Hệ thống camera của một chủ nhà ở Q.10 ghi lại được hình ảnh xe, biển số xe của đối tượng đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản, nhưng không thể nhìn rõ con số trên biển số xe nên rất khó truy bắt - Ảnh cắt từ clip do chủ nhà cung cấp
Hiện nay trên thị trường, camera chống trộm được bày bán rất nhiều với đủ chủng loại, giá cả khác nhau. Tuy nhiên chất lượng không đảm bảo nên mới có chuyện chủ nhà gắn camera chống trộm, trộm không bắt được mà chủ nhà có thể bị trộm theo dõi ngược lại.
Tại cửa hàng bán camera có tên LS trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), trong tủ, trên tường trưng bày rất nhiều mẫu camera khác nhau.
Hỏi camera chất lượng tốt, chủ cửa hàng lấy ra một camera hình dạng nửa quả cầu, thiết kế phù hợp gắn trần nhà: “Con này 1 triệu đồng. Hàng tốt, của Trung Quốc”.
Theo người bán này, đây là camera tốt với độ phân giải 700 TVL (TV Line: dòng quét đơn), “chip Sony xịn”, sử dụng hồng ngoại nên thu được hình ảnh cả ngày và đêm.
Chỉ vào một camera có hình quả trám khác, người bán quảng cáo: “Oách hơn thì xài con này. 8 triệu đồng là bán rẻ. Cái này ít ai dám mua lắm. Điều khiển được trên máy tính, muốn quay đi đâu thì quay”.
Mức giá ấy chỉ là của “con mắt camera”, chưa tính tiền đầu thu, ổ cứng. “Ổ cứng 2T” được báo giá 2,2 triệu đồng. Đầu thu khoảng 1 triệu đồng.
“Đầu thu xịn 2,5 triệu đồng, cái bình thường 1 triệu đồng” - chủ cửa hàng này cho biết.
Chất lượng do… người bán
Bị theo dõi ngược
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, khi một tài khoản camera an ninh bị các đối tượng có ý đồ xấu lấy được mật khẩu thì có thể xem được hình ảnh trên camera để quan sát mọi hoạt động của những người trong nhà, bảo vệ công ty và lên kế hoạch đột nhập... vì họ đã chiếm luôn quyền quản trị hệ thống camera này.
Từ đây, họ có thể đẩy những dữ liệu giả tạo lên hệ thống camera để đánh lừa chủ nhân, lực lượng bảo vệ, thậm chí cả lực lượng công an. Trong thời điểm này, họ có thể thực hiện ý đồ xấu như trộm cướp tài sản...
ĐỨC THANH
Tại cửa hàng bán camera DM cũng trên đường Cộng Hòa, nhân viên quảng cáo: “Cửa hàng chuyên bán hàng của hãng nổi tiếng. Có camera công nghệ mới, độ phân giải A HD cho hình ảnh đẹp, rõ nét”.
Khi được hỏi về nguồn gốc, nhân viên này cho biết tất cả đều là hàng Đài Loan. Theo nhân viên này, cửa hàng có bán camera chính hiệu của các hãng Nhật Bản, nhưng vì có giá cả cao gấp 2-3 lần nên thường ít người chọn.
Ở đây, camera rẻ nhất có giá tầm 800.000 đồng/cái. Sau khi tư vấn, nhân viên này báo giá một hệ thống camera hoàn chỉnh với đầu thu 8 cổng, 8 camera có giá hơn 17 triệu đồng, chưa tính tiền dây điện, thi công...
“Chip được gắn sẵn trong mắt camera. Độ phân giải của chip càng cao thì hình ảnh càng sắc nét” - nhân viên cửa hàng DM tư vấn.
Sau đó, người này lại tiết lộ: “Độ phân giải của chip Nhật tuy thấp hơn chip Trung Quốc, Hàn Quốc...nhưng cho hình ảnh sắc nét hơn”.
Cùng một kiểu dáng, thương hiệu nhưng chip gắn sẽ khác nhau.
“Chỉ người bán mới biết được thông số của các con chip. Trên sản phẩm không thể hiện. Chất lượng là do người bán thôi. Quan trọng là mua ở chỗ uy tín!”.
Chủ cửa hàng LS cũng cho biết: “Nhiều khi là độ phân giải ảo. Vì không kiểm tra chất lượng, có khi 1.200-1.300 TVL của hãng này không bằng 600-700 TVL hãng khác. Khách hàng họ thường không biết”...
Chủ một cửa hàng camera khác trên đường Nguyễn Kim (Q.10, TP.HCM) lại khẳng định hình ảnh phụ thuộc vào đầu thu:
“Hầu như mọi đầu thu đều có khả năng nhận biết chuyển động. Sai lệch 70% hình ảnh ban đầu nó sẽ báo động. Khi có đối tượng đột nhập, đầu thu này sẽ tự chụp lại hình và gửi vào mail người nhận. Quan trọng là người bán có chuyên môn và cài đặt cho khách hàng”.
Thế nhưng nhân viên cửa hàng DM nói: “Để nhận được báo động thì camera phải kết nối với trung tâm báo trộm hoặc lắp hệ thống chống trộm riêng”.
Không rõ mặt trộm
Hiện nay, nhiều gia đình trang bị hệ thống camera quan sát để phòng chống trộm nhưng khi xảy ra trộm, họ trích xuất hình ảnh từ đầu ghi hình thì lại cho những hình ảnh mờ mờ, không rõ kẻ gian. Vì vậy cơ quan chức năng rất khó nhận dạng hay truy bắt đối tượng.
