Hàng ngày, chủ nhân của 5 cây thị này vẫn luôn bận rộn với công việc “hướng dẫn viên” cho du khách đến chiêm ngưỡng cây và chăm sóc chu đáo cho gốc thị gần nghìn năm tuổi. Đó là ông Lê Minh Thưởng (73 tuổi) và vườn thị “cổ thụ” an lạc trên địa bàn làng Xuân Tình, thuộc xóm 2, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Ông Lê Minh Thưởng đang giới thiệu với quan khách đến thăm, chiêm ngưỡng 5 cây thị cổ trong vườn.
Trong 5 cây thị, có một cây cho quả không hạt. Cây lớn nhất có chu vi khoảng 15m, được đặt tên là cây thị tổ, cho mỗi quả nặng khoảng 1kg. Có cây già cỗi, ruột mục rỗng nhiều đời nay, tạo thành những cái hốc trong ruột cây chứa được khoảng 3-5 người, nhưng cành, lá vẫn xanh tốt.
“Nhiều người đến xin đào cây nhỏ trong vườn tôi hay chiết cành về trồng, nhưng cây đều không sống, chỉ có thể đợi mùa thị lấy hạt về đúc thì cây mới lên được. Trong vườn, ngoài năm cây thị cổ còn có gần chục cây con tuổi đời từ hàng chục năm đến trăm năm, được trả giá 150 triệu đồng/cây, nhưng chúng tôi cũng không bán. Bởi chúng tôi muốn bảo vệ, gìn giữ vườn thị tự nhiên, để mọi người đến chiêm ngưỡng”, ông Thưởng cho biết thêm.
Cứ đến đầu mùa thị, người dân trong làng trong xã lại đến xin hái quả về đặt lên bàn thờ, thắp hương lấy may. Trẻ con trong làng đến chơi trò trốn tìm trong các hốc cây và hái thị ăn. Cả họ, cả làng ăn không hết, vợ chồng ông Thưởng đưa thị ra chợ bán. Năm cây thị được coi là báu vật của dòng họ và nhân chứng, máu thịt của làng, xã ven biển xứ Nghệ.
“Năm 2004, khi một tốp người Trung Quốc đóng giả là thương nhân Quảng Ninh tìm đến trả giá 5 cây thị 150.000USD, chúng tôi mới biết 5 cây thị của họ tộc để lại có giá trị vật chất lớn vậy. Nay thì hàng tuần nhiều người Việt mình đến gạ mua, có người trả giá hơn 10 tỉ đồng cả 5 cây. Hệt như chuyện cổ tích anh à, không ngờ họ trả giá tiền cây thị cao như vậy, nhưng chúng tôi nhất quyết lắc đầu, không bán. Tôi từng có gần 10 năm làm trong Phủ Chủ tịch và hàng chục năm làm trong ngành lực lượng vũ trang nên phát hiện được nhóm người đầu tiên đến tìm mua thị là người Trung Quốc đóng giả thương nhân Quảng Ninh”, ông Thưởng đứng dưới tán cây thị sum suê nói.
Năm cây thị cổ đã được các nhà khoa học xác định có tuổi 670 năm và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ngày 16.3.2012, Gia tộc họ Lê cùng gia đình ông Thưởng đã tổ chức đón nhận và gắn biển cây Di sản văn hóa quốc gia cho 5 cây thị cổ do Hội Thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam trao tặng. Ông Thưởng nói: “Trở thành cây di sản, tức là cây của Nhà nước thì việc quản lý, bảo vệ cây khó khăn hơn. Trước mắt, hàng ngày tôi sẽ chăm sóc và dọn vườn sạch sẽ, làm hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan vườn thị. Sau này tôi không còn sức khoẻ thì sẽ bàn giao vườn thị lại cho con trai”.
Mới đây, vào sáng 30/4/2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận, chính thức tôn vinh rặng thị ở phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng là Cây di sản Việt Nam. Đây là quần thể cây di sản thứ 3 trên địa bàn Đồ Sơn được vinh danh, sau quần thể cây đa búp đỏ ở đảo Dấu và hai cây đa ở khu biệt thự của công ty CP Du lịch Đồ Sơn.
Theo các cụ cao niên ở Đồ Sơn, sự trường tồn của rặng thị là một trong những yếu tố thể hiện rõ đặc trưng của một vùng long khí thịnh vượng có huyệt đất quý, cơ sở dựng lên tháp Tường Long linh thiêng cho đến ngày nay. Nhà sư Phạm Ngọc sau khi đánh giặc ngoại xâm trở về ngắm nhìn bóng rặng thị xanh tươi kỳ vĩ, người tâm niệm gắn bó với rừng núi Đồ Sơn để cùng với dân làng Đồ Sơn chu chỉnh tháp Tường Long.
Hiện nay, cả nước có 106 cây cổ thụ được vinh danh là Cây di sản Việt Nam