Cán bộ kiểm lâm “tiếp tay” cho lâm tặc phá nát Vườn Quốc gia

Dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin cán bộ kiểm lâm của VQG Mũi Cà Mau đã “tiếp tay” cho lâm tặc phá nát rừng đước thuộc vườn này.

Nghèo, “Hai Lúa” cũng làm lâm tặc!

Gần đây, dư luận tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin cán bộ kiểm lâm của VQG Mũi Cà Mau đã “tiếp tay” cho lâm tặc phá nát rừng đước thuộc vườn này (phần thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Để tìm hiểu chính xác, PV TT&ĐS đã có chuyến thâm nhập thực tế để ghi nhận vụ việc.

Ông Trần Văn Lếnh (57 tuổi) ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, vừa loay hoay lấy mấy khúc củi từ trong lò hầm than ra vừa nói: “Củi này lấy trong rừng ra đó! Mấy người phá rừng, họ vô đó đốn lấy gỗ đi hết rồi, người ta bỏ nhánh lại mình vô mình lấy về hầm than sử dụng, chứ mình đâu có dám đốn, người ta bắt chết à”.

Ngồi cạnh bên, vợ ông Lếnh là bà Hồng phân trần: “Trời ơi! nó đốn trống như cái sân banh luôn, có chỗ mất trắng luôn rồi! Bây giờ người ta (kiểm lâm - PV) có làm rào cản không cho xuồng, ghe vào rừng nữa, nhưng mà cản thì cản, nó (lâm tặc - PV) cũng đi hà, nó còn phá dữ hơn nữa”.  Và bà Hồng chỉ về phía bên kia sông, nói tiếp: “Đó! Khu rừng phía bên đó bị phá dữ lắm (khu rừng nằm đối diện… trụ sở Ban Quản lý VQG Mũi Cà Mau)”.

Chúng tôi được anh Trần Văn Q. (35 tuổi) - ngụ ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, nhận lời lấy vỏ lãi chở vào rừng và nhiệt tình hướng dẫn. Anh Q. nói: “Nhìn bề ngoài cây đước xanh tốt, um tùm vậy, chứ một tí vào bên trong anh sẽ biết (ý nói cây rừng bị đốn hạ rất nhiều - PV)”. Thực tế, khi chiếc vỏ lãi vừa tiến qua khỏi hạt kiêm lâm tiểu khu 5 (thuộc VQG Mũi Cà Mau), toàn bộ những cây đước dọc bờ sông chỉ còn trơ trọi gốc, số thì chết khô từ khi nào, số thì dấu đốn vẫn còn mới rươi. Không chỉ khu vực này, theo sự chỉ dẫn của anh Q., chúng tôi ghi nhận tại các cánh rừng thuộc quản lý của Trạm Kiểm lâm Cồn Cát hay Trạm Kiểm lâm Cái Đôi, Cái Mồi, Rạch Mũi, Kinh Tư hay Trại Xẻo… (thuộc VQG Mũi Cà Mau), đều xảy ra tình trạng chặt phá rừng dữ tợn.

Anh Q. bên 1 gốc đước vừa bị chặt không lâu.

“Bọn lâm tặc thường chọn nhưng nơi có địa thế dễ dàng vận chuyển gỗ ra bên ngoài như dọc theo các tuyến sông trong rừng hay các con rạch xuyên qua rừng, nhưng có điều kiện lui tới dễ dàng để chặt phá. Còn những nơi vỏ lãi khó vào, thì rừng vẫn còn nguyên”, anh Q. cho biết.

Anh Q. nói: “Kêu là “lâm tặc” vậy thôi, chứ thật ra những người vào rừng đốn gỗ là những người nông dân ở địa phương thôi”. Anh Q. kể, trước đây nguồn lợi ngoài tự nhiên như cua, cá kèo, tôm, nghêu giống… còn nhiều, mỗi ngày 1 người dân đi bắt có thể kiếm được 200.000-300.000đ. “Tuy nhiên, do hiện tại những thứ đó không còn nhiều, cuộc sống người dân khó khăn hơn nên họ mới… phá rừng lấy gỗ đem bán đó”, anh Q. giải thích.