Ông N.T.N. - chủ một bãi rửa xe ở khu phố 3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, nơi xảy ra vụ trộm ôtô táo tợn giữa ban ngày - kể lại:
“Buổi trưa, tôi đậu ôtô trước tiệm rửa xe. Bỗng hai thanh niên chạy xe máy đứng trước tiệm. Một tên nhảy xuống xe tiến về chiếc ôtô. Một tên chạy xe vào trong tiệm, nói muốn rửa xe. Còn tên lái ôtô lao đi”.
Theo ông N., bãi xe có gắn hệ thống camera chống trộm ở nhiều vị trí và quan sát được toàn bộ hoạt động của bãi rửa xe.
Khi ấy, camera đã quay được biển số xe máy của hai tên trộm, nhưng khi phóng to những con số trên biển số thì quá mờ. Vì thế, cơ quan công an cho biết rất khó truy bắt.
Tương tự, một vụ trộm đã xảy ra tại một gia đình trên đường Hùng Vương (Q.10) vừa qua. Kẻ gian đột nhập vào nhà lấy đi nhiều tài sản trị giá gần 1 tỉ đồng.
Ông T.V.M., chủ nhà, cho biết hệ thống camera an ninh đặt trước và trong ngôi nhà của ông đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ trộm táo tợn này. Tuy nhiên, hình ảnh rất mờ nên không nhìn rõ được mặt đối tượng.
Sau đó, nhờ các chuyên gia kỹ thuật đến kiểm tra thì ông mới biết mình gắn phải camera dỏm, hàng Trung Quốc nhái hàng Nhật, độ phân giải của chip cực kỳ kém nên hình ảnh mờ nhạt, nhòe, không nhìn rõ.
Một điều tra viên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết thời gian qua, lực lượng Công an TP đã phá rất nhiều vụ án cướp giật, trộm cắp... thông qua những đoạn phim do hệ thống camera quan sát ghi lại từ hiện trường xảy ra vụ việc. Từ đó đã bắt được nhiều đối tượng gây án.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đoạn phim từ các camera gắn tại nhà quay lại vụ trộm, vụ cướp giật do người dân cung cấp cho công an nhưng hình ảnh quá mờ, không rõ ràng nên công an chỉ sử dụng để tham khảo. Việc truy bắt các đối tượng vẫn phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra.
Điều tra viên này cho biết thêm nhiều người dân nghĩ rằng hệ thống camera quan sát là để chống trộm đột nhập, bắt quả tang trộm... nên cứ gắn camera là yên tâm vì nghĩ sẽ theo dõi được các vụ trộm. Như vậy là quá chủ quan và không đúng.
“Tôi khẳng định camera chỉ là một hệ thống quan sát. Nó có hiệu quả chống trộm khi có người trực, theo dõi hệ thống và phát hiện kịp thời các đối tượng đang đột nhập thì mới ngăn chặn vụ trộm xảy ra. Hình ảnh của camera có thể giúp ích trong việc truy xét điều tra vụ án nhưng không có nghĩa là camera ngăn được vụ trộm” - vị này cho biết.
Điều tra viên này khuyên nếu muốn chống trộm thì cần có thêm hệ thống báo động chống trộm để phát âm thanh cảnh báo khi trộm đột nhập.
Tuy nhiên, người dân không nên quá chủ quan tin tưởng vào công dụng của các hệ thống này mà có thể gặp rủi ro về tài sản.
Việt Nam có 1.000 hệ thống camera an ninh có nguy cơ bị thâm nhập
Ông Ngô Anh Tuấn, phó chủ tịch BKAV, cho biết theo thống kê, hiện ở Việt Nam có gần 1.000 hệ thống camera an ninh của các công ty, cửa hàng, nhà tư nhân… có khả năng bị xâm nhập trái phép.
Đây là số hệ thống camera không đảm bảo về mặt an ninh, còn về mặt kỹ thuật các hệ thống camera này từ khi được lắp đặt, chủ hệ thống sử dụng mật khẩu mặc định của nhà sản xuất đầu thu hình của hệ thống và không cài đặt lại mật khẩu.
Việc để mật khẩu như trên khiến hệ thống camera dễ dàng bị người khác xâm nhập bất hợp pháp.
Đa số đơn vị cung cấp, lắp ráp hệ thống camera chỉ quan tâm đến việc hệ thống có chạy được hay không, không quan tâm đến việc đổi mật khẩu hoặc hướng dẫn cho khách hàng đổi mật khẩu.
Để bảo mật cho hệ thống camera của mình, chủ các hệ thống camera có thể truy cập vào phần mềm có giao diện quản trị dùng để xem hình ảnh trên hệ thống camera trên các thiết bị như điện thoại, máy tính xách tay... và vào phần cài đặt để đặt lại mật khẩu hoặc nhờ kỹ thuật viên hướng dẫn cách cài lại mật khẩu.
Ông Anh Tuấn cho biết cách tốt nhất để đảm bảo hệ thống camera an ninh không bị thâm nhập, nếu có thể thì chủ hệ thống nên tắt tính năng truy cập từ xa (ngắt kết nối Internet), hoặc bổ sung hình thức xác thực trước khi được truy cập vào hệ thống camera an ninh nội bộ.