Cán bộ ngân hàng thế chấp 700 lượng vàng giả, cuỗm gần 19 tỉ đồng

Tuấn đã cùng em ruột và bạn mình thế chấp tổng số 677 lượng vàng giả để rút gần 19 tỉ đồng.

Với trọng trách được giao là thẩm định vàng cho Phòng Giao dịch Đầm Cùng (thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Cái Nước), nên khi nghe em ruột và bạn của em mình là Hải trình bày, Dương Thanh Tuấn (nhân viên phụ trách kiểm định vàng tại Phòng giao dịch Đầm Cùng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, Cà Mau quyết định giúp.

Tuấn bày mưu cho cả 2 đối tượng này đi mua vàng giả ở các chợ trong tỉnh mang về làm tài sản cầm cố, mà Tuấn là người trực tiếp thẩm định. Và bắt đầu từ năm 2009, Tuấn đã xác nhận gần 700 lượng vàng giả của đồng bọn đưa vào là vàng thật, lập 66 hợp đồng, giải ngân cho đồng bọn chiếm đoạt gần 19 tỷ đồng chia nhau tiêu xài, trả nợ, nướng tiếp vào cá độ bóng đá và… thua hết.

Mọi việc chỉ được phát hiện khoảng 6 tháng đầu năm 2013, khi lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Cái Nước nhận thấy nhiều điểm bất thường trong việc cầm cố nên trình báo công an và đường dây do Tuấn cầm đầu bị bại lộ.

“Trong chuyện này phải nói đến trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh huyện Cái Nước. Nếu họ kiểm kê đúng quy định thì con tôi không “đổ nợ” một khoản tiền lớn như vậy”, bà Nguyễn Thị Ng. nói.

Con “đỏ đen” bạc tỷ, mẹ đi làm thuê

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, ngày 24/12, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Ng. Bà là mẹ ruột của Dương Thanh Tuấn (37 tuổi, nhân viên kiểm định vàng thuộc Phòng Giao dịch Đầm Cùng (Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Cái Nước). Bà Ng. nói trong nghẹn ngào: “Sự thật tôi không hề hay biết chuyện các con tôi chơi cờ bạc. Gia đình chúng tôi có truyền thống cách mạng nên khi sự việc xảy ra tôi như người chết đứng!”.

Bà Ng. nói trong nghẹn ngào.

Hai anh em Dương Thanh Tuấn và Dương Minh Giỏi, cùng bạn của Giỏi là Phan Văn Hải - cùng ngụ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, bị tạm giam vì đã cấu kết thế chấp gần 700 lượng vàng giả cho Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Cái Nước, để rút gần 19 tỷ đồng trả nợ cá độ đá banh và tiếp chơi trò “đỏ đen”…

Theo lời bà Ng., trước khi sự việc xảy ra, Tuấn được xem là người con mẫu mực và thành đạt trong gia đình. Sau khi học xong lớp Kỹ thuật cầm đồ, khoảng 8 năm trước Tuấn được nhận vào làm tại Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh huyện Cái Nước - nơi cha ruột của Tuấn từng làm giám đốc. “Chồng tôi trước đây nguyên là giám đốc ngân hàng này nên khi thằng Tuấn học ra trường, nó không khó để xin được việc làm. Được lãnh đạo thương, tạo mọi điều kiện cho nó hoàn thành nhiệm vụ, vậy mà con tôi lại đi vào con đường sai lầm này”, bà Ng. nói.

Sau khi có việc làm ổn định, Tuấn lập gia đình và sinh được 1 bé gái, năm nay đã học lớp 2. Cũng theo lời bà Ng., Tuấn là người quản lý tiền bạc, hàng tháng người chồng này chỉ đưa lại cho vợ vài trăm ngàn đồng tiền lương của mình, còn lại bao nhiêu Tuấn cất giữ, tiêu xài cá nhân. “Vợ thằng Tuấn là đứa con gái rất hiền, nó không bao giờ hỏi đến chuyện tiền bạc, cũng như công việc của chồng. Tối ngày nó chỉ biết chăm sóc con, đưa đón con đi học mà thôi. Hôm thằng Tuấn bị bắt, con nhỏ ngất xỉu và bệnh luôn cho tới hôm nay”, bà cho biết.

Gần 20 năm trước, gia đình bà Ng. thuộc dạng giàu có ở địa phương này. Khi ấy ông Mười H. - cha ruột của Tuấn, còn là Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Cái Nước. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, cộng thêm cái chết quá đột ngột của ông H. nên gia đình bà Ng. rơi vào cảnh bế tắc. Bà Ng. sau khi lo chôn cất chồng, còn phải lo cho 4 đứa con ăn học. Để giải quyết nợ nần mà chồng mình để lại, bà Ng. đã phải bán dần đất đai của gia đình.

“Khi thấy thằng Tuấn lập gia đình, thấy con cũng chí thú làm ăn nên tôi đã giao lại căn nhà mà vợ chồng tôi tạo dựng cho tụi nó ở. Còn bản thân tôi ra Vũng Tàu làm thuê với công việc nấu ăn. Vài năm trước, anh ruột của tôi thấy tôi cực khổ nên gọi về chia lại gần 2ha đất để tôi nuôi tôm. Trước khi thằng Tuấn và em nó bị bắt mấy ngày, tôi có bàn tính với thằng Giỏi và 2 mẹ con dự tính lên Đồng Nai làm thuê. Nhưng các con tôi bị bắt vì những sai lầm không thể tha thứ của chúng”, bà Ng. nói.

