Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được công bố chiều 15/11 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đứng đầu danh sách những người bị tín nhiệm thấp với 192 phiếu.
“Buồn nhưng vẫn phải chấp nhận”
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, với tư cách là đại biểu Quốc hội và là người làm trong ngành Y tế, bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ: “Tôi cảm thấy buồn với tư cách đồng nghiệp. Kết quả này phản ánh phần nào việc chưa nỗ lực hết mức. Với tư cách cử tri, tôi buồn vì chúng ta đi theo định hướng XHCN những ngành giáo dục, y tế, văn hóa vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri”.
“Là cán bộ trong ngành, chúng tôi buồn, với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn buồn hơn. Nhưng chúng tôi phải sẵn sàng đón nhận trách nhiệm của mình. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, tín nhiệm thấp chính là cảnh báo của cử tri để cán bộ đó phải điều chỉnh, phải quyết liệt hơn nữa. Bộ trưởng của chúng tôi cũng đã rất quyết liệt, nhưng còn lý do chủ quan, khách quan, không thực hiện hết các nguyện ước của mình. Những vấn đề còn tồn tại của ngành Y tế không phải trách nhiệm của mình Bộ trưởng”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói tiếp.
Đại biểu Phong Lan cũng cho rằng, ngành Y tế sẽ phải xem xét về cơ chế thông tin để cử tri, nhân dân hiểu và chia sẻ hơn nữa về gánh nặng của ngành. Các đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá công bằng. Ví dụ như Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ở lần lấy phiếu tín nhiệm trước được xếp rất thấp, nhưng ở lần này những nỗ lực của Thống đốc đã được đại biểu Quốc hội ghi nhận.
Tăng thời lượng chất vấn, giảm thời gian đọc báo cáo
Chia sẻ quan điểm về đổi mới vấn đề chất vấn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thay vì đọc báo cáo, các đại biểu Quốc hội đều có tài liệu để nghiên cứu do đó nên tăng thời lượng chất vấn. Có một số vấn đề luôn luôn nóng, nhưng mỗi kỳ chỉ chọn 4-5 Bộ trưởng lên trả lời không thể đáp ứng được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết sẽ đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh La Thăng xem bộ trưởng có đề xuất nào để những ước vọng của mình thành hiện thực khi Bộ trưởng luôn bị vướng cơ chế, không cách chức được người này, không xử lý được người kia. Đây cũng là bài học cho các bộ khác, vì vướng cơ chế nên họ muốn nhưng không thay đổi được.
“Cơ chế đó do chúng ta đặt ra, cơ chế có thể thay đổi, nếu Bộ trưởng không thay đổi được thì Quốc hội thay đổi, chứ không nên tiếp tục đi sâu phân tích thêm cái nào làm chậm, làm dở, ai cũng biết cả rồi”, bà Phong Lan nói.
Không chỉ Bộ trưởng Đinh La Thăng, với những bộ trưởng khác nếu có dịp chất vấn tôi chỉ quan tâm họ có đề xuất gì để giải quyết tồn đọng, giải pháp để tháo gỡ tình trạng “bị bó chân, bó tay” của bộ trưởng. Không thể trách lãnh đạo khi bản thân họ không có quyền quyết định, cấp dưới làm sai không kỷ luật được, người làm giỏi cũng không đề bạt được, phải theo quy trình. Quy trình chặt chẽ là đúng nhưng trong một số trường hợp lại là rào cản. Con người là yếu tố quyết định, vì thế phải có đột phá, đột phá trước hết phải từ các bộ./.