Theo ông Phạm Phúc Qưới (hay còn gọi là Quý) - cán bộ VQG Mũi Cà Mau (phụ trách mảng an sinh cuộc sống cho người dân khu vực rừng ngập mặn ở VQG), do xuất phát từ cuộc sống nên nông dân mới phá rừng. “Đa số dân ở đây là dân nghèo, mấy ông đầu nậu lợi dụng điểm này (người dân nghèo cần tiền - PV) để đặt mua than đem về Cà Mau và một số tỉnh tiêu thụ. Do đó, một loạt người đã đi vào rừng lấy gỗ để bán, tất nhiên là vi phạm”, ông Quý cho biết.

Theo ghi nhận thực tế của PV TT&ĐS, sau khi đốn hạ gỗ xong, những lâm tặc “Hai lúa” cắt những thân đước thành từng đoạn dài chừng 2-3m rồi chuyển ra vỏ lãi. Khi chiếc vỏ lãi đã đầy gỗ, sẽ được chuyển ra sông lớn đưa về bán lại cho các lò hầm than dã chiến với giá 400.000đ/ste (ste là tên thường gọi của người dân ở đây khi bán gỗ cho các chủ lò than, tương đương khoảng 1m3 gỗ - PV). Sau đó, gỗ đước sẽ được các chủ lò than hầm thành than và được đầu nậu đến thu gom đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM. Giá mỗi kg than được chủ lò bán cho các đầu nậu thu gom dao động từ 6.000 - 7.000đ.

Bọn lâm tặc “Hai Lúa” đang chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng vỏ lãi.

Chúng tôi đã tận mắt thấy chiều chuyến “vận chuyển” như vậy. Và ngay sát VQG Mũi Cà Mau chừng 500m, 1 hầm than dã chiến vẫn đang nghi ngút khói, đang “tiêu thụ” gỗ đước đưa từ rừng ra!

Kiểm lâm mất chức vì nhận “lót tay”?

Anh Q. cho biết: “Mỗi ngày, 1 người dân có thể dễ dàng đưa ra khỏi rừng 1-2 vỏ lãi gỗ, kiếm về trên dưới 1 triệu đồng là chuyện bình thường! Nhưng nếu không có sự “tiếp tay” của kiểm lâm, chắc chắn bọn phá rừng không thể nào làm được chuyện đó đâu”.

Anh Q. kể, có mấy lần anh và vợ vô rừng bắt cá kèo giống về bán, thấy người ta đốn gỗ, anh chạy vòng về báo mấy ông ở trạm kiểm lâm, nhưng không ai ra bắt hết. “Lúc đó, tôi về báo cho vườn (Ban Quản lý VQG Mũi Cà Mau - PV). Mấy ông bên vườn qua bắt, thì mấy ông đó (ở trạm kiểm lâm - PV) cự lại. Họ nói trạm không bắt thì thôi chứ mấy ông ở VQG có quyền gì mà bắt?”, anh Q. cho biết.

Theo anh Q., có lần anh thấy những người đốn trộm chạy chở gỗ tới lui trước mặt… kiểm lâm, nhưng mấy ông kiểm lâm cũng bỏ qua hết. “Người ta làm được chứ mình không có làm được đâu. Tại vì mình đâu có nhúng tay vô “ăn chịu, ăn chia” gì đâu. Nên đốn sẽ bị bắt hay bị truy tố gì đó, chắc chết luôn à”, anh Q. nói.

Trước những thông tin của người dân cho rằng cán bộ kiểm lâm ở các trạm kiểm lâm trực thuộc VQG Mũi Cà Mau “ăn chia, nhận lót tay” với những người phá rừng, tối 16/12/2013, TT&ĐS đã liên hệ với ông Phan Quốc Khải - Phó giám đốc VQG Mũi Cà Mau để làm việc. Ông Khải nhận lời và hẹn sáng hôm sau, tức sáng 17/12. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến như đã hẹn thì ông Khải không có ở cơ quan. Liên lạc qua điện thoại, thì ông cho biết: “Bữa nay tôi kẹt, tôi đi làm việc với UBND tỉnh rồi anh ơi. Tôi đi hồi sáng. Bây giờ tôi kẹt, anh ơi!”.

Chúng tôi đành xin được phỏng vấn ông Khải qua điện thoại, nhưng ông cũng từ chối và nói: “Dạ! Dạ, không nói được anh ơi. Chương trình còn đang làm việc, không biết khi nào xong nữa. Anh thông cảm nha, có gì chút xíu tôi gọi lại”. Nhưng đến giờ, vẫn không thấy ông Khải liên lạc lại.

Theo tìm hiểu của PV TT&ĐS, liên quan đến việc phá rừng ở VQG Mũi Cà Mau, Ban Giám đốc VQG Mũi Cà Mau đã kỷ luật cách chức đối với ông Trương Thanh Tâm - Trạm Trưởng Trạm Kiểm lâm Trại Xẻo và Trạm Phó - Trần Thái Sanh. Công an huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Chiêng - Trạm Trưởng Trạm Kiểm lâm Rạch Mũi về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng đối với VQG Mũi Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nội vụ có kế hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và các phòng, trạm của đơn vị này trước ngày 20/12/2013.

Sở dĩ Ban Quản lý VQG Mũi Cà Mau và Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đưa ra quyết định trên do trước đó, Tổ Công tác 1221 do ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau làm tổ trưởng (tổ này thành lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau ngày 27/8/2013), phát hiện có 18ha rừng với trữ lượng 1.773m3 đước bị thiệt hại. Theo báo cáo của tổ công tác này, khu vực rừng do Trạm Kiểm lâm Cồn Cát quản lý có 2 điểm rừng bị chặt phá với trữ lượng 968m3 gỗ (8,7ha); khu vực rừng do Trạm Kiểm lâm Cái Đôi và Cái Mồi quản lý có 2 địa điểm bị chặt phá với diện tích 7,7ha, trữ lượng 661m3 gỗ; khu vực Trạm Kiểm lâm Kinh Tư và Rạch Mũi phụ trách có 2 điểm bị chặt phá với diện tích 1,8ha, trữ lượng 144m3 gỗ…

Việc các cán bộ của các trạm kiểm lâm bị cách chức hay bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm phần nào đã cho thấy khả năng cán bộ kiểm lâm của VQG Mũi Cà Mau “tiếp tay” cho lâm tặc phá rừng  là hoàn toàn có căn cứ.

Danh tiếng Khu Ramsar Mũi Cà Mau bị ảnh hưởng

Liên quan đến vụ phá rừng ở VQG Mũi Cà Mau, đánh giá của một số nhà chuyên môn, cho biết hành động trên chắc chắn sẽ tác động xấu đến hệ sinh thái ở đây, ảnh hưởng đến việc cư trú của nhiều loài động vật, thủy sinh vật sống trong rừng. Và chắc chắn danh tiếng khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới này sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Tổ Công tác 1221, dù mới kiểm tra 3 khu vực tại VQG Mũi Cà Mau nhưng đã phát hiện số cây rừng bị thiệt hại lên đến 1.700m3 gỗ. Lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thuộc VQG Mũi Cà Mau được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc câu kết để trục lợi; xem xét nếu đủ yếu tố thì khởi tố vụ án.

 Tổ Công tác 1221 còn phát hiện một số cán bộ kiểm lâm vào rừng thu gom cây đã bị lâm tặc chặt đem đi… bán. Và Công an tỉnh Cà Mau đang xác minh thông tin lâm tặc móc nối với cán bộ Kiểm lâm VQG Mũi Cà Mau vào rừng chặt 1.500 cây đước bán lấy tiền chia nhau!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại