Cận cảnh loài trăn cộc "đẹp như kiệt tác" ở Việt Nam

Y.Dương |

Trăn cộc có thân hình mập mạp, màu sắc và hoa văn đẹp lạ nên được nhiều người săn bắt để phục vụ làm cảnh.

Theo thông tin trên tờ Sài Gòn tiếp thị, loài trăn cộc Python brongersmai là loài bò sát quý hiếm, sau một thời gian tưởng như "biệt tích" đã được phát hiện ở khu vực Vườn Quốc gia Lò Gò – Sa Mác (Tây Ninh).

Loài trăn này có đầu nhỏ hình tam giác, ở mỗi bên mép trên có hai hõm vảy nằm sát đầu mõm. Loài trăn này không chỉ ngắn, mập mà còn có nhiều màu sắc phong phú trên từng cá thể như đen, đỏ thẫm, vàng ngọc và trắng với hoa văn rất lạ, đẹp.

Trên tờ Sinh vật rừng Việt Nam, tác giả Phùng Mỹ Trung viết: "Sau nhiều năm gần như được cho là “biệt tích” ở nước ta, hiện nay, những cá thể trăn cộc Python brongersmai đã không chỉ còn là những nghi vấn khi được tìm thấy trong tự nhiên ở Việt Nam.

Điều quan trọng lúc này là rất cần sự chung sức đồng lòng của cộng đồng nhằm bảo vệ loài bò sát đẹp như kiệt tác này".

Trăn cộc nằm trong số 3 loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam. Loài trăn này có chiều dài cơ thể không vượt quá 2 mét. Chúng nằm trong danh sách các loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh về loài trăn cộc Python brongersmai:

Đầu của trăn cộc. (Ảnh: Dân Việt)

Trăn cộc Python brongersmai. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung/RVN)

(Ảnh: Serpentes.cz)

(Ảnh: Serpentes.cz)

(Ảnh: Dân Việt)

(Ảnh: Dân Việt)

Theo báo Quảng Ninh, tháng 3/2014, Hạt Kiểm lâm huyện Cô Tô cùng với UBND thị trấn Cô Tô tổ chức thả một cá thể trăn cộc về với tự nhiên. Đó là trăn cái có chiều dài 2,3m, trọng lượng 6,7kg, đường kính thân lớn nhất khoảng 23cm.

Con trăn cộc được Hạt Kiểm lâm huyện Cô Tô cùng với UBND thị trấn Cô Tô thả về tự nhiên. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

"Con trăn này do ông Lê Văn Thuẫn (SN 1971, trú tại khu 2 thị trấn Cô Tô, Quảng Ninh) bắt được vào ngày 16/1/2014 trong khi đi làm công trình tại quê nhà ở xã Bình Xuân (Thụy Xuân – Thái Bình).

Ông Thuẫn cho biết, dù rất nhiều người trả giá cao để mua lại con trăn trên nhưng ông biết được đây là loại động vật quý hiếm nên đã tự nguyện mang ra địa phương giao nộp do tại quê nhà không có rừng cho trăn sinh sống" - nguồn trên viết.

(Tổng hợp)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại