi trung niên vùng Hàm Yên - Tuyên Quang cũng vẫn sở hữu hàm răng đen nháy.
Cụ bà người Dao ở Đà Bắc - Hòa Bình.
Cũng như phụ nữ Dao ở Hàm Yên, khá nhiều phụ nữ trung niên dân tộc Lự ở Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu cũng sở hữu nụ cười được tôn vinh xưa.