Theo đó, cứ đến tháng 9, tháng 10 và tháng 11 (âm lịch) hàng năm là những hộ dân tại các huyện như An Lão (Hải Phòng) hay Tứ Kỳ (Hải Dương) lại háo hức với những mẻ rươi mang lại tiền triệu, thậm chí cả trăm triệu mỗi ngày.
Mỗi lần nhấc săm, người đánh bắt có thể thu về 15 đến 20kg rươi. Đặc biệt nếu gặp ngày “mưa rươi”, một lần nhấc săm có thu về từ 40kg đến 50kg.
Theo quan sát của chúng tôi thì lượng rươi đánh bắt có thể lên đến vài tạ, thậm chí là cả tấn, nhưng khi vừa lên bờ đã được các lái buôn nhập hết.
Tại gia đình anh Trần Đình Tuất, tại thôn Tân Thắng, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng (một trong những gia đình có diện tích đầm rươi lên đến 3,4 hecta), không khí mua bán rươi diễn ra tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một dân buôn rươi có thâm niên cho biết: “Để có được những mẻ rươi tươi và ngon, chúng tôi phải đến từ sáng sớm.
Có những hôm phải đi từ 2, 3 giờ sáng để lấy hàng tận gốc, vì lúc đó rươi nổi mình phải có mặt kịp thời để lấy hàng".
Theo kinh nghiệm của những người buôn rươi, thì việc mua tận gốc rươi vẫn là tốt nhất.
Tuy nhiên, hiện nay với hình thức cấp đông (một hình thức bảo quản rươi mới) giúp rươi có thể bảo quản được lâu hơn, để khi đem đến chợ rươi vẫn con tươi đồng thời có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Dân gian có câu “Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy” chỉ sự sinh sôi đỉnh điểm của rươi.
Ngoài những lái buôn đến mua rươi tận gốc với số lượng lớn từ 20kg đến 50kg thì cũng có những người mua với số lượng hạn chế để làm quà hoặc về dùng trong gia đình.
Dưới đây là một số hình ảnh về khung cảnh tấp nập của các lái buôn lấy hàng ngay tại đầm rươi.