Trong số 4 người con của bà Ng., Tuấn - người con thứ 3, được coi là người may mắn nhất. Anh trai lớn của Tuấn, mấy năm trước đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, nhưng bị người ta lừa nên khi trở về nước chỉ với hai bàn tay trắng. Anh này phải làm thuê làm mướn sống qua ngày. Còn người em gái út của Tuấn thì bị bệnh thần kinh.

Chân dung Dương Thanh Tuấn.

Người em của Tuấn là Dương Minh Giỏi (30 tuổi) cũng học hành không đến nơi đến chốn nên 6 năm trước đã đăng ký đi bộ đội. Sau ngày xuất ngũ, Giỏi trở lại thị trấn Cái Nước xin vào làm thuê cho 1 doanh nghiệp tư nhân. Ai dè, sau đó Giỏi tụ tập với các đối tượng bất hảo ở địa phương này ăn chơi trác táng, để rồi kéo luôn anh trai mình vào đường tội lỗi.

Những canh bạc của cán bộ ngân hàng

Theo lời bà Ng., thì 2 người con trai của bà là Tuấn và Giỏi đã bị lôi kéo bởi đối tượng thứ 3 trong vụ án là Phan Văn Hải (34 tuổi) - cùng ngụ huyện Cái Nước. “Thằng Hải là đối tượng ăn chơi, xài tiền như nước, cũng vì thế mà gia đình nó tan nát. Phải chi 2 thằng con tôi không đi lại với nó thì chuyện chẳng cũng không đến nỗi nào”, bà Ng. khẳng định.

Phan Thanh Hải trước đây từng làm Công an thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, sau đó chuyển về làm cán bộ Phòng Tư pháp huyện Cái Nước, nhưng đã xin nghỉ việc khoảng 7 tháng trước khi bị bắt. Hàng xóm của Hải cho biết, gia đình của Hải rất giàu có, vợ Hải là tiểu thương buôn bán ở chợ Cái Nước, còn mẹ vợ là giáo viên giảng dạy tại 1 trường uy tín ở thị trấn Cái Nước. Gần 1 năm trước, vợ và mẹ vợ của Hải bị vỡ nợ nên dẫn theo đứa con trai nhỏ của Hải bỏ trốn về quê ở miền Bắc. Sau khi gia đình tan nát, Hải càng lún sâu hơn trong con đường cờ bạc. Tất cả nhà cửa đều được Hải bán hay cầm cố. Trước khi bị bắt, Hải sống nhờ tại 1 căn nhà của người quen ở khóm 1, thị trấn Cái Nước.

Ông Ngô Minh Hải - Trưởng khóm 1, thị trấn Cái Nước, nói: “Tôi cũng là bạn bè của Hải, nhưng tôi không ngờ anh ta lún sâu vào con đường sai lầm như thế. Sau khi xin nghỉ việc ở phòng tư pháp huyện, Hải chuyển hồ sơ về sinh hoạt Đảng tại Chi bộ khóm 1, nhưng chưa kịp sinh hoạt lần nào thì anh ta đã bị bắt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng năm 2003, Phan Thanh Hải kết thân với Giỏi. Cặp bài trùng này quyết định chọn… con đường “đỏ đen” để làm giàu. Nhưng giàu đâu không thấy mà chỉ thấy các khoản nợ thiếu độ bóng đá ngày càng nhiều. Cuối năm 2009, Hải và Giỏi thật sự bế tắc trước các khoản nợ kếch xù, không khả năng thanh toán, bị xã hội đen đòi xử… nên phải tìm đến Tuấn nhờ giúp đỡ. Và Tuấn bày mưu cho cả 2 đem vàng giả đến để Tuấn… thẩm định thành vàng thật, thế chấp rút tiền ngân hàng để trả nợ và chơi “đỏ đen” tiếp.

“Tôi có lần nghe các con nói, do thằng Giỏi và thằng Hải thiếu nợ bóng đá gì đó nên bị xã hội đen xuống tìm. Khi 2 đứa nó tìm đến thằng Tuấn nhờ giúp đỡ, vì thương em nên thằng Tuấn đã mắc phải sai lầm lớn dẫn đến cảnh tù tội như hôm nay”, bà Ng. cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tuấn trước khi bị bắt cũng được biết đến là 1 tay chơi thứ thiệt. Ông cán bộ ngân hàng ăn uống rất sang trọng và xài tiền như nước. Khi tham gia các trò đỏ đen, Tuấn không cần trực tiếp đến mà chỉ điện thoại, như có ai đó mời cá độ đá gà là Tuấn sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng bắt độ mà không cần tìm hiểu bên nào có gà hay. Ngoài việc đá gà, thì Tuấn có lần bỏ ra tiền tỷ để chơi cá độ bóng đá.

Bà Ng. khẳng định: “Trước khi bị bắt, thằng Tuấn có thú nhận với tôi rằng từ năm 2009 đến nay, nó phải đóng lãi hàng tháng số tiền hơn 200 triệu đồng. Vài tháng trở lại đây, thằng Tuấn không còn khả năng đóng lãi nữa nên nó nói sẽ đi đầu thú với công an, chứ con tôi không có bỏ trốn như lời người ta đồn thổi”